Header-01
Đăng nhập

Nhịp Sống Khỏe 14/3: Hàng chục người nhập viện sau khi ăn cơm gà | Gia tăng số ca đột quỵ tim

VOH - Cứu sống nữ sinh 14 tuổi bị đâm thủng nội tạng; Bệnh dại tăng đột biến, 22 trường hợp tử vong; Gia hạn hơn 900 thuốc và nguyên liệu làm thuốc… là các tin nổi bật.

Cứu sống nữ sinh 14 tuổi bị đâm thủng nội tạng

Ngày 13/3, Bệnh viện Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết các bác sĩ vừa cứu sống bệnh nhi N.N.V.A., 14 tuổi, do vết thương thủng nhĩ phải, thủng đỉnh phổi và rơi vào tình trạng nguy kịch.

Trước đó, 8h ngày 12/3, bé A. được đưa vào khoa Cấp cứu trong tình trạng kích thích vật vã, da tay chân lạnh, mạch quay nhẹ khó bắt, huyết áp không đo được. Bác sĩ trực cấp cứu đã nhanh chóng kích hoạt báo động đỏ toàn viện.

Kết quả thăm khám bước đầu, các bác sĩ phát hiện một vết thương cạnh ức trái dưới xương đòn trái khoảng 3 cm, kích thước vết thương khoảng 1,5 cm thấu vào lồng ngực của trẻ.

Các bác sĩ siêu âm tim cấp cứu tại giường, thấy tràn máu màng ngoài tim gây chèn ép tim. Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển phẫu thuật cấp cứu khẩn. Bác sĩ đã xử lý vết thương tim, khâu lỗ thủng phổi, cầm máu dẫn lưu khoang màng phổi trái, hồi sức tim cho bệnh nhi.

Qua 24 giờ, sức khỏe em A. dần tốt lên, các chỉ số sinh tồn ổn định. Hiện bệnh nhân vẫn được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.

Nhịp Sống Khỏe 14/3: Hàng chục người nhập viện sau khi ăn cơm gà | Gia tăng số ca đột quỵ tim 1Xem toàn màn hình
Bệnh nhi bị đâm thủng tim, phổi được phẫu thuật cấp cứu. Ảnh: BVCC.

Hàng chục người nhập viện sau khi ăn cơm gà

Tối 13/3, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ nghi ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh, đường Bà Triệu, TP Nha Trang.

Thông tin ban đầu, khoảng 20 giờ 30 ngày 12/3, Trung tâm Y tế TP Nha Trang nhận tin báo một số trường hợp nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà.

Đến khuya cùng ngày, có 60 người nhập viện tại nhiều bệnh viện khác nhau ở TP Nha Trang.

Trong đó, có 20 người có các triệu chứng nhẹ, sau khi được sơ cứu đã xuất viện trong ngày. Còn 40 người vẫn đang nằm theo dõi, hiện tại sức khỏe đều ổn định.

Hiện, cơ sở cơm gà Trâm Anh đã bị đình chỉ hoạt động để phối hợp cơ quan chức năng điều tra vụ việc.

Nhịp Sống Khỏe 14/3: Hàng chục người nhập viện sau khi ăn cơm gà | Gia tăng số ca đột quỵ tim 2
Một số bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nha Trang. Ảnh: CĐ

Bệnh dại tăng đột biến, 22 trường hợp tử vong

Ngày 13/3, thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành.

Hiện một số địa phương ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại cao, như: Gia Lai (14 ca), Nghệ An (7 ca), Bình Phước (7 ca), Điện Biên (6 ca), Bến Tre (5 ca), Đắk Lắk và Bình Thuận (4 ca).

Theo Cục Y tế dự phòng, gần đây, xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại là người bị động vật nghi bị dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc-xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi mới đạt khoảng 10%, thấp hơn nhiều so với quy định.

Nhịp Sống Khỏe 14/3: Hàng chục người nhập viện sau khi ăn cơm gà | Gia tăng số ca đột quỵ tim 3
Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại là biện pháp duy nhất để tránh tử vong sau khi bị chó, mèo dại cắn. Ảnh: NLĐ

Gia tăng số ca đột quỵ tim

Những ngày gần đây, số người nhập viện vì đột quỵ tim tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tăng 2 lần so với những năm trước. Chỉ trong một tuần vừa qua, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Tim mạch tiếp nhận và can thiệp điều trị 3 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp.

Theo Thầy thuốc nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, thời tiết quá lạnh, hay quá nóng đều có thể tác động quá mức đến sự co giãn quá mức của hệ thống mạch máu, tăng huyết áp khiến gia tăng các biến chứng tim mạch.

Trong số đó, nhiều ca đột quỵ tại bệnh viện ghi nhận do bỏ thuốc điều trị tăng huyết áp. Những người có yếu tố nguy cơ cao như người trên 60 tuổi, có rối loạn mỡ máu, có rối loạn lipid máu, tiền sử hút thuốc lá… dễ bị đột quỵ hơn khi thay đổi thời tiết.

Với người cao tuổi, cần hạn chế thay đổi môi trường đột ngột. Nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ protein, tăng cường rau xanh, trái cây. Hạn chế rượu bia, thức ăn nhanh. Luyện tập thể dục nhẹnhàng, đều đặn, phù hợp với độ tuổi và thể trạng.

Thời gian vàng đối với nhồi máu cơ tim là 1-2 tiếng kể từ khi có dấu hiệu khởi phát. Với đột quỵ não là 4,5 giờ. Đến càng sớm, điều trị càng hiệu quả, tránh biến chứng.

Nhịp Sống Khỏe 14/3: Hàng chục người nhập viện sau khi ăn cơm gà | Gia tăng số ca đột quỵ tim 4
Đặt stent cứu sống nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp.

Gia hạn hơn 900 thuốc và nguyên liệu làm thuốc

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có các quyết định gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với gần 900 loại thuốc khác nhau. Số thuốc, nguyên liệu làm thuốc này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Tại quyết định này, Cục Quản lý Dược nêu rõ, trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã thực hiện thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành hoặc có đính chính, sửa đổi thông tin liên quan đến giấy đăng ký lưu hành đã được cấp, doanh nghiệp xuất trình văn bản phê duyệt hoặc xác nhận của Cục Quản lý Dược với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật.

Cũng theo thông tin của Cục Quản lý Dược, dịp này Cục đã ban hành danh mục 193 thuốc nước ngoài được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam; đồng thời công bố Danh mục 15 thuốc biệt dược gốc đợt 2 của năm 2024.

Được biết các sản phẩm thuốc trong nước và nước ngoài được gia hạn số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Bình luận