Sỏi tuyến nước bọt là gì, có tự khỏi không?

(VOH) - Sự rối loạn chuyển hóa của các thành phần trong dịch tuyến nước bọt có thể gây ra sỏi tuyến nước bọt. Vậy sỏi tuyến nước bọt là gì, có dễ nhận biết và điều trị không?

Sỏi tuyến nước bọt là gì?

Sỏi tuyến nước bọt hay còn gọi là vôi hóa tuyến nước bọt là hiện tượng tồn tại canxi trong lòng ống của tuyến nước bọt, gây hiện tượng tắc bán phần hoặc hoàn toàn đường dẫn của tuyến nước bọt vào miệng. Sỏi tuyến nước bọt thường gặp ở lứa tuổi trưởng thành, ít gặp ở trẻ em. 

Khi bị sỏi tuyến nước bọt, viên sỏi sẽ chặn lại dòng nước bọt được tiết ra. Do đó, khi nhai, tuyến bị kích thích và sưng phồng. Sau khi ăn, do nước bọt tiết ra miệng ít đi nên tuyến sẽ xẹp xuống. Điều này đã khiến nhiều người nghĩ rằng sỏi tuyến nước bọt không nguy hiểm và có thể tự khỏi.

soi-tuyen-nuoc-bot-la-gi-co-tu-khoi-khong-voh-1

Sỏi có thể xuất hiện ở nhiều tuyến nước bọt (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây sỏi tuyến nước bọt

Nguyên nhân chính gây sỏi tuyến nước bọt là do rối loạn chuyển hóa của các thành phần trong dịch tuyến nước bọt, chẳng hạn như canxi, phosphat và canxi cacbonat có thể kết tinh và hình thành sỏi trong tuyến nước bọt. Khi những viên sỏi làm tắc ống dẫn nước bọt, nước bọt sẽ tích tụ trong tuyến và làm chúng sưng lên. 

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng sự hình thành sỏi tuyến nước bọt gồm có:

  • Dùng thuốc, ví dụ như các loại thuốc huyết áp, thuốc kháng histamine có thể làm giảm lượng nước bọt được các tuyến tiết ra. 
  • Bị mất nước, điều này làm cho nước bọt cô đặc hơn.
  • Không ăn đầy đủ thực phẩm gây ra sự sụt giảm trong sản xuất nước bọt.
  • Những người bị viêm tuyến nước bọt hoặc hút nhiều thuốc lá cũng có nguy cơ cao bị sỏi tuyến nước bọt.

Dấu hiệu nhận biết sỏi tuyến nước bọt

Người bệnh thường phát hiện sỏi tuyến nước bọt dưới hàm khi các viên sỏi đạt được kích thước đủ lớn làm tắc nghẽn dòng chảy nước bọt. Khi đó, người bệnh sẽ có những triệu chứng như:

  • Đau, nhất là khi ăn;
  • Có cảm giác như bị đè nén tại tuyến và ống dẫn;
  • Vùng tuyến tắc bị sưng;
  • Viêm, phù nề quanh vùng ống dẫn;
  • Xoa bóp nhẹ tuyến nước bọt không thấy nước bọt tiết ra;
  • Những trường hợp bội nhiễm vi khuẩn có thể kèm theo sốt, nổi hạch ở góc hàm và có thể có mủ.

Biểu hiện lâm sàng ở mỗi trường hợp có thể khác nhau do tùy thuộc vào vị trí viên sỏi trong tuyến nước bọt. Tổ chức tuyến nước bọt thường phân bố rộng rãi, phần lớn các tuyến đều rất nhỏ, chỉ có 3 nhóm lớn:

  • Tuyến mang tai
  • Tuyến dưới hàm
  • Tuyến dưới lưỡi.

Sỏi có thể hình thành trong các ống dẫn lớn của 3 tuyến này, đôi khi xuất hiện ở nhiều nơi và có tính chất xuất hiện ở cả 2 bên. Thực tế cho thấy, có khoảng 80% sỏi xuất hiện ở tuyến dưới hàm và sỏi tuyến nước bọt mang tai. 

Để chẩn đoán chính xác sỏi tuyến nước bọt, người bệnh thường phải thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) mặt.

Sỏi tuyến nước bọt có nguy hiểm không?

Các nghiên cứu cho thấy, giữa bữa ăn, người bệnh thường thấy đau chói ở lưỡi và sàn miệng. Cơn đau dịu dần và hết khi tống được một tia nước bọt ra khỏi lỗ ống và đôi khi có thể tống được một vài viên sỏi nhỏ ra ngoài. Như vậy, sỏi tuyến nước bọt có khi tự tống xuất ra ngoài hoặc phải phẫu thuật lấy sỏi tuyến nước bọt ra.

Nếu sỏi không tự tống ra ngoài và ngày càng tăng kích thước thì có thể gây ra một số biến chứng sau đây:

  • Gây viêm tấy vùng sàn miệng: Bệnh nhân bị đau vùng sàn miệng dữ dội, cơn đau lan lên tai, không ăn, nuốt và nói được. Bị viêm tấy vùng sàn miệng, người bệnh cũng gặp khó khăn khi há miệng, chỉ thuyên giảm khi mủ thoát ra được qua lỗ ống. Người bệnh cũng có thể bị sốt nhẹ hoặc nặng, sức khỏe bị ảnh hưởng do đau và hạn chế ăn uống.
  • Viêm tuyến dưới hàm: Viêm tuyến dưới hàm thường xảy ra do quá trình viêm nhiễm liên tiếp của ống dẫn. Người bệnh có thể thấy đau dữ dội vùng dưới hàm, có thể lan lên tai, nuốt thấy vướng, đau, có sốt nhẹ, tuyến dưới hàm gồ, sưng đau. 
  • Một số trường hợp, tổ chức viêm tạo thành ổ áp xe, gây tổn thương dây thần kinh chi phối hoạt động của các cơ mặt, gây liệt mặt.

Nhìn chung, mặc dù sỏi tuyến nước bọt ít gây ra các vấn đề nghiêm trọng và thường có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên, bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám khi có những biểu hiện của sỏi tuyến nước bọt để có hướng xử lý kịp thời và đúng cách, tránh để lâu làm tăng kích thước viên sỏi.

Điều trị sỏi tuyến nước bọt bằng cách nào?

Tùy vào kích thước viên sỏi mà có cách điều trị sỏi tuyến nước bọt khác nhau. Cụ thể, bệnh này có thể xử lý bằng những phương pháp sau đây:

soi-tuyen-nuoc-bot-la-gi-co-tu-khoi-khong-voh-2

Khi có dấu hiệu sỏi tuyến nước bọt thì nên đi thăm khám sớm (Nguồn: Internet)

  • Đối với sỏi có kích thước nhỏ

Người bệnh gây kích thích lưu lượng nước bọt bằng cách ngậm chanh hoặc kẹo chua giúp các viên sỏi vượt qua tuyến nước bọt một cách dễ dàng. Hoặc bác sĩ có thể massage để đẩy viên sỏi ra khỏi tuyến nước bọt. 

  • Đối với sỏi có kích thước lớn

Việc lấy viên sỏi có kích thước lớn sẽ gặp nhiều khó khăn, bác sĩ thường rạch một đường nhỏ trong miệng để loại bỏ sỏi.

  • Đối với trường hợp sỏi tuyến nước bọt phức tạp

Các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nội soi để loại bỏ sỏi. 

Lời khuyên: Tuyến nước bọt có vai trò khá quan trọng, không chỉ tiết nước bọt cần thiết cho ăn, uống, nhai nuốt, tiêu hóa mà nó còn có chức năng nội tiết, gần như của tuyến tụy (mặc dù ít quan trọng hơn). Do đó, các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên cố gắng tránh phẫu thuật cắt bỏ tuyến. Để tránh điều này, khi có dấu hiệu sỏi tuyến nước bọt thì bạn nên tiến hành thăm khám để được điều trị dễ dàng khi kích thước viên sỏi còn nhỏ. 

Những đối tượng dễ bị viêm tuyến nước bọt: Viêm tuyến nước bọt xảy ra khi tuyến nước bọt hoặc ống nước bọt bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Đừng chủ quan với những triệu chứng của viêm họng hạt, nếu không bạn có thể gặp những biến chứng này: Viêm họng hạt là bệnh dễ gặp và rất dễ tái phát nếu người bệnh điều trị không đúng cách. Vậy viêm họng hạt điều trị sao cho hiệu quả và không tái phát?
Bình luận