Tác dụng của đẳng sâm và những cách dùng đẳng sâm để chữa bệnh

(VOH) – Đẳng sâm là 1 vị thuốc quý với nhiều công dụng chữa bệnh. Tác dụng của đẳng sâm được viết rất nhiều trong các tài liệu y học cổ truyền, trong nhiều trường hợp còn được dùng thay thế nhân sâm.

1. Tìm hiểu về đẳng sâm

Đẳng sâm có rất nhiều tên gọi khác nhau, bao gồm: lộ đẳng, đài đẳng, phòng đẳng... là một loài cây sống lâu năm có nguồn gốc ở khu vực đông bắc châu Á và bán đảo Triều Tiên, nhưng sau đó có mặt ở nhiều nơi trên thế giới mà chủ yếu là Trung Quốc. Đẳng sâm thường được tìm thấy mọc xung quanh các bờ suối, các cánh rừng thưa dưới bóng các cây to.

Ở Việt Nam, đẳng sâm có tới 3 – 4 loại, còn có tên gọi khác đẳng sâm bắc hay thượng đẳng nhân sâm (tên khoa học là Campanumoea javanica Blume, họ Hoa chuông) và được coi là loại "nhân sâm của người nghèo".

tac-dung-cua-dang-sam-va-nhung-cach-dung-dang-sam-de-chua-benh-voh

Đẳng sâm còn dduocj gọi là "nhân sâm" của người nghèo (Nguồn: Internet)

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, đẳng sâm có được từ 2 nguồn chính:

  • Một là đẳng sâm nhập khẩu từ Trung Quốc với 2 loại: đẳng sâm [Codonopsis pilosula (franch.) Nannf.] và xuyên đẳng sâm [Codonopsis tangshen]. Hai loại đẳng sâm này có rễ hình trụ tròn, hơi cong, dài khoảng 10 - 35cm (rễ xuyên đẳng sâm dài đến 45cm), đường kính từ 0.4 - 2cm, có vỏ màu vàng ngà hoặc hơi trắng. Vỏ rễ có nhiều nếp nhăn dọc. Thể chất dẻo, mùi thơm, khi nhấm có vị hơi ngọt, hơi nhớt. 
  • Hai là đẳng sâm mọc ở Việt Nam. Loại đẳng sâm này cũng là rễ hình trụ tròn, song mập và ngắn hơn đẳng sâm Trung Quốc, nhiều khi có phân nhánh, dài khoảng 6 - 15cm, đường kính 0.5 - 2cm. Phía đầu trên của rễ phát triển to hơn. Vỏ rễ có màu vàng ngà, trên có những rãnh dọc và ngang. Thể chất chắc, dễ bẻ, mùi thơm, nhấm có vị hơi ngọt.

2. Đẳng sâm có tác dụng gì?

Về mặt hóa học, đẳng sâm chứa saponin, polysaccharide, alcaloid, sterol, chất béo, chất nhầy, chất nhựa; các nguyên tố vi lượng: Ca, Mg, Fe, Zn… và nhiều axit amin: arginine, threonin, methionin… Từ những thành phần như trên, các nghiên cứu đã chỉ ra những công dụng của đẳng sâm trong y học hiện đại là:

  • Giúp tăng lực (đẳng sâm qua chế biến tốt hơn đẳng sâm sống)
  • Tăng thể trọng
  • Giúp co bóp tử cung
  • Tăng khả năng miễn dịch và kích thích miễn dịch
  • Tăng hồng cầu, cải thiện tình trạng thiếu máu
  • Giảm bạch cầu
  • Giúp hạ huyết áp, đường huyết, cường tim, chống viêm...

Trong y học cổ truyền, đẳng sâm có vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh tỳ, phế. Tác dụng của đẳng sâm là giúp bổ trung, ích khí, sinh tân, kiện tỳ, dưỡng huyết. Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược, khí huyết hư tổn, thể trạng mệt mỏi vô lực, ăn kém, đại tiện lỏng, sa tử cung, sa trực tràng, da dạ dày ruột.

Ngoài ra, trong một số trường rễ đẳng sâm cũng được sử dụng để làm vị thuốc thay thế cho nhân sâm, vì tác dụng của đẳng sâm và nhân sâm đều giúp bổ khí (đẳng sâm bổ trung ích khí còn nhân sâm bổ tỳ vị và bổ nguyên khí).

tac-dung-cua-dang-sam-va-nhung-cach-dung-dang-sam-de-chua-benh-1-voh

Đẳng sâm có thể dùng để chữa và phòng ngừa nhiều loại bệnh (Nguồn: Internet)

2.1 Một số bài thuốc có sử dụng đẳng sâm

Đẳng sâm thường được dùng nhiều trong Đông y, với nhiều bài thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh. Một số bài thuốc thường dùng là:

  • Bài thuốc chữa kém ăn, cơ thể suy nhược, mệt mỏi: Đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, bạch phục linh 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang sau bữa ăn 2 giờ. Hoặc đẳng sâm 20g; bạch truật, đương quy, ba kích mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang hoặc tán bột, hoàn với mật ong, ngày dùng 12 - 20g. Uống sau bữa ăn 2 giờ.
  • Bài thuốc chữa mệt mỏi chán ăn, trướng bụng, phân lỏng, tiêu chảy lâu ngày, lòi dom, sa dạ con: Đẳng sâm, bạch truật, thăng ma, cam thảo, sài hồ, trần bì mỗi vị 30g; hoàng kỳ 100g, đương quy 2g, gừng tươi 12g, đại táo 102g. Tán bột, thêm mật ong vừa đủ, làm hoàn 9g, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 uống trước bữa ăn 2 giờ.
  • Bài thuốc chữa tâm tỳ hư, khí huyết đều hư, người hay lo sợ, hay quên, tim hồi hộp, đánh trống ngực, mất ngủ, ngủ mê, đoản hơi, ăn kém: Đẳng sâm, mộc hương mỗi vị 80g; bạch truật, hoàng kỳ, phục linh, long nhãn, hắc táo nhân mỗi vị 160g; viễn chí, đương quy mỗi vị 16g; cam thảo, đại táo mỗi vị 40g. Tán bột, thêm mật ong vừa đủ làm hoàn loại 9g. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 uống trước bữa ăn 2 giờ.
  • Bài thuốc chữa bệnh lao phổi, ho nhiều: Đẳng sâm 16g, hoài sơn 15g; ý dĩ, mạch môn, xa tiền tử, hạnh nhân, khoản đông hoa mỗi vị 10g, cam thảo 3g. Hoặc đẳng sâm 16g; bạch truật, hoài sơn, mạch môn, ngọc trúc, bách bộ mỗi vị 12g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống trước bữa ăn 1 giờ 30 phút.
  • Bài thuốc chữa tim hồi hộp, khó thở, suyễn, mệt mỏi, choáng váng: Đẳng sâm, mạch môn mỗi vị 20g; ngũ vị tử 12g, cam thảo 6g. Nếu tức ngực, thêm đan sâm 16g; đào nhân, hồng hoa mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc chữa sốt xuất huyết nhưng huyết áp hạ: Đẳng sâm, bạch truật mỗi vị 20g; mạch môn, thục địa mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc chữa rong kinhĐẳng sâm 12g; hoàng kỳ, bạch truật, thăng ma mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Người cao tuổi, ốm yếu lâu ngày: Đẳng sâm 40g; long nhãn, đương quy, ngưu tất, mạch môn mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang sau bữa ăn.

Lưu ý: Không nên dùng đẳng sâm cùng lê lô.

Bình luận