Quy tắc vàng bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh

(VOH) - Trong chương trình Món ngon bữa trưa phát trên sóng AM 610 KHz – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM hướng dẫn một số quy tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh.

Chương trình Bữa cơm gia đình – 04/03/2017:

Không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh

Thực phẩm cất trong tủ lạnh chỉ nên kín khoảng ba phần tư tủ để không khí lạnh lưu thông không bị cản trở và ngăn túi nhiệt hình thành.

Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh nên được đựng trong các hộp chuyên dụng (Ảnh: Pocket Change Gourmet)

Điều đó không có nghĩa tủ lạnh trống trơn sẽ hiệu quả nên để một vài bình nước trong tủ lạnh để lấp đầy không gian hoặc bạn phải thiết lập một mức nhiệt độ phù hợp.

Phân loại thực phẩm theo thời gian

Những thức ăn có hạn sử dụng hết trước nên được bỏ ra phía cửa tủ, để bạn không bị quên và lỡ mất hạn sử dụng, gây lãng phí thực phẩm. Việc phân loại thức ăn theo thời gian cũng giúp bạn không cất thực phẩm nào đó quá lâu, làm mất hương vị và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

Một số cách bảo quản thực phẩm

* Bảo quản rau:

- Để bảo quản rau được lâu thì cần sơ chế trước: bỏ lá sâu, lá giập, cắt bỏ phần rễ thì rửa sạch rau cho vào túi, buộc kín rồi xếp vào ngăn tủ mát.

- Các loại rau gia vị, rau ngò nên cho vào các hộp và đậy nắp kỹ để không bị những mùi lạ khác trong tủ lạnh ám vào.

* Bảo quản trái cây:

- Nhặt sạch cuống, loại bỏ những trái hỏng, rửa sạch, để ráo và phân thành từng loại riêng, cho mỗi loại vào một túi nilon bảo quản thực phẩm và để trong ngăn mát tủ lạnh.

- Hộc tủ ngăn mát có thiết kế giúp duy trì ẩm độ thích hợp cho các loại rau, củ, quả, do đó đây là nơi phù hợp nhất để bảo quản rau, củ, quả luôn được tươi trong tủ lạnh.

- Tuyệt đối không để vào ngăn đá hay ngăn mát trên cùng bởi nhiệt độ quá lạnh sẽ làm trái cây hỏng nhanh.

- Củ, quả chỉ gọt vỏ trước khi chế biến hoặc trước khi ăn.

- Nếu mua các loại đã được bảo quản trong tủ lạnh thì về nhà cũng phải bảo quản trong tủ lạnh.

- Đối với những trái cây đã sử dụng một phần, nên dùng màng bọc thực phẩm bọc lại kín rồi bảo quản ở ngăn mát.

* Bảo quản thịt, cá:

- Thịt, cá tươi sống nên được rửa sạch trước, để ráo nước và chia nhỏ thành từng bữa rồi cho vào các hộp riêng trước khi đưa vào ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày.

- Khi cần chế biến món ăn nào thì lấy ra rã đông và sử dụng. Sau khi rã đông, thức ăn cần nấu hết.

- Thịt để trong ngăn đá của tủ lạnh nên được sử dụng trong vòng 1 tuần để đảm bảo chất lượng thịt; thịt để trong ngăn lạnh thì chỉ nên 2 ngày; thịt đã qua chế biến thì có thể để được 3 – 5 ngày. Nếu để quá lâu, thịt trong tủ lạnh không còn tốt cho sức khỏe. Các phân tử protein sẽ bị biến tính, tự hoại tử.

- Không đặt hộp đựng thịt chín gần với những phần thịt sống để ngăn ngừa sự lây nhiễm vi khuẩn.

* Bảo quản thực phẩm chín:

- Bảo quản thực phẩm chín trong tủ lạnh chỉ từ 1- 2 ngày để giữ được mùi vị và chất lượng tốt nhất.

- Thịt chín nếu muốn bảo quản trong tủ lạnh cũng không nên để quá lâu, chỉ nên lưu cho bữa sau, như bữa sáng dùng cho bữa trưa, bữa trưa cho bữa tối, lâu nhất chỉ nên từ 5-6 tiếng. 

- Giò chả, nem chua khi bảo quản trong tủ lạnh cần lột hết lớp vỏ gói bên ngoài. Nên đậy bằng rổ có nhiều lỗ thoáng nhỏ, nhưng tránh hơi gió. Chỉ nên dùng giò chả, nem chua trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp, nên luộc lại.

* Bảo quản hạt và dầu thực vật:

Bảo quản các loại hạt, dầu thực vật (ví dụ: dầu dừa) ở tủ lạnh sẽ giúp tránh được sự xuất hiện của mối, mọt và có thời gian dùng được lâu hơn khi ở bên ngoài.

* Bảo quản thực phẩm làm từ tinh bột:

Bảo quản trong tủ lạnh sẽ làm tăng tuổi thọ của các thực phẩm này. Tuy nhiên hãy lưu ý cho các loại bánh mì, bánh ngọt hay bánh kem,… vào những bao nhỏ hoặc các hộp đựng, để không làm bánh bị khô và cứng đi.

Những thực phẩm không nên cho vào tủ lạnh

- Những thực phẩm dễ lên mầm: Những thực phẩm có khả năng lên mầm nhanh như hành, tỏi, khoai tây,… thì các bạn không nên cho vào tủ lạnh. Chúng sẽ dễ mọc mầm và tạo ra các hợp chất gây độc cho bạn. Riêng đối với tỏi, chúng còn ám mùi khó chịu cho các thực phẩm khác.

- Hạt và bột cà phê: Cho cà phê vào tủ lạnh, nhiệt độ sẽ làm cho nó mất đi hương vị và các hợp chất tạo nên mùi thơm quyến rũ của riêng mình. Đồng thời, chúng cũng sẽ làm mất đi mùi của các thực phẩm khác nữa. Tuy nhiên, nếu bạn muốn khử mùi hôi tủ lạnh thì có thể bỏ một chút bột hoặc bả cà phê vào tủ.

- Cà chua và trái bơ: Cà chua hay bơ đều là những loại trái cây không phù hợp với nhiệt độ trong tủ lạnh. Bạn nên bảo quản nó ở bên ngoài, tại những nơi thoáng mát và tránh ánh sáng mặt trời để đạt được nhiệt độ phù hợp nhất có thể.

- Chuối xanh: Cho chuối xanh vào tủ lạnh, chuối sẽ rất khó chín và còn bị nhũn gây hỏng đi. Hãy đợi đến khi chuối chín rồi, nếu bạn muốn ăn chuối lạnh thì cho nó vào tủ và bảo quản.

Bình luận