Gỏi lưỡi heo ngó sen và những lợi ích sức khỏe

(VOH) - Gỏi lưỡi heo ngó sen là món ăn yêu thích của nhiều người, bởi nó không chỉ ngon, chống ngán mà còn bổ dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe qua sự đa dạng của các loại rau và gia vị.

Gỏi lưỡi heo ngó sen có tác dụng gì?

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, sách Dược tính chỉ nam của Tuệ Tĩnh có nêu về tác dụng chữa bệnh của lưỡi heo. Trong sách có mô tả, lưỡi heo (hay lưỡi lợn) có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ tỳ vị, bổ hư, trợ ngũ tạng, giúp ăn ngon và khai vị rất tốt.

goi-luoi-heo-ngo-sen-va-nhung-loi-ich-suc-khoe-voh-1

Tác dụng của lưỡi heo đã được Tuệ Tĩnh miêu tả trong sách Dược tính chỉ nam (Nguồn: Internet)

Khi kết hợp lưỡi heo với các nguyên liệu như ngó sen, hành tây, cà rốt, đậu phộng rang, tỏi, ớt, rau răm,…sẽ tạo nên một món gỏi không chỉ hài hòa về màu sắc, gia vị mà còn bổ dưỡng cho sức khỏe. Cụ thể:

  • Lưỡi cung cấp chất đạm cần thiết cho cơ thể.
  • Ngó sen chứa nhiều chất xơ, tinh bột, các nguyên tố vi lượng, vitamin C,…
  • Cà rốt chứa hàm lượng lớn beta-caroten (tiền vitamin A), chất xơ, tinh bột, các khoáng chất,…
  • Hành tây chứa tinh dầu, không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp giảm chất đạm xấu trong lưỡi heo để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

Ngoài ra, món gỏi lưỡi heo ngó sen còn có đủ vị chua, cay, the nên đây sẽ là một món ăn vừa giàu dinh dưỡng vừa giúp ngon miệng, chống ngán cho bữa cơm gia đình.

Theo bác sĩ Bay, món gỏi lưỡi heo rất tốt cho những người bị chứng tê tay chân, đồng thời nó cũng giúp bồi bổ khí huyết, giúp ổn định thần kinh và hệ thống tuần hoàn trong cơ thể. 

Cách làm gỏi lưỡi heo ngó sen

Nguyên liệu:

  • Lưỡi heo (1 cái cho 3 – 4 người ăn);
  • Ngó sen;
  • Cà rốt;
  • Hành tây;
  • Tỏi, ớt, chanh;
  • Ngò rí, rau răm;
  • Gia vị nêm nếm gồm muối, đường;

goi-luoi-heo-ngo-sen-va-nhung-loi-ich-suc-khoe-voh-2

Gỏi lưỡi heo ngó sen vừa hấp dẫn, thơm ngon, vừa bổ dưỡng (Nguồn: Internet)

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

  • Lưỡi heo rửa sạch, cạo kĩ phần lớp thượng bì, sau đó ngâm và rửa lại bằng nước muối. Luộc cho thật chín rồi thái lát mỏng.
  • Ngó sen ngắt khúc, ngâm nước muối pha thêm chút giấm để giữ được màu trắng đẹp của ngó sen.
  • Hành tây thái múi cau.
  • Cà rốt gọt bỏ vỏ, bào sợi.
  • Tỏi băm nhỏ, phi thơm.
  • Đậu phộng rang, bỏ vỏ.

Bước 2: Pha nước trộn gỏi

Pha hỗn hợp nước sốt trộn gỏi bằng nước cốt chanh, muối, đường và ớt băm. Bạn có thể cho thêm nước mắm nếu thích.

Bước 3: Trộn gỏi

  • Cho các nguyên liệu gồm ngó sen, hành tây và cà rốt vào một cái tô lớn hoặc thau nhỏ. Rưới hỗn hợp nước sốt trộn gỏi lên, trộn đều và ngâm khoảng 20 phút. 
  • Khi các loại rau củ thấm gia vị thì tiếp tục cho lưỡi heo và rau răm vào trộn đều lên. Lúc này có thể nêm thêm đường, chanh hoặc muối để hài hòa gia vị.
  • Cuối cùng, cho gỏi ra đĩa, rắc thêm đậu phộng rang, tỏi phi và trang trí thêm vài cọng ngò rí cho đẹp mắt.

Bác sĩ Bay cho biết với món gỏi lưỡi heo trộn ngó sen, bạn có thể ăn 3 – 4 lần/tuần. Đối với những người có bệnh về đường tiêu hóa thì có thể trộn thêm gừng cắt sợi hoặc sả.

Lưu ý: Món gỏi lưỡi heo giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, tuy nhiên những người mắc bệnh gout thì không nên ăn món ăn này. Bác sĩ Bay cho biết, phủ tạng động vật, trong đó có lưỡi heo, khi vào cơ thể có thể biến thành nhân purin rồi tạo ra axit uric. Điều này hoàn toàn không có lợi cho những người đang mắc bệnh gout.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

Rau chân vịt trộn gỏi - đẹp da, ngăn ngừa bệnh tim mạch: Rau chân vịt thường được chế biến bằng cách nấu canh hoặc xào. Tuy nhiên, hãy thử ‘đổi vị’ với loại rau này bằng cách trộn gỏi để nhận lại những tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe.
Lợi ích sức khỏe khi ăn gỏi nha đam: Nha đam được biết đến với nhiều món thanh mát như nha đam đường phèn, chè nha đam,…và có một món ăn hết sức lạ miệng, đó chính là gỏi nha đam. Vậy gỏi nha đam có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Bình luận