Hơn 70.800 người mắc sốt xuất huyết trên cả nước

(VOH) - Tính đến hết tháng 6, cả nước đã ghi nhận hơn 70.800 người mắc sốt xuất huyết.

Bộ Y tế cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam nhưng tại Hà Nội số người mắc sốt xuất huyết cũng đang có chiều hướng gia tăng.

Hơn 70.800 người mắc sốt xuất huyết trên cả nước

Hơn 70.800 người mắc sốt xuất huyết trên cả nước. Ảnh: TTO

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã ghi nhận 24.768 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2018 (8.959 ca) và đã có 5 trường hợp tử vong (3 người lớn, 2 thiếu niên).

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, tương tự mùa dịch năm trước, từ những tuần đầu tháng 6 khi mùa mưa bắt đầu, số ca nhập viện cũng như điều trị ngoại trú do mắc SXH gia tăng hàng tuần, tăng 40% so với tháng 5-2019.

Theo ghi nhận, đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 820 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu ở các quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm. Số ca tương đương với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên các tuần gần đây số bệnh nhân lại có xu hướng gia tăng. Tuần cuối tháng 6, Hà Nội ghi nhận 162 ca, nâng tổng số người bệnh trong nửa đầu năm 2019 lên 820, trong đó 95 bệnh nhân vẫn đang điều trị ở các bệnh viện.

Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết mùa dịch sốt xuất huyết mới chỉ bắt đầu nhưng số bệnh nhân nhập viện đang có dấu hiệu tăng, nhiều người chuyển nặng.

Song song đó, nhiều dịch bệnh khác cũng đang gia tăng số người mắc tại Hà Nội. Trong đó, dịch sởi đã có 4.700 ca mắc, tay chân miệng 18.900 ca mắc và 255 người bị viêm màng não.

Tại Đồng Nai, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 5.000 ca sốt xuất huyết , tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, năm nay có rất nhiều ca mắc sốt xuất huyết là người lớn, nguyên nhân là do bệnh nhân chủ quan, khi thấy sốt thì tự mua thuốc về điều trị đến khi bệnh nặng mới nhập viện cấp cứu.

Hiện Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa kèm theo thời tiết bất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi phát triển. 6 tháng đầu năm, ngành y tế Kon Tum ghi nhận 200 ca, cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2016 đến 2018.

Sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn Aedes aegypti hút máu. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Giai đoạn sốt thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng. Da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Một số biểu hiện dễ gặp tràn dịch màng phổi, gan to, li bì, tụt huyết áp. Người bệnh thường có xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, tiểu máu, xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não. Trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

Giai đoạn hồi phục kéo dài 48-72 giờ. Người bệnh hết sốt, thể trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm khi có sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh. Biện pháp chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, diệt muỗi trưởng thành. Ngủ trong màn chống muỗi, kể cả ban ngày.

Tuyệt chiêu đuổi muỗi cực hay, biết được mẹo này bạn chẳng lo sốt xuất huyết: Muỗi là tác nhân gây nên các bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, virus Zika, viêm não Nhật Bản,...Do đó, chúng ta cần biết cách đuổi muỗi để chúng không đến gần và gây bệnh. 
Bác sĩ khuyến cáo: Đừng xem thường muỗi cắn: Bị muỗi đốt không chỉ gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu mà còn để lại hậu quả nặng nề hơn. Hãy tìm hiểu ngay điều gì có thể xảy ra khi bị muỗi đốt thường xuyên.
Bình luận