Trung bình bàng quang có thể chứa tối đa khoảng 420ml chất lỏng. Khi bàng quang đầy, khoảng từ 250 - 350ml thì bắt đầu có dấu hiệu căng giãn, các dây thần kinh ở bàng quang sẽ gửi tín hiệu lên não để chúng ta hiểu đã đến lúc đi tiểu.
Dưới đây là tác hại của nhịn tiểu đối với sức khỏe:
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (UTI)
Nhịn tiểu quá lâu có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến đường tiết niệu. Vi khuẩn xâm nhập niệu đạo, bàng quang và có thể lây lan đến thận.
Phụ nữ (nhất là phụ nữ mang thai) dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu do niệu đạo ngắn hơn nhưng bệnh thường nghiêm trọng hơn nếu xảy ra ở nam giới.
Đối với trẻ nhỏ, nhiễm trùng tiểu có thể gây biến chứng sẹo thận hoặc là tiền thân của bệnh tăng huyết áp. Các triệu chứng phổ biến đặc trưng gồm nước tiểu đục hoặc có máu, hay buồn tiểu, sốt nhẹ và cảm giác buốt rát khi đi tiểu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới có thể điều trị bằng kháng sinh đường uống, còn nhiễm trùng đường tiết niệu trên có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch.
Vỡ bàng quang
Nhịn tiểu nhiều khiến nước tiểu ứ đọng trong bàng quang. Khi đó bàng quang giống như một quả bóng chứa đầy nước, chỉ cần một tác động lực nhỏ vào thành bàng quang sẽ có nguy cơ làm vỡ bàng quang.
Hầu hết các trường hợp vỡ bàng quang đều do tác động mạnh vào phần bụng dưới trong lúc bàng quang đang căng đầy nước tiểu.
Suy thận
Khi nước tiểu tăng lên thì áp lực ở bàng quang cũng tăng lên. Đến khi áp lực đủ cao thì nước tiểu từ thận sẽ không thể thoát xuống được. Khi đó, thận sẽ bị ứ nước và mất dần chức năng.
Mặc dù, chức năng thận sẽ được hồi phục sau khi đi tiểu nhưng những vi chấn thương ở thận mới tạo ra sẽ không hồi phục. Nếu tình trạng này tái diễn nhiều lần sẽ làm thận tổn thương nhiều hơn và suy thận là hệ quả khiến bạn không ngờ đến.
Sỏi thận
Tình trạng buồn tiểu nhưng không đi tiểu dẫn đến ứ đọng nước tiểu kéo dài, các tinh thể trong nước tiểu sẽ lắng đọng và liên kết với nhau tạo thành sỏi. Mặc dù những trường hợp sỏi nhỏ có thể tự ra ngoài.
Tuy nhiên, nếu thoái quen nhịn tiểu kéo dài thì sỏi tạo ra sẽ ngày càng lớn và nguy hại đến sức khỏe nam giới.
Rối loạn chức năng đi tiểu
Ở những người có thói quen nhịn tiểu, cơ thể sẽ dần quen với cảm giác bàng quang căng tức và thần kinh cảm giác mắc tiểu bắt đầu bị “chai lì”. Đến khi thần kinh cảm giác mất chức năng, dù bàng quang có căng nước tiểu thì chính bản thân người nam cũng không hề hay biết.
Khi đó, chỉ cần những tác động nhỏ như ho, hắc hơi,... cũng sẽ làm nước tiểu trào ra gây són tiểu.
Nhịn tiểu không phải là một thói quen tốt cho cơ thể đặc biệt là đối với hệ tiết niệu, chính vì vậy dù trong bất kể trường hợp nào cần hạn chế tối đa việc nhịn tiểu và đáp ứng nhu cầu tiểu tiện nhanh nhất có thể.
Khi đã có các dấu hiệu ban đầu liên quan tới tiết niệu thì cần được thăm khám ngay để chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.