Sữa chua - loại dinh dưỡng phù hợp mọi lứa tuổi

(VOH) - Sữa chua là một sản phẩm được sản xuất từ sữa tươi hoặc sữa bột, nên thành phần dinh dưỡng cũng bao gồm 3 chất cung cấp năng lượng là đường, đạm, béo và các vi chất dinh dưỡng.

Như tên gọi của mình, sữa chua vốn có nguồn gốc từ sữa nên mang gần như đầy đủ các thành phần có lợi cho sức khóe của sữa, mà một số đặc điểm dinh dưỡng đã được điều chỉnh cho phù hợp và dễ hấp thu với cơ thể con người.

Thành phần dinh dưỡng của sữa chua

Sữa qua quá trình lên men tự nhiên sẽ tạo nên vị chua nhẹ, hương vị đặc trưng và biến các loại vi chất khó hấp thụ trong sữa tươi thành các dưỡng chất mà cơ thể dễ dàng tiêu hóa được, sau khi đã khử chất béo và thanh trùng, sữa chua thường được pha thêm các loại trái cây giàu vitamin, hoặc giữ nguyên hương vị nguyên bản.

Trong 100 g sữa chua có thể cung cấp xấp xỉ 100 Kcal, trong đó gồm: chất đạm trung bình từ 3,1 - 5,3 g, chất béo khoảng 2,3 - 2,6 g, chất tinh bột khoảng 14-15g. Đây là một sản phẩm cân đối về năng lượng đáp ứng tốt cho sự phát triển nhanh của trẻ.

Ngoài ra, trong thành phần của sữa chua có khá nhiều canxi cần cho phát triển hệ xương và răng; Một số loại trên thị trường còn được bổ sung thêm DHA (chất béo không no nhiều nối đôi) giúp cải thiện phát triển trí tuệ và Probi (cfu), giúp ngăn ngừa một số bệnh đường ruột, bổ sung thêm axit cho dịch dạ dày, kích thích cảm giác thèm ăn, thúc đẩy nhu động ruột, giúp ăn ngon miệng, ăn nhiều hơn, tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn, phòng chống được chứng táo bón.

Thành phần đường lactoza có trong sữa chua đã được lên men dễ hấp thu, làm giảm lượng đường tồn đọng lại ở hệ tiêu hóa tránh được tiêu chảy, giúp cơ thể hấp thu canxi và một số khoáng chất khác dễ dàng hơn. Vì vậy, sữa chua phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là với trẻ em, người cao tuổi, người mới ốm dậy.

Ăn sữa chua bao nhiêu là đủ?

Do là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên nhiều người cho rằng ăn càng nhiều sữa chua càng tốt. Sự thật không phải như vậy. Nếu bạn ăn quá nhiều sữa chua sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày cũng như hệ tiêu hóa, làm tăng quá mức các axit dịch vị. Tình trạng này khiến bụng của bạn luôn bị cồn cào, đầy hơi, lạnh bụng rất khó chịu. Mỗi ngày, bạn chỉ nên ăn từ 250-500 gram sữa chua là vừa đủ (từ 1-2 hộp/ngày).

Cũng cần lưu ý rằng sau khi ăn sữa chua, đặc biệt là buổi tối cần phải lập tức đánh răng, bởi vì một số vi khuẩn trong sữa chua và một số chất có tính axit sẽ làm tổn hại đến răng.

Sữa chua - loại dinh dưỡng phù hợp mọi lứa tuổi 1

Thời gian thích hợp là ăn sữa chua sau khi ăn cơm khoảng 1 giờ đồng hồ để phát huy được hiệu quả tốt nhất vì lúc này dịch dạ dày đã bị loãng, môi trường này rất thích hợp cho vi khuẩn có lợi phát triển. Ngoài ra, sữa chua ăn vào buổi tối cũng sẽ phát huy được hết tác dụng.

Cần chú ý không nên ăn sữa chua khi đang dùng một số thuốc kháng sinh như Chloramphenicol, Erythromycin, hay thuốc nhóm Sunfonamides, chúng có thể giết chết hoặc phá hoại lactic axit trong sữa chua.

Ai không nên ăn sữa chua?

Sữa chua tuy rất tốt nhưng không phải ai ăn cũng thích hợp. Những người mắc bệnh đường ruột hoặc sau khi có tổn thương đường ruột khi ăn sữa chua phải rất thận trọng; trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi cũng không nên ăn sữa chua. Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường, sơ cứng động mạch, viêm gan và viêm tuyến tụy tốt nhất không nên ăn sữa chua có đường, nếu không rất dễ làm cho bệnh nặng thêm.

Những người thích hợp ăn nhiều sữa chua: những người thường xuyên uống rượu, thường xuyên hút thuốc, thường xuyên làm việc trước máy vi tính, thường xuyên táo bón, người bị loãng xương, người bị tâm huyết quản…

Bình luận