Chờ...

Một bước đi nguy hiểm

(VOH) - Việc Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sẽ thổi bùng thêm những mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo, sự tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực...

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3 đã hiện thực hóa tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, động thái không những "đảo chiều" chính sách của Mỹ suốt nhiều năm qua mà còn đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về khu vực này.

Dù chỉ mang tính biểu tượng, không thay đổi được hiện trạng Cao nguyên Golan, song việc Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sẽ thổi bùng thêm những mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo, sự tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực, đẩy nền hòa bình khu vực ngày càng trở nên mong manh.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters

Giống như những gì đã từng xảy ra hồi tháng 12/2017 khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, quyết định Tổng thống Mỹ đối với Cao nguyên Golan đã gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của dư luận thế giới, ngay cả các nước là đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Âu và vùng Vịnh.Hội đồng Bảo An LHQ sáng 28/03 (theo giờ Việt Nam) đã tiến hành họp khẩn về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận chủ quyền của Israel về cao nguyên Golan. Tại cuộc họp, Mỹ đã bị cô lập hoàn toàn khi có 14 trong số 15 quốc gia thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phản đối bước đi này.

Có thể nói, việc bất ngờ "làm nóng" vấn đề Cao nguyên Golan vào thời điểm này hoàn toàn là bước đi có tính toán của Tổng thống Donald Trump. Giới phân tích cho rằng có 4 lý do chính khiến Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định vừa nêu. Thứ nhất, đó là sự hậu thuẫn chính trị đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử vào ngày 9 tháng 4 tháng tới. Ông Netanyahu đang đứng trước nhiều thách thức trong cuộc bầu cử sắp tới do phải hứng chịu nhiều chỉ trích về tội danh tham nhũng và gian lận. Việc Mỹ chính thức công nhận Israel có chủ quyền đầy đủ đối với Cao nguyên Golan là thắng lợi ngoại giao rất quan trọng đối với ông Netanyahu trong chuyến thăm Washington lần này, qua đó thuyết phục các cử tri Israel còn do dự bỏ phiếu cho ông và đảng Likud, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ năm.

Trong các giai đoạn cầm quyền của mình, ông Netanyahu được xem là một lãnh đạo cứng rắn và ủng hộ Mỹ tại khu vực Trung Đông, ủng hộ Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tại Dải Gaza và Phong trào Hezbola tại Lebanon. Thứ hai, việc công nhận Israel có chủ quyền đầy đủ đối với Cao nguyên Golan sẽ giúp ông Donald Trump tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri gốc Do Thái tại Mỹ, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới rất gần. Thứ ba, nếu Israel có chủ quyền đầy đủ đối với Cao nguyên Golan sẽ giúp Mỹ tạo được thế đứng vững chắc tại Trung Đông, qua đó kiểm soát được lãnh thổ Syria, Lebanon. Thứ 4 việc giới chuyên gia vừa phát hiện 1 mỏ dầu trữ lưỡng rất lớn ở cao nguyên Golan cũng được cho là do khiến Tổng thống Trump thúc đẩy sự hậu thuẫn cho Israel, bởi nếu nắm quyền kiểm soát cao nguyên Golan, thông qua đồng minh Israel, Mỹ có thể kiểm soát trữ lượng dầu lớn ở khu vực.

Còn có một mục tiêu sâu xa khác được nói tới, đó là khi cuộc xung đột tại Syria đang tạo ra những bước ngoặt quan trọng, trong bối cảnh Chính phủ Syria và các đồng minh như Nga và Iran đang ở thế thượng phong so với liên minh của Mỹ, việc Mỹ đứng về phía Israel trong vấn đề Cao nguyên Golan có thể "khuấy đảo" xung đột giữa hai quốc gia Trung Đông Israel và Syria. Căng thẳng ở Cao nguyên Golan có thể kéo theo đụng độ quân sự giữa Israel và Syria và kịch bản này rõ ràng khiến tình hình Syria bất ổn. Không loại trừ khả năng vai trò đang tỏ ra "suy yếu" của Mỹ ở Syria sẽ thay đổi sau những biến động liên quan tới căng thẳng ở cao nguyên Golan.

Tuy nhiên, bước đi đảo chiều này của Tổng thống Donald Trump khiến dư luận hoài nghi liệu Mỹ có xứng đáng với vai trò hòa giải như Mỹ tự nhận, khi trao lợi thế cho Israel, bất chấp việc phá vỡ các nghị quyết của HĐBA LHQ về Cao nguyên Golan cũng như quy định không được vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia thông qua việc chiếm đóng? Bình luận về động thái của Mỹ, cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Faruk Logoglu nhấn mạnh quyết định của Tổng thống Trump là bước đi cực kỳ nguy hiểm gây bất ổn trật tự thế giới, khiến cho tình hình Trung Đông có thể rơi vào vòng xoáy bạo lực mới.

Israel đã chiếm Cao nguyên Golan của Syria trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ nước này năm 1981 dù không được cộng đồng quốc tế công nhận. Dù ngay sau đó, động thái này của Israel không được HĐBA công nhận đồng thời yêu cầu Israel rút lại quyết định vừa nêu.Tuy nhieenb, từ đó đến nay, Israel không thuân thủ các yêu cầu của LHQ. Đáng chú ý, trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2017, Thủ tướng Israel Netanyahu cũng đã gây sức ép để Mỹ thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Israel đối với khu vực tranh chấp cao nguyên Golan.

Trong một phản ứng ngay sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hôm 25/3, Chính phủ Syria đã phản đối, coi bước đi này của Washington là đòn tấn công rõ ràng vào chủ quyền của Syria. Tuyên bố này đã củng cố quyết tâm của chính phủ và người dân Syria về việc không thể "khoanh tay đứng nhìn" động thái ngang ngược của Mỹ, mà trái lại sẽ phải tìm mọi cách giành lại phần lãnh thổ bị chiếm đóng trái phép từ năm 1967. Khi đó, nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm như những gì xảy ra Syria như 9 năm qua hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Ở một góc nhìn khác, việc Mỹ công nhận chủ quyền của cao nguyên Golan đối với Israel được cho sẽ khơi lên một làn sóng chống lại sự kiểm soát của Israel trên khắp khu vực Trung Đông, từ Palestine tới Syria, rộng hơn là đối với cả thế giới A-rập. Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Fawaz Gerges thuộc trường Kinh tế London, tác giả cuốn sách “Xây dựng thế giới A-rập” (Making the Arab World), Tổng thống Donald Trump đã đặt Israel vào một tình huống khó với sự đối đầu trực diện với các nước Ả-rập láng giềng. Ngoài ra, động thái này còn có thể sẽ "tạo tiền lệ xấu", khích lệ các nước Trung Đông tăng cường việc chiếm đóng đất đai, xây dựng các khu định cư và khai thác tài nguyên thông qua xung đột.

Rõ ràng, bước đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra những nguy cơ khôn lường đối với khu vực Trung Đông và cụ diện địa chính trị quốc tế.     

Vui với trái cây, loay hoay với giá gạo  - Bước vào quý I/2019, trái cây Việt Nam mang lại nhiều tin vui, nhất là những thị trường khó tính đã chấp nhận sự có mặt của trái cây Việt trên kệ hàng như Mỹ, Úc, Nhật...
Hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan - Vụ tấn công khủng bố kép ở New Zealand cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của tư tưởng cực đoan và vai trò tiếp tay của mạng xã hội nếu không được sử dụng đúng mục ...
Bình luận