Header-01
Đăng nhập

Trên tất cả là chữ Tâm với nghề

(VOH) - Bằng nỗ lực, dấn thân, những "Thiên thần Blouse trắng" đóng góp tâm-trí tạo nên những giá trị vàng trong chữa trị người bệnh. Ngành y tế TPHCM tự hào sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Với tiêu chí phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, tăng hiệu quả điều trị, các cơ sở y tế tập trung nâng chất, tất cả vì sức khỏe bệnh nhân. Ngành y tế TPHCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN trong tương lai.

Từng cán bộ, nhân viên y tế bất kể vai trò, vị trí nào đều chung sức đồng lòng hoàn thành sứ mệnh “thầy thuốc như mẹ hiền”. Là người thầy thuốc, không chỉ theo đuổi niềm đam mê khoa học, trên tất cả còn là chữ Tâm hết lòng vì bệnh nhân.

Vượt nỗi lo bệnh tật đồng hành cùng bệnh nhân

Với bệnh nhân bị phỏng, ai cũng hiểu việc chăm sóc bệnh nhân, thay rửa bông băng, chăm sóc vết phỏng hằng ngày vô cùng quan trọng trong điều trị. Những bệnh nhân với cơ thể đầy bông băng, không thôi đau đớn, thậm chí cơn đau khiến bệnh nhân hoảng loạn, la hét …

Vào nghề từ năm 1987, điều dưỡng Khúc Thị Được – công tác tại khoa Phỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn tâm niệm làm sao để góp chút công sức nhỏ bé, chung tay xoa dịu nỗi đau của người bệnh.

Điều dưỡng Khúc Thị Được tâm sự: Chăm sóc bệnh nhân bị phỏng toàn thân rất vất vả, nhưng mình thương cảm bệnh nhân. Nhiều lúc rơi nước mắt vì họ. Để giảm đi sự đau đớn, mình thường xuyên quan tâm, vui vẻ với bệnh nhân, để bệnh nhân có thể an tâm điều trị vết thương.

Không chỉ tích cực trong công việc chăm sóc bệnh nhân hằng ngày, chị Được còn hỗ trợ hướng dẫn tận tình để bệnh nhân giảm bớt chi phí điều trị. Có những hoàn cảnh khó khăn, chị sẵn sàng bỏ tiền túi sẻ chia với bệnh nhân dù mình cũng đang mang bệnh tật trong người cần chữa trị.

Điều dưỡng trưởng Khoa Phỏng - Nguyễn Thị Quỳnh Giao cho biết: Chị Được luôn sẵn sàng chia sẻ công việc chứ không trốn tránh, đùn đẩy. Chị rất thương bệnh nhân, chị luôn hỗ trợ, tận tình hướng dẫn thông tin cho bệnh nhân.

Trên tất cả là chữ Tâm với nghề 1Xem toàn màn hình
Điều dưỡng Khúc Thị Được đang chăm sóc cho một bệnh nhân tại khoa Phỏng, bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Nhất Hương

Với các điều dưỡng tại khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi thường xuyên tiếp nhận những ca nặng, nguy kịch do chấn thương sọ não, luôn căng mình trong trạng thái cao nhất, hầu mong níu giữ sự sống cho từng bệnh nhân.

Gắn bó gần hai mươi năm với công việc, điều dưỡng Trần Thị Hương xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Để quán xuyến được từng bệnh nhân, cần sự tỉ mỉ và chỉ có tình yêu thương, sự cảm thông mới có thể giúp chị Hương bám trụ với công việc này.

Điều dưỡng Trần Thị Hương trải lòng: Có lần mình chăm sóc bệnh nhân hôn mê, hết ngày này qua ngày khác. Đến một ngày, bệnh nhân tỉnh và có thể trao đổi, dù thở ống, không nói chuyện được nhưng người ta có thể viết chữ "cảm ơn" mình. Mình thấy vui và hạnh phúc lắm.

Công việc đòi hỏi sự chịu khó, hết lòng vì người bệnh, những điều dưỡng như chị Khúc Thị Được và Trần Thị Hương đã không quản ngại, sẵn sàng cống hiến. Chính sự thấu hiểu, chia sẻ với người bệnh là động lực để họ vượt qua niềm riêng mà dấn thân, sát cánh cùng bệnh nhân. Tấm lòng ấy, thật đáng quý biết bao!

Cùng một tấm lòng hướng về người bệnh

Người thầy thuốc ngoài vững vàng trong công tác chuyên môn thì việc thấu cảm, thương yêu bệnh nhân sẽ làm nên chữ y đức muôn đời bền chặt. Chính y đức sẽ tạo nên hình ảnh cao quý, uy tín của một bác sĩ trong lòng bệnh nhân.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 – vị ân nhân của rất nhiều trẻ không may bị dị tật hàm mặt. Người bác sĩ mệnh danh là ông Bụt của những đứa trẻ, luôn nhắc về những bệnh nhi như chính con cháu ruột thịt của mình.

Là người đầu tàu và cũng là bác sĩ gắn bó với chương trình từ những ngày đầu, Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu nói về hành trình trả lại giọng nói và nụ cười cho 10.000 trẻ bị khe hở môi – vòm với niềm xúc động.

34 năm tôi gắn liền với công việc này, đã tiếp xúc biết bao nhiêu hoàn cảnh chua xót, thương tâm vì các cháu ra đời không hoàn hảo. Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm phẫu thuật cải thiện từng dị hình của các cháu. Tôi cảm thấy hạnh phúc và vinh dự với công việc, BS Đẩu chưa sẻ.

Với người thầy thuốc đó là tình thương mang tính nhân văn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tạo niềm đam mê và thành công trong nghề. Những nỗ lực ấy vẫn lặng thầm, vẫn tiếp tục hành trình mang lại nụ cười tươi xinh cho trẻ, đó là những chuyện cổ tích đẹp được viết lên từ đời thật.

Trên tất cả là chữ Tâm với nghề 2
Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu và tập thể Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2022 tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM - Ảnh: Trọng Huy

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Kim Anh, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái - người tự nguyện đến và công tác tại nơi heo hút, cách xa Thành phố hằng trăm cây số ngay từ khi còn là một bác sĩ trẻ.

Bằng sự thông cảm, thấu hiểu và nhiệt huyết, ông đã tập hợp được nhiều y bác sĩ về đây cùng chăm lo cho bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, không còn người thân bên cạnh.

Bác sĩ Trần Kim Anh tâm niệm: Nhân Ái là "ngôi nhà nhân ái" của mọi người. Ai cũng cảm thấy có trách nhiệm, nghĩa vụ với ngôi nhà nhân ái này, kể cả cán bộ nhân viên cũng như bệnh nhân. Thông điệp Nhân Ái toát lên từ tâm thức, dấn thân vì cộng đồng, đó là tiêu chí của Nhân Ái".

Trên tất cả là chữ Tâm với nghề 3
Tập thể y bác sĩ Bệnh viện Nhân Ái tại buổi trao giải thường Thành tựu Y khoa Việt Nam 2022 - Ảnh: Trọng Huy

Tại Bệnh viện Ung Bướu, đặc thù khoa Ngoại 1 thường tiếp nhận nhiều trường hợp liên quan đến ung thư phụ khoa, trong đó nhiều bệnh nhân tuổi đời còn khá trẻ, nhiều trường hợp điều trị muộn vì không có tiền.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 thấu cảm được nỗi khổ bệnh nhân, cố gắng điều trị bảo tồn, chữa trị tốt nhất cho những phụ nữ trẻ được cơ hội làm mẹ, vẹn toàn hạnh phúc cá nhân; quan tâm hỗ trợ những bệnh nhân nghèo.

Với BS Tiến, khi giúp bệnh nhân thanh toán được các toa thuốc hóa trị, xem như mình đã “tiếp sức” trong hành trình giữ gìn sự sống của người bệnh.

Cứ thế, lúc đầu là bỏ tiền túi, sau đó là nhờ những người bạn của mình và các mạnh thường quân. Mọi người cùng chung tay với bác sĩ Tiến để trả chi phí hóa trị cho người bệnh nghèo, không những tại Khoa Ngoại 1 mà còn cho cả bệnh viện Ung Bướu.

Nếu mình không giúp, người ta bỏ điều trị thì sẽ chết sớm. Giúp đỡ người bệnh liều thuốc ban đầu, để người ta tiếp tục làm những thủ tục, giấy tờ sau, được như vậy họ mới ở lại điều trị, níu giữ sự sống. Nhiều mạnh thường quân ủng hộ, vì người ta biết mình làm những việc có ý nghĩa, BS Tiến tâm sự.

Trên tất cả là chữ Tâm với nghề 4
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến và các mạnh thường quân hỗ trợ một bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Nhất Hương

Đã đặt trên vai sứ mệnh thầy thuốc, dù công việc có vất vả ra sao, các y bác sĩ vẫn miệt mài cống hiến tâm trí từng giây, từng phút để điều trị, chữa lành, giành giật sự sống cho người bệnh, mang lại niềm vui, hạnh phúc để cuộc sống của họ thêm ý nghĩa, giá trị và đáng sống hơn.

Với tất cả mọi người trong lòng luôn thầm cảm ơn và tri ân những "Thiên thần Blouse trắng" không chỉ dịp 27/2 - Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Bình luận