Sốt xuất huyết – chủ quan biến chứng sẽ khó lường!

(VOH) - Đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong. TPHCM có số ca mắc cao nhất cả nước, tăng hơn 165% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào những tháng cao điểm mùa dịch. Mặc dù được thường xuyên cảnh báo nhưng sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa giảm nhiệt. Số bệnh nhân điều trị nội trú cũng đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2018.  

Sốt xuất huyết – chủ quan biến chứng sẽ khó lường !

 Bác sĩ Triệu khám cho bệnh nhi sốt xuất huyết thể tạng béo phì

Ngay từ tháng 6, sốt xuất huyết nhập viện bắt đầu gia tăng, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố, trung bình đang điều trị khoảng 200 trường hợp sốt xuất huyết gồm cả người lớn và trẻ em. Chỉ riêng khoa nhiễm D thì số bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Khoa Hồi sức Nhi -  Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố mỗi ngày tiếp nhận từ 5 đến 6 trường hợp bị sốc. Việc chủ quan của phụ huynh khi trẻ có triệu chứng sốt nhưng không đi đến bệnh viện sớm cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh trở nặng, hoặc một số trẻ có nhiều yếu tố nguy cơ như bị béo phì, bệnh hen suyễn, động kinh. Bác sĩ Huỳnh Trung Triệu – Phó khoa Hồi sức Nhi -  Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố cho biết,  trong số những ca có cảnh báo thì sẽ theo dõi, đánh giá tình trạng huyết áp, sinh hiệu của bệnh nhân. Những bệnh nhân máu tiếp tục cô đặc, huyết áp bắt đầu chuyển sang giai đoạn sốc thì phải điều trị tại khoa hồi sức.

Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo -  Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố cho biết, tại khoa chủ yếu tiếp nhận những bệnh nặng từ tuyến dưới hay các tỉnh chuyển lên. Hiện khoa đang cứu chữa cho khoảng 5 trường hợp nặng trong đó có những bệnh nhân bị tổn thương gan nặng, vàng da, còn có trường hợp bị viêm não gây rối loạn thị giác, co giật. Việc phát hiện sớm bệnh, chẩn đoán đúng trong mùa này theo bác sĩ Hảo vô cùng quan trọng để hạn chế thấp nhất biến chứng xảy ra.Theo ông Hảo, đối với những bệnh nhân nào trong giai đoạn này có sốt thì nên đi khám tại cơ sở y tế sớm để chẩn đoán và sớm xác định sốt xuất huyết, để được theo dõi chặt chẽ. Nếu cần thiết sẽ cho nhập viện xử trí cho đúng như thế tốt hơn là những trường hợp không được chẩn đoán sớm ngay từ đầu.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố lưu ý Biến chứng nặng nhất của sốt xuất huyết người lớn là biểu hiện sốc, có thể ít gặp hơn ở trẻ em nhưng người lớn gặp thì rất là nặng. Ngoài ra còn có tình trạng xuất huyết tiêu hóa, nôn ói máu hoặc là đi tiêu ra máu, nặng hơn nữa là sốt xuất huyết thể não hoặc là suy đa cơ quan.

Về mặt phòng bệnh, khi truyền thông về sốt xuất huyết được đẩy mạnh, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng chống.Bà Nguyễn Thị Sáu, ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh cho biết qua thông tin trên Đài. Báo, tại gia đình  bà  những vật dụng không xài thì đem bỏ, thu dọn nhà cửa cho thoáng mát, sạch sẽ. Nếu nhà có lu hoặc là vật chứa nước thì phải súc rửa thường xuyên, còn không thì thả vài con cá bảy màu cho  ăn lăng quăng.

Trong mùa này, ưu tiên và quan tâm hàng đầu là các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết sao cho hiệu quả, nếu không dịch sẽ diễn biến khó lường. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố lưu ý,nếu không có những giải pháp quyết liệt, căn cơ sốt xuất huyết sẽ tăng rất nhiều trong năm nay. “Do vậy chúng ta phải quyết liệt mạnh mẽ hơn, thực hiện ngay những biện pháp phòng chống dịch từ cấp chính quyền địa phương, từ cấp cơ sở. Sở Y tế sẽ có văn bản để triển khai cho ủy ban 24 quận huyện cũng như tham mưu cho ủy ban thành phố ra văn bản chỉ đạo, nếu cần thiết thì ra chỉ thị để có những hoạt động tích cực trên toàn thành phố” Bác sĩ Dũng nói/

Rõ ràng dù nhận thức, sự hiểu biết về các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng trong cộng đồng được nâng lên nhưng về mặt điều trị, khi mắc bệnh nhiều người vẫn không hề biết, tỏ ra lúng túng, chủ quan dẫn đến bệnh trở nặng. Do vậy, theo như khuyến cáo của Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, trong mùa này, khi có triệu chứng sốt thì bệnh nhân tuyệt đối không chủ quan, không tự ý mua thuốc uống mà cần đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa.

Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có chỉ thị gởi đến giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, huy động mọi nguồn lực trên địa bàn tỉnh để đáp ứng công tác phòng chống dịch.Trong đó, các địa phương phải tổ chức 3 chiến dịch lớn diệt lăng quăng, bọ gậy ngay từ tháng 7 đến hết năm, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao, vận động mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Riêng với các bệnh viện trực thuộc Bộ, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, hỗ trợ cán bộ tuyến dưới trong công tác tập huấn, chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết./.

Bình luận