Huyết áp được gọi là thấp khi chỉ số trên ≤ 90 mmHg và/hoặc chỉ số dưới ≤ 60 mmHg. Khi bạn đo huyết áp thấy các chỉ số 90/60 mmHg, 90/55 mmHg, 100/60 mmHg… được coi là huyết áp thấp.

Huyết áp không phải luôn cố định, nó thay đổi theo thời điểm trong ngày, tùy thuộc theo vị trí cơ thể, nhịp thở, mức độ căng thẳng, tình trạng sức khỏe, thuốc đang uống, chế độ ăn uống. Huyết áp thấp có thể gặp trong các trường hợp:
- Do thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra huyết áp thấp, bao gồm thuốc lợi tiểu và các thuốc điều trị cao huyết áp; thuốc tim mạch; thuốc chống trầm cảm; thuốc rối loạn cương dương; ma túy và rượu...
- Dị ứng và sốc phản vệ: Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Sốc phản vệ có thể xảy ra ở những người nhạy cảm với các loại thuốc như penicillin, các loại thực phẩm như đậu phộng, ong đốt… Các biểu hiện nhận biết gồm các vấn đề hô hấp, nổi mề đay, ngứa, sưng cổ họng và giảm huyết áp đột ngột.
- Hạ huyết áp do hệ thần kinh: Rối loạn này gây ra huyết áp giảm sau khi đứng trong thời gian dài, dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn và ngất xỉu. Tình trạng này chủ yếu hay gặp ở những người trẻ tuổi và có bất thường tín hiệu thần kinh giữa tim và não.
- Bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim chậm, bệnh van tim, nhồi máu cơ tim và suy tim.
- Bệnh lý nội tiết gây các bất thường trong sản xuất hormone trong cơ thể như suy tuyến giáp, bệnh tuyến cận giáp, suy tuyến thượng thận, hạ đường huyết và một số trường hợp bệnh tiểu đường.
- Nhiễm trùng nặng và sốc nhiễm trùng: Sốc nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu sản xuất độc tố tác động lên các mạch máu làm tụt huyết áp nặng đe dọa tính mạng.
Người huyết áp thấp có khả năng mất trí nhớ cao, suy giảm chức năng hệ thần kinh, suy giảm trí nhớ. Huyết áp thấp cũng gây choáng váng và ngất. Người bị huyết áp thấp cũng dễ mắc tai biến mạch máu não, nhồi máu não.