Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì và những điều cần biết

(VOH) - Tuổi dậy thì là giai đoạn dễ bị rối loạn kinh nguyệt nhất do nội tiết tố trong cơ thể chưa hoàn chỉnh. Vậy vấn đề rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là bình thường hay đáng lo?

Trong chương trình Phòng mạch FM, PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã có buổi chia sẻ về vấn đề rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì, qua đó phần nào cũng giúp các em nhỏ cũng như các bậc huynh hiểu rõ hơn và giảm bớt những lo lắng khi con gái mình bị rối loạn kinh nguyệt trong giai đoạn này.

1. Kinh nguyệt thường xuất hiện ở độ tuổi nào?

Bác sĩ Bay cho biết, dậy thì là một giai đoạn khá quan trọng, nó báo hiệu cho thấy cơ thể của nữ giới đã trưởng thành và bắt đầu có thể đảm đương trách nhiệm duy trì nòi giống.

roi-loan-kinh-nguyet-tuoi-day-thi-va-nhung-dieu-can-biet-voh

Tuổi dậy thì dễ bị rối loạn kinh nguyệt (Nguồn: Internet)

Trước đây, độ tuổi dậy thì thường trong khoảng 12 đến 16 tuổi, có khi muộn hơn, đến 19 hay 20 tuổi người phụ nữ mới bắt đầu có kinh nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên bây giờ, trẻ em thường bước vào tuổi dậy thì rất sớm, có trường hợp mới 9 tuổi đã bắt đầu có hiện tượng hành kinh. Hành kinh là một hình thức báo hiệu rằng bé gái đã bắt đầu bước vào giai đoạn thay đổi toàn bộ sự phát triển.

2. Những hình thức rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì

Khi nội tiết tố (estrogen và progesterone) trong cơ thể người phụ nữ đã phát triển đến mức cân bằng, nó sẽ tạo ra nội mạc tử cung và từ đó sẽ xuất hiện hiện tượng hành kinh mỗi tháng, người ta gọi đó là chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, ở độ tuổi dậy thì, hoạt động của buồng trứng chưa ổn định, nội tiết tố trong cơ thể chưa hoàn chỉnh nên dễ dẫn đến những rối loạn. Các rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở tuổi dậy thì bao gồm:

2.1 Kinh nguyệt không đều

Kinh nguyệt xuất hiện không đều mỗi tháng, ví dụ như một tháng có kinh 2 - 3 lần hoặc 2 - 3 tháng mới có kinh một lần.

2.2 Rong kinh

Kinh nguyệt thường xuất hiện mỗi tháng một lần, trung bình là 28 ngày, nhưng có trường hợp có thể 35 ngày, 40 ngày hoặc 25,…tuy nhiên, không bao giờ có trường hợp dưới 25. 

Thời gian hành kinh mỗi tháng trung bình là 3 – 5 ngày hoặc có thể kéo dài đến 7 ngày. Tuy nhiên, nếu hành kinh quá 7 ngày thì người ta gọi đó là hiện tượng rong kinh

2.3 Cường kinh

Nếu kinh nguyệt bình thường thì trong 2 – 3 ngày đầu, máu kinh sẽ ra nhiều, nữ giới có thể thay băng mỗi ngày 3 – 4 lần. Tuy nhiên, có trường hợp ra rất nhiều máu kinh, cứ 2 – 3 tiếng là thay băng một lần. Và trường hợp này được gọi là cường kinh.

2.4 Thiểu kinh

Thiểu kinh tức là máu kinh ra ít, kèm theo triệu chứng đau bụng dữ dội, khó chịu. 

2.5 Bế kinh

Khi bé gái nhận thấy có kinh nguyệt đầu tiên nhưng tháng sau không thấy kinh nguyệt xuất hiện nữa, sau đó khoảng 3 – 4 năm, kinh nguyệt mới quay trở lại thì đó gọi là hiện tượng bế kinh.

Nếu nhận thấy bé gái nhà mình bị rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì hoặc hành kinh lộn xộn (1 tháng có kinh 2 – 3 lần hoặc 2 – 3 tháng mới có một lần) thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám. Bởi vì phụ nữ với thiên chức làm mẹ sau này, việc phát hiện những bất thường ở buồng trứng, nội tiết tố,…sớm sẽ giúp chúng ta kịp thời chữa trị cho bé.

5. Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì nên đi khám ở đâu?

Rất nhiều phụ huynh có con bị rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì và băn khoăn không biết nên đưa bé đi khám ở bệnh viện nhi đồng hay đến những cơ sở chuyên khoa sản phụ. Vấn đề này được bác sĩ Nguyễn Thị Bay tư vấn như sau:

Nếu trẻ dưới 16 tuổi thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ở bệnh viện nhi đồng. Bởi vì, ở bệnh viện nhi đồng cũng có rất nhiều chuyên khoa như khoa nội, khoa ngoại, khoa nhi hay phụ khoa. Và bác sĩ nhi vẫn có thể khám cho bé được, trừ những trường hợp có vấn đề gì lớn, cần phải hội chẩn với các chuyên khoa sản phụ thì lúc bấy giờ những bác sĩ mới nhờ can thiệp.

roi-loan-kinh-nguyet-tuoi-day-thi-va-nhung-dieu-can-biet-voh

Cha mẹ nên quan tâm và hướng dẫn trẻ chăm sóc bản thân khi bước vào tuổi dậy thì (Nguồn: Internet)

Khám phụ khoa cho trẻ (chưa qua quan hệ tình dục) thì người ta sẽ không khám trong mà chỉ khám ngoài như khám nội khoa thông thường. Qua các xét nghiệm như thử máu hoặc siêu âm ổ bụng, bác sĩ cũng sẽ nhìn thấy được buồng trứng của bé bình thường hay bị teo hoặc có u nang, u xơ hay không, đồng thời cũng quan sát được tử cung của bé có gì bất thường hay không. 

Như vậy, cha mẹ chỉ cần đưa trẻ đến bệnh viện nhi đồng để khám khi có những biểu hiện rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì. 

Bác sĩ Bay cũng khuyến cáo, ngoài việc quan tâm đưa trẻ đi khám ở đâu thì cha mẹ cũng cần hướng dẫn con mình tự vệ sinh cá nhân, chăm sóc vùng kín đúng cách, biết cách theo dõi những dấu hiệu bất thường để báo ngay cho cha mẹ biết. Bên cạnh đó, hiện nay vấn nạn lạm dụng tình dục xảy ra rất nhiều, vì vậy cha mẹ cần dạy con bảo vệ vùng kín, không cho phép ai chạm vào vùng kín của mình,…Bởi vì, khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, mặc dù kinh nguyệt chưa xuất hiện nhưng nội tiết tố vẫn có, nội mạc tử cung có thì nếu trẻ bị xâm hại cũng có khả năng mang thai.

Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này:

 
Bình luận