Phần 2: Xử lý khi bị thiếu máu não dẫn đến đột quỵ

(VOH) - Đột quỵ làm cho phần não rơi vào tình trạng thiếu ôxy và tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút. Vì vậy, nhận biết và xử lý kịp thời các dấu hiệu của đột quỵ vô cùng quan trọng.

(VOH) - Đột quỵ làm cho phần não rơi vào tình trạng thiếu ôxy và tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút. Vì vậy, nhận biết và xử lý kịp thời các dấu hiệu của đột quỵ vô cùng quan trọng.

Tư vấn từ bác sĩ Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Thống Nhất.

Dấu hiệu của đột quỵ

Cơn thoáng thiếu máu não là sự thiếu hụt sự cung cấp máu trong giai đoạn ngắn ở một khu vực nhất định của não bộ. Vì thiếu máu cục bộ làm suy yếu chức năng của các tế bào não, một người mắc phải một cơn thiếu máu thoáng qua sẽ có các triệu chứng suy giảm chức năng não, chẳng hạn nói khó hoặc yếu liệt một bên tay, chân.

Các triệu chứng của một cơn thiếu máu thoáng qua có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, nhưng theo định nghĩa, chúng phải biến mất trong vòng 24 giờ.

Có đến 20% số người bị thoáng thiếu máu não sẽ gặp phải một cơn đột quỵ thực sự trong 3 tháng tiếp theo.

Khi gặp phải các dấu hiệu: choáng váng đi kèm với yếu liệt một bên, rối loạn cảm giác, méo mặt, nói khó… cần nghĩ ngay đến cơn thiếu máu não thoáng qua, thậm chí là nhồi máu não.

Xử lý khi bị thiếu máu não dẫn đến đột quỵ

 

Khi có dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng như trong hình minh họa và gọi cấp cứu

Cần nhất là ngay lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế có đủ trang thiết bị thăm khám, làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán tai biến mạch máu não, tầm soát yếu tố nguy cơ và có biện pháp điều trị phù hợp.

Bệnh nhân có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua cần được xét nghiệm, khảo sát các yếu tố nguy cơ: chụp cắt lớp vi tính não hoặc chụp cộng hưởng từ não, công thức tế bào máu, lipid máu, điện tim, siêu âm tim, siêu âm hệ động mạch cảnh và hệ động mạch đốt sống - thân nền.

Các xét nghiệm này nên hoàn tất trong vòng 24-48 giờ đầu sau cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Các kết quả xét nghiệm là cơ sở để xây dựng kế hoạch điều trị dự phòng.

Những thói quen để tránh đột quỵ

- Tập thể dục: Tập thể lực tối thiểu 150 phút (2,5 giờ) mỗi tuần với cường độ tập trung bình hoặc 75 phút (1 giờ 15 phút) mỗi tuần với cường độ cao

- Chế độ ăn: giảm muối và tăng kali giúp hạn chế tăng huyết áp. Nên ăn nhiều thức ăn rau, củ, quả. Hạn chế mỡ động vật. Hạn chế bia, rượu. Bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc lá.

- Với người có tiền sử rối loạn lipid máu: kết hợp chế độ ăn hợp lý với điều trị bằng statin, có thể phối hợp nhóm fibrat nếu cần để đưa lipid máu về mức bình thường. Ở người mắc đái tháo đường: cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn với dùng thuốc kiểm soát đường máu. Duy trì HbA1C ở mức dưới 6,5%.

Bình luận