Rau mương chữa được những bệnh gì?

(VOH) - Rau mương là một loại cây có thể dùng làm rau ăn hoặc dùng làm dược liệu chữa bệnh. Đã có nhiều tài liệu chia sẻ về tác dụng của rau mương đối với sức khỏe, đặc biệt là chữa đau dạ dày.

1. Đặc điểm của rau mương

Rau mương hay cỏ cuốn chiếu (tên khoa học Ludwigia hyssopifolia(G.don) Exell, thuộc họ rau dừa nước. Đây là loại cây thảo, cao 25 – 50cm, phân nhánh mọc đứng, thân và cành có 4 góc lồi. Lá hình dải – ngọn giáo, thuôn hẹp dài thành cuống, nhọn mũi, dài 4 – 8cm, rộng 10 – 15mm. 

rau-muong-chua-duoc-nhung-benh-gi-voh

Cây rau mương thuộc họ cây dừa cạn (Nguồn: Internet)

Hoa của rau mương thường nhỏ, màu trắng, mọc ở nách lá. Quả hình trụ, nhẵn hơi phồng lên ở đỉnh, dài 15 – 18mm, rộng 2.5mm, chứa nhiều hạt hình bầu dục. 

Rau mương thường phân bố ở một số nước thuộc châu Á như Trung Quốc, Philipin và châu Mỹ như Brazil. Ở nước ta, cây thường mọc ở những chỗ ẩm ướt ven các ngòi nước, hồ nước, các bờ đê, gò ruộng,…Rau mương gặp nhiều ở các tỉnh phía Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ lâu, người dân một số vùng đã dùng các đọt non của rau mương để làm rau ăn và thường dùng để nấu canh. Và một số nơi lại dùng rau mương để làm thuốc chữa bệnh.

2. Cây rau mương có tác dụng gì?

Theo sách Cây rau làm thuốc của TS. Võ Văn Chi, cây rau mương có những dược tính và công dụng sau đây:

Rau mương có vị ngọt nhạt, hơi sít, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, tiêu thũng, chữa tiêu chảy và lỵ, mất máu, tiêu sưng.

Về chữa bệnh, có thể dùng cây rau mương để trị các bệnh như:

rau-muong-chua-duoc-nhung-benh-gi-voh

Toàn thân cây rau mương đều dùng được (Nguồn: Internet)

  • Trị cảm mạo phát sốt.
  • Viêm hầu họng.
  • Viêm miệng lưỡi.
  • Viêm ruột do tiêu chảy.
  • Mụn lở sưng đau.

Để chữa bệnh, người ta thường dùng cây rau mương tươi hoặc cây khô sắc lấy nước uống hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Nếu dùng cây khô, bạn có thể dùng toàn cây, thái nhỏ, sao vàng khử thổ rồi sắc mỗi lần vài nhúm để lấy nước uống. Nước rau mương có thể dùng để ngâm và súc miệng để chữa các bệnh ở hầu họng, miệng. 

Cành lá rau mương giã tươi có thể dùng đắp ngoài để trị mụn nhọt.

3. Cây rau mương chữa đau dạ dày do vi khuẩn HP được không?

Ngoài những công dụng trên, nhiều người cho rằng cây rau mương là dược liệu chữa bệnh đau dạ dày do vi khuẩn HP rất hay. Vậy sự thật này như thế nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Phú Lâm (Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít, Vĩnh Long) là người am hiểu về bệnh đau dạ dày cũng như xoắn khuẩn HP, rất tin tưởng vào công dụng của rau mương. Ông cho rằng, thảo dược này có nhiều điều kỳ diệu mà nhiều người chưa biết, cần được nghiên cứu thêm. 

Tuy nhiên, trên thực tế, điều trị đau dạ dày có yếu tố HP, ngoài các thuốc tân dược còn có những thảo dược, điển hình là cây chè dây. Việc dùng rau mương để chữa bệnh đau dạ dày có HP hiện chỉ là bài thuốc được truyền miệng trong dân gian, chưa có công trình nghiên cứu nào được công bố.

rau-muong-chua-duoc-nhung-benh-gi-voh

Rau mương tươi hay khô đều dùng dược (Nguồn: Internet)

4. Một số lưu ý khi dùng cây rau mương

  • Không nên tự ý dùng cây rau mương điều trị bệnh khi chưa tham khảo ý kiến từ bác sĩ và thầy thuốc Đông y.
  • Mặc dù lành tính nhưng để đảm bảo an toàn, bạn không nên lạm dụng rau mương đến mức quá liều.
  • Tính hiệu quả của rau mương còn tùy thuộc vào cơ địa cũng như tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Do đó, không nên đặt hoàn toàn niềm tin vào dược liệu này.
  • Không tự ý dùng cây rau mương cho phụ nữ mang thai.
  • Rau mương thường mọc ở những vùng đất ẩm, ngập nước ven kênh, mương, kể cả những nơi có nguồn nước ô nhiễm. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, người dùng có nguy cơ cao bị nhiễm độc thạch tín nếu dùng những cây rau mương mọc ở những vùng đất, nước bị ô nhiễm, bởi loại cây này có khả năng hấp thu các chất độc hại từ nguồn nước này. Do đó, không nên tự hái và tự làm các bài thuốc từ rau mương để chữa bệnh.
Bình luận