Tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày 13/1/2022

(VOH) - Theo đại diện Sở Y tế TPHCM, hiện nhân lực tại các trạm y tế không đảm bảo nhu cầu theo dân số.

Nhân viên y tế phải kiêm nhiệm nhiều chương trình sức khỏe, bác sĩ tại trạm y tế vừa làm công tác điều hành, quản lý trạm y tế vừa khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó còn thiếu nhiều vị trí lãnh đạo quản lý cho trạm y tế, lãnh đạo khoa, phòng các trung tâm y tế… do chưa đáp ứng trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Ngoài ra, sinh viên mới ra trường thường không chọn về tuyến y tế cơ sở do sự chênh lệch về thu nhập, cơ hội được tham gia đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ… giữa đơn vị tuyến y tế cơ sở thấp hơn so với tuyến TP.

Để có nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân phải có giải pháp đồng bộ: vừa đào tạo, thu hút, đãi ngộ, vừa giữ chân nhân viên y tế tuyến cơ sở an tâm công tác để nâng cao năng lực nguồn nhân lực y tế cơ sở. Đồng thời, phải có chính sách phối hợp giữa y tế cơ sở với tuyến trên, tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị chuyên khoa đầu ngành.

TPHCM: Hơn 200 sinh viên y khoa đi thực tập cộng đồng

Sáng hôm qua 12/1, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã làm lễ ra quân Hoạt động thực tập cộng đồng gắn với hỗ trợ công tác tại các trạm y tế lưu động cho sinh viên y chính quy năm thứ 5 (Y2017ABCD) và năm thứ 6 (Y2016ABCD). Đợt ra quân lần này kéo dài từ 12.1 đến 20.1với sự tham gia của 153 sinh viên Y6 và 108 sinh viên Y5, tại 15 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Việc thực tập tại cơ sở sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên có thêm kiến thức vững vàng từ cơ sở đến chuyên khoa và bệnh viện. Sinh viên nào có sáng kiến đổi mới trong quá trình thực tập sẽ được cộng điểm 10.

Nội dung thực tập: Xác định, lập danh sách người F0 cách ly tại nhà trên địa bàn được phân công thực tập. Tham gia cùng Tổ Covid cộng đồng hoặc Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép. Nhập thông tin người F0 trên phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” kể từ khi tiếp nhận thông tin F0.

Chuyển thông tin F0 cho các Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà được phân công trên phần mềm hoặc file excel trong vòng 4 – 6 giờ. Chuyển danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) đến “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, hướng dẫn chăm sóc bệnh nền (nếu có). Hướng dẫn F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khoẻ tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM. Sinh viên Y5 thực tập buổi sáng, sinh viên Y6 thực tập buổi chiều.

Bản tin tổng hợp Covid-19 ngày 13/01: TPHCM tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở 1
Ảnh minh họa: TTO

TPHCM chi hơn 273 tỉ đồng mua thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19

Chiều hôm qua (12/1), Sở Y tế TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021 và kế hoạch năm 2022. Báo cáo về tình hình mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết TPHCM đã chi hơn 273 tỉ đồng mua sắm một số trang thiết bị y tế để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

Các trang thiết bị mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, gồm: Máy giúp thở chức năng cao (30 cái), máy lọc máu liên tục (3 cái), máy X-quang di động (28 cái), máy siêu âm (30 cái), monitor theo dõi bệnh nhân (333 cái), máy truyền dịch (150 cái), máy thận nhân tạo (30 cái), 10.000 chai ô xy, 10 bồn lỏng ô xy và 450.000 bộ trang phục chống dịch cấp 4.

Bên cạnh đó, TPHCM tiếp nhận rất nhiều trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm từ các nhà tài trợ. Cụ thể, nhận 712 máy giúp thở chức năng cao, 23 hệ thống máy ECMO, 62 máy lọc máu liên tục, 2.321 máy HFNC, 982 máy thở xâm nhập hoặc không xâm nhập, 19 hệ thống RT-PCR, 13 máy X-quang di động, 553 monitor theo dõi bệnh nhân, 326 máy bơm điện, 66 xe cấp cứu. Riêng test nhanh được tài trợ 12 triệu test (tổng số test tại TPHCM là 14,5 triệu test nhanh)

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI CÁC TỈNH, THÀNH KHÁC:

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

Hà Nội

Tối 12/1 thông báo trong 24 giờ qua ghi nhận 2.948 ca COVID-19 mới, trong đó có 670 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Ba Đình (116); Hoài Đức (111); Bắc Từ Liêm (98); Long Biên (94); Hoàn Kiếm (93); Đống Đa (83)…

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 79.615 ca. Số bệnh nhân nặng, nguy kịch ở Hà Nội liên tục tăng. Nếu ngày 8/1 có 408 ca nặng, nguy kịch thì 3 ngày sau, con số này tăng lên gần 490 ca.

Hà Nam

Tối 12/1, Hà Nam công bố thêm 86 ca COVID-19. Trong đó có 78 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc y tế. Trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, tỉnh ghi nhận 3.470 ca COVID-19. Trong số đó, 1.409 ca ở khu phong tỏa, tại nhà; 1.252 ca qua sàng lọc; 754 ca tại các khu cách ly và 55 ca cộng đồng.

Hải Phòng

Trưa 12/1, Hải Phòng đã hạ cấp độ dịch từ cấp 4 xuống cấp 3 (vùng cam) và chỉ còn 6 quận, huyện vẫn trong vùng đỏ gồm quận Lê Chân, Hồng Bàng, Dương Kinh, Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy, An Dương; các quận, huyện thuộc vùng cam - cấp độ nguy cơ cao gồm quận Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải. Riêng huyện đảo Bạch Long Vĩ vẫn thuộc cấp độ 1 - bình thường mới.

Sơn La

Sơn La đã ghi nhận thêm 108 ca COVID-19. Trong đó, huyện Phù Yên 23 ca; huyện Mai Sơn 10 ca; huyện Mộc Châu 17 ca; huyện Bắc Yên 4 ca; huyện Mường La 18 ca; huyện Thuận Châu 15 ca; huyện Yên Châu 3 ca; huyện Sông Mã 9 ca và thành phố 9 ca. Lũy kế từ ngày 5-10-2021 đến sáng 12-1-2022, toàn tỉnh ghi nhận 2.058 ca COVID-19. Hiện có 689 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế và 253 trường hợp điều trị tại nhà.

Đà Nẵng

Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện và sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 2. Bệnh viện Đà Nẵng cũng sẵn sàng nhân lực để kích hoạt khi số ca bệnh tăng nhanh. Sở Y tế thành phố cho biết số ca COVID-19 gần đây có xu hướng gia tăng, trung bình mỗi ngày có 300 ca. Hiện Đà Nẵng đã ghi nhận 3 ca nhiễm biến chủng Omicron, đều được cách ly sau khi nhập cảnh.

Kiên Giang: Phát hiện các vụ núp bóng hỗ trợ Covid-19, lừa đảo cho vay nặng lãi

Hôm nay 13/1, thượng tá Quảng Quốc Huy, Phó trưởng Công an H.Tân Hiệp (Kiên Giang), cho biết đơn vị vừa có công văn cảnh báo phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng bằng hình thức lừa đảo người dân nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh Covid-19.

Theo lãnh đạo Công an các huyện Tân Hiệp, Vĩnh Thuận và Hòn Đất, các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân không có việc làm, thu nhập không ổn định, thiếu hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để lừa đảo.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là tiếp cận người dân rồi đưa ra các thông tin sai sự thật về các khoản tiền trợ cấp như hỗ trợ dịch bệnh Covid-19, giúp người không có việc làm, người già, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số... Chúng kêu gọi người dân mang theo giấy CMND hoặc thẻ CCCD để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 với số tiền từ 3 - 4 triệu đồng.

Công an H.Tân Hiệp đã thông báo đến chủ tịch UBND các xã, thị trấn nắm, có biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người dân trên địa bàn, nêu cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.

Đà Nẵng: Thêm 657 ca Covid-19, riêng chợ Cồn thêm 30 F0

Ngày hôm nay, TP Đà Nẵng vừa ghi nhận 657 ca Covid-19. Trong đó, 59 ca đã cách ly tập trung, 221 ca cách ly tại nhà, 21 ca trong khu phong tỏa và 356 ca cộng đồng. Quận Sơn Trà là địa phương ghi nhận số ca Covid-19 cao nhất với 137 ca.

Chợ Cồn tiếp tục ghi nhận thêm 30 ca mắc cộng đồng mới là tiểu thương. Ngoài ra, có 2 tiểu thương thuộc chợ này tự đi xét nghiệm cũng có kết quả dương tính. Tính đến hiện tại, chuỗi lây nhiễm chợ Cồn đã ghi nhận 115 ca Covid-19. Chợ này đã tạm dừng hoạt động để áp dụng các biện pháp phòng dịch từ ngày 12/1.

Ninh Bình người dân về quê dịp Tết phải có kết quả âm tính COVID-19

Ninh Bình vừa có công văn hướng dẫn tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn. Địa phương này yêu cầu cán bộ công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán hạn chế di chuyển khi không cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình.

 Người đến/về Ninh Bình trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Ảnh: NT
 Người đến/về Ninh Bình trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Ảnh: NT

Đối với những trường hợp do nhu cầu phải đến hoặc về địa phương, Ninh Bình yêu cầu phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú. Người trong diện này phải làm xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh, nếu âm tính mới được trở về gia đình.

Việc tỉnh Ninh Bình ra văn bản có nội dung nêu trên đang khiến người dân băn khoăn và bức xúc. Nhiều ý kiến đều cho rằng việc này đã gây khó cho người dân khi muốn về quê dịp Tết, kể cả trường hợp về từ vùng xanh (cấp độ 1) và cấp độ 2 (vùng vàng).

Nam Định triển khai điều trị F0 nhẹ tại nhà

Các trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trên địa bàn tỉnh Nam Định nếu đủ các điều kiện phòng dịch được cách ly, điều trị tại nhà. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Nam Định với các huyện, thành phố diễn ra chiều 12/1.

Tại hội nghị, lãnh đạo 10/10 huyện, thành phố thông tin số lượng ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng cao. Nhiều ổ dịch tại doanh nghiệp, trường học phức tạp, khó kiểm soát thì cùng với thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, việc triển khai điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà là phù hợp với thực tế, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế.

Các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát, khảo sát các điều kiện cách ly, điều trị của các hộ trên địa bàn để sẵn sàng điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà theo quy định, an toàn phòng dịch. Tại các xã, phường, thị trấn đã thành lập Trạm Y tế lưu động, bố trí nhân lực theo dõi, hỗ trợ điều trị bệnh nhân tại nhà...

Hải Phòng khôi phục một số hoạt động vận tải hành khách

Tối 12/1, lãnh đạo Sở GTVT Hải Phòng thông tin, đơn vị vừa điều chỉnh phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ trên địa bàn TP Hải Phòng.

Theo đó, TP Hải Phòng đã giảm cấp độ dịch toàn thành phố xuống cấp độ 3 (vùng cam) tương đương cấp độ dịch mức nguy cơ cao sau 4 ngày nâng cấp độ dịch lên thành cấp 4 (vùng đỏ) từ trưa 12/1. Do đó, kể từ ngày 12/1/2022, Sở GTVT Hải Phòng khôi phục hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh tại Bến xe khách Thượng Lý và Bến xe khách Đồ Sơn. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh tại các bến xe khách được phép hoạt động trên địa bàn TP Hải Phòng tiếp tục tuân thủ hướng dẫn của Sở GTVT Hải Phòng.

TÌNH HÌNH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI

WHO: Omicron nguy hiểm với người chưa tiêm chủng

Phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 12/1, người đứng đầu WHO cho biết biến thể Omicron rất nguy hiểm, nhất là đối với những người chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Ông Tedros nói sự gia tăng đột biến ca bệnh trên toàn cầu hiện nay là do Omicron, nhưng kêu gọi đừng đầu hàng trước biến thể này.

Ông Tedros muốn tất cả quốc gia tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số vào giữa năm 2022. Nhưng có 90 quốc gia vẫn chưa tiêm được 40%, 36 nước trong số đó vẫn còn thiếu 10%. Lãnh đạo WHO khẳng định dù vắc xin vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa tử vong và bệnh nặng do COVID-19, nhưng vắc xin không hoàn toàn ngăn ngừa lây nhiễm.

Phần lớn những người nhập viện trên khắp thế giới vì mắc COVID-19 đều chưa được tiêm chủng, và nếu không hạn chế việc lây nhiễm thì sẽ tăng nguy cơ xuất hiện một biến thể khác thậm chí có khả năng lây truyền cao hơn và gây tử vong nhiều hơn là Omicron.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mỹ công bố biện pháp duy trì trường học

Hôm qua 12/1, chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố một loạt biện pháp mới để duy trì lớp học trực tiếp tại trường, bao gồm tăng gấp đôi số lần xét nghiệm COVID-19. Cụ thể, số lượng xét nghiệm COVID-19 tại các trường học sẽ tăng thêm 10 triệu lượt mỗi tháng.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và các tiểu bang sẽ phối hợp để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm gia tăng. Chính quyền ông Biden cho biết họ đã phân phối 10 tỉ USD cho các bang để xét nghiệm tại các trường học. Điều này sẽ giúp 96% trường học có thể học trực tiếp trong tháng này, tăng hơn gấp đôi khi các trường mở cửa vào tháng 1-2021.

Vào ngày 10-1, Mỹ ghi nhận 1,35 triệu ca mắc mới COVID-19, phá vỡ kỷ lục toàn cầu về số ca mắc hằng ngày ở một quốc gia. CDC cho biết hiện nay biến thể Omicron chiếm 98,3% tổng số ca mới trong nước. Làn sóng lây nhiễm khổng lồ đã làm gián đoạn kế hoạch trở lại trường của học sinh và giáo viên, cũng như người lao động quay trở lại nơi làm việc.

Hàn Quốc cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Novavax

Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) vừa phê duyệt sử dụng vaccine Nuvaxovid của công ty Novavax (Mỹ). Đây là vắc xin thứ năm được cấp phép sử dụng ở Hàn Quốc, sau các vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Vaccine Nuvaxovid sẽ do công ty dược phẩm SK Bioscience của Hàn Quốc sản xuất và phân phối.

Vaccine Nuvaxovid sẽ được sử dụng để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, với quy trình cơ bản gồm hai mũi cách nhau 21 ngày. Chính phủ hàn Quốc và SK Bioscience đã nhất trí cung cấp 40 triệu liều Nuvaxovid tại nước này.

Đức triển khai tiêm chủng tại các hiệu thuốc

Người dân ở Đức có thể được tiêm vaccine Covid-19 tại các hiệu thuốc trong vòng 2 tuần tới. Đây là lần đầu tiên Đức áp dụng hình thức tiêm chủng này sau khi quy định của chính phủ sửa đổi cho phép các cửa hàng bán thuốc thực hiện tiêm chủng vaccine, trong bối cảnh hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới (theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới).

Tháng 12/2021, Đức đã sửa đổi Luật Phòng chống Covid-19 mở đường cho phép hiệu thuốc, nha sĩ và bác sĩ thú y… thực hiện tiêm vaccine. Theo quy định mới, nhân viên nhà thuốc phải có chứng nhận đã được đào tạo về tiêm chủng. Ngoài ra, các dược sĩ thực hiện tiêm vaccine cũng sẽ được trả tiền công giống như bác sĩ. Theo số liệu thống kê mới nhất, đến nay, khoảng 72% dân số của Đức được tiêm vaccine phòng đầy đủ và 43,5% được tiêm mũi tăng cường.

Mỹ, Pháp cho phép nhân viên y tế mắc Covid-19 đi làm

Nhằm ứng phó tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vì biến thể Omicron, Cơ quan y tế các nước Mỹ và Pháp đang cho phép nhân viên y tế mắc Covid-19 được đi làm nếu triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Tại Mỹ, biến thể Omicron đang khiến số ca nhiễm trung bình mỗi ngày trong tuần qua ở mức khoảng 750.000 ca. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thông báo nhân viên y tế dương tính nhưng không có triệu chứng có thể đi làm lại sau 7 ngày cách ly, kèm theo kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, thời gian cách ly có thể giảm xuống nếu cơ sở y tế thiếu nhân viên.

Tuần trước, Pháp cũng thông báo cho phép nhân viên y tế có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được đi làm tiếp thay vì cách ly. Bộ Y tế Pháp hướng dẫn rằng những nhân viên y tế bị mắc Covid-19 không nên tiếp xúc với bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin hoặc người có nguy cơ bệnh nặng hơn. Họ cũng phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với đồng nghiệp và không thể tham gia các hoạt động chung khi không đeo khẩu trang như lúc ăn uống.

KHUYẾN CÁO MÙA COVID-19

Tiêm vắc xin mũi 3 bao lâu thì được mang thai?

Phụ nữ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 sau bao lâu thì được mang thai? Vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai không?

Bác sĩ Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, tư vấn:

Bạn có thể mang thai sau 2 tuần tiêm vắc xin mũi 3. Hiện chưa có bằng chứng nào về việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ ở người có hoặc không có kháng thể ngừa COVID-19.

Ngoài ra, CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo:

- Những người đang mang thai hoặc mới mang thai có nhiều khả năng bị bệnh COVID-19 nghiêm trọng so với những người không mang thai.

- Tiêm vắc xin có thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19.

- Tiêm vắc xin được khuyến nghị cho những người đang mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, đang cố gắng mang thai hoặc có thể sẽ mang thai trong tương lai.

- Người đang mang thai có thể tiêm mũi nhắc lại vắc xin ngừa COVID-19.

- Bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả của tiêm chủng trong suốt thai kỳ ngày càng tăng. Dữ liệu này cho thấy lợi ích của việc tiêm vắc xin COVID-19 vượt trội hơn bất kỳ mối nguy nào đã biết hoặc có thể xảy ra liên quan đến tiêm chủng trong suốt thai kỳ.

- Hiện không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vắc xin nào, bao gồm cả vắc xin COVID-19, gây ra các vấn đề về khả năng thụ thai ở phụ nữ hoặc nam giới.

 

Bình luận