Nhiễm não mô cầu: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

(VOH) – Nhiễm não mô cầu không phải là bệnh hiếm gặp, tuy vậy nhiều người hiện nay vẫn chưa biết đến căn bệnh này. Vậy nhiễm não mô cầu là bệnh lý gì, có thể nhận biết và phòng ngừa được không?

Nhiễm não mô cầu là bệnh gì?

Nhiễm não mô cầu (hay còn gọi là màng não cầu) là một trong những bệnh lý tương đối phổ biến ở cả người lớn lẫn trẻ em, do vi khuẩn não mô cầu gây ra gây. Đây là một trong những loại vi khuẩn rất nguy hiểm, có thể gây bệnh ở rất nhiều cơ quan như đường hô hấp, hệ thần kinh, máu, hệ tiêu hóa, da, cơ quan tiết niệu sinh dục... gây ra rất nhiều bệnh cảnh nguy hiểm khác.

Một trong những thể bệnh thường gặp nhất ở não mô cầu là nhiễm màng não do não mô cầu hoặc nhiễm trùng huyết do não mô cầu. Đây là 2 thể bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

nhiem-nao-mo-cau-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-phong-ngua-voh

Nhiễm não mô cầu thường gặp nhiều ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Nhiễm não mô cầu đã tồn tại rất lâu, theo các nhà nghiên cứu bệnh được mô tả lần đầu tiên vào năm 1805. Sau khi nghiên cứu chuyên sâu các nhà khoa học đã phát hiện vi khuẩn não mô cầu có đến 13 chủng huyết thanh và có đến 5 chủng thường gây bệnh trên người đó là chủng A, B, C, Y và W-135. Bệnh có thể xảy ra trên toàn thế giới.

Những biểu hiện nhiễm não mô cầu

Theo ThS, BS Đinh Thạc, nhiễm mô cầu xảy ra ở từng cơ quan sẽ có những triệu chứng, biểu hiện bệnh khác nhau. Với 2 thể bệnh thường gặp là viêm màng não mô cầu và nhiễm trùng huyết não mô cầu thì những dấu hiệu có thể nhận biết là:

  1. Viêm màng não mô cầu

Dấu hiệu nhận biết đặc trưng viêm màng não mô cầu là:

  • Sốt cao từ 39 – 40 độ C, sốt liên tục.
  • Đau đầu.
  • Cổ bị cứng.
  • Trẻ bị hôn mê, li bì, khó thức,  một số trẻ có thể bị sốt co giật.
  • Trẻ có thể nổi phát ban (dấu hiệu không đặc hiệu).
  • Đối với trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ sẽ có triệu chứng thóp phồng.
  1. Nhiễm trùng huyết não mô cầu.

Các triệu chứng thường xuất hiện một cách ồ ạt, bao gồm:

  • Sốt do nhiễm trùng với nhiệt độ từ 40 – 41 độ C.
  • Trẻ bị mệt mỏi, bỏ ăn uống.
  • Trẻ nổi tử ban với đặc điểm là những vết thâm có màu đỏ thẫm như máu, kích thước không giống nhau, rìa vùng nổi ban có hình răng cưa (giống bản đồ).

Nguyên nhân nhiễm não mô cầu và độ tuổi thường mắc bệnh

Não mô cầu có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, tuy nhiên, theo thống kê, 2 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là: nhóm trẻ em tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên tuổi từ 14 đến 20 tuổi. Sau độ tuổi 20 tỷ lệ nhiễm não mô cầu sẽ thấp dần.

Hiện nay, nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng từ 20 – 40% người lành mang mầm bệnh não mô cầu, do đó khả năng lây nhiễm trong cộng đồng là tương đối cao. Nếu có điều kiện thuận lợi não mô cầu có thể xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể và gây bệnh rất nặng nề.

nhiem-nao-mo-cau-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-phong-ngua-1-voh

Vi khuẩn nhiễm não mô cầu có khả năng lây truyền trong cộng đồng (Nguồn: Internet)

Theo ThS, BS Đinh Thạc, 2 yếu tố làm tăng khả năng lây nhiễm vi khuẩn não mô cầu trong cộng đồng là:

  • Khí hậu và thời tiết: Bệnh nhiễm não mô cầu xảy ra nhiều nhất khi thời tiết khô hanh, thường là mùa đông – xuân và thời điểm mắc bệnh ít nhất là vào mùa hè.
  • Sinh sống và mật độ dân cư: Mật độ dân cư càng đông đúc thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ càng cao, ví dụ như trong môi trường học đường, ký túc xá, bệnh viện,....

Đường lây chính của nhiễm não mô cầu là thông qua dịch tiết nước bọt khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi hay có sự giao tiếp gần gũi như: ôm hôn, ăn chung chén đũa hoặc vô tình tiếp xúc với các dịch tiết đường hô hấp.

Phòng ngừa nhiễm não mô cầu bằng cách nào?

Hiện nay, có thể phòng ngừa nhiễm não mô cầu bằng cách:

  • Chủ động bảo vệ cơ thể bằng cách nếu có người trong gia đình bị nhiễm não mô cầu thì cần thực hiện cách ly và nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm.
  • Cố gắng giữ khoảng cách khi sống trong môi trường đông đúc dân cư. Nên giữ khoảng cách an toàn là 1.5 mét để hạn chế sự lan truyền của vi khuẩn từ người bệnh sang người lành.
  • Giữ thói quen vệ sinh thân thể thật tốt.
  • Đối với những người đang điều trị thì cần phải cách ly và chỉ được xuất viện khi kết quả xét nghiệm cho thấy vi khuẩn không còn tồn tại.

Hiện nay, đã có vắc-xin phòng ngừa nhiễm não mô cầu, vì thế các bậc cha mẹ nên cho con em thực hiện tiêm ngừa vắc-xin để có thể chủ động phòng ngừa nhiễm não mô cầu.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

7 dấu hiệu nhận biết bệnh viêm màng não ở trẻ nhỏ đáng báo động, cha mẹ cần để ý : Viêm màng não ở trẻ em là căn bệnh thường xảy ra vào mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa. Đây là căn bệnh thật sự nguy hiểm, cần được điều trị sớm để ngăn ngừa tử vong hoặc các di chứng ở ...
Bệnh viêm màng não mô cầu vào thời kỳ bùng phát  : Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết lạnh và ẩm của giai đoạn chuyển mùa, nhất là mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh viêm màng não mô cầu phát triển.
Bình luận