Chờ...

Tìm giải pháp chống ngập tại TPHCM

(VOH) - Vấn đề chống ngập cho siêu đô thị TPHCM lại được các chuyên gia đô thị, thủy lợi, xây dựng… hàng đầu của cả nước chỉ rõ và phân tích cụ thể tại hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập cho TPHCM”.

Từ ý kiến phản biện của các chuyên gia, các đại biểu tham dự cũng nêu lên các giải pháp khắc để phục tình trạng ngập úng trong thời gian tới. Bởi, với thực trạng hiện nay, cứ sau mỗi trận mưa lớn, nếu rơi đúng trong thời điểm triều cường thì trên địa bàn 24 quận huyện của TPHCM đa phần sẽ đối mặt với tình trạng ngập úng. Tài sản bị hư hại, tinh thần mệt mỏi là những tổn thất dễ thấy rõ nhất của xã hội từ ngập úng đô thị.

Đây không phải là lần đầu tiên Hội thảo về chống ngập nước đô thị diễn ra.

Trước đó, cũng đã từng có rất nhiều cuộc họp, tọa đàm, rất nhiều góp ý cho những nội dung tương tự được đại diện của nhiều Sở, ngành tổ chức nhằm lắng nghe tiếng nói của các chuyên gia, những chỉ định về nguyên nhân gây ra ngập úng và cách khắc phục nó như thế nào để đối phó với tình trạng ngập nước hiện nay ở TPHCM. 

chống ngập, ngập nước, triều cường, mưa lớn

Toàn cảnh hội thảo  “Tìm giải pháp chống ngập cho TPHCM”

Với thực trạng vừa qua, TS Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường cho rằng: việc ngập úng ở TPHCM trước hết là tình trạng sụt lún và biến đổi khí hậu do mực nước biển dâng. Ngoài ra, lượng mưa ngày càng diễn biến phức tạp với vũ lượng lớn cũng là nguyên nhân gây nên ngập nước hiện nay.

Ông Bảo phân tích rằng, TPHCM đang tiếp tục phát triển và phát triển ngày càng mạnh. Hiện nay, chúng ta đã khai thác hết các diện tích đất cao và giờ đây đang phát triển đến các tầng đất thấp, thậm chí thấp hơn cả mực nước triều nên xu thế tất yếu không tránh khỏi là ngập nước.

Phân tích về nguyên nhân, TS Lê Xuân Bảo chỉ ra 4 điểm chính:  “Chúng ta cũng bàn và phân tích nguyên nhân rất nhiều. Nguy cơ ngập úng hiện nay là gì? Thứ nhất, đó là triều cường; thứ hai là lũ từ thượng nguồn và thứ ba là từ mưa. Tất cả đều gây ra ngập úng.

Tuy nhiên, ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta nằm ở hạ lưu sông cho nên lũ thượng nguồn và triều cường sẽ cùng nhau “đánh” theo đường sông đổ vào thành phố. Riêng với mưa sẽ “đánh” theo đường không, rơi từ trên xuống. Cho nên, theo đường sông thì chúng ta không thể cho nó vào. Nếu nó vào thì chúng ta phải dắt nó ra. Tốt nhất là chúng ta không nên để cho nó vào. Theo đường không thì chúng ta chẳng làm gì được vì mưa sẽ rơi thẳng vào đầu chúng ta. Chỉ có một cách là “dắt” nó ra.

Về bản chất thì có khác nhau nên cách ứng xử để chống ngập cũng sẽ khác nhau. Từ phân tích này, tôi cho rằng: bài toán phải giải quyết là phải sử dụng đồng bộ tất cả các giải pháp, trong đó cả các giải pháp phi công trình và công trình các giải pháp công trình. Đó là những giải pháp chủ động để ứng phó và ngăn, tiêu thoát nước. Ưu điểm của nó là như vậy nhưng nhược điểm của nó là phải đầu tư rất nhiều tiền.”.

Thạc sĩ Lê Văn Thành,Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho hay, vấn đề trước mắt của tình trạng ngập nước ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội nên công tác chống ngập rất quan trọng. Ông Thành cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ngập nước như, do dân số quá đông, phát triển nhanh; Cơ sở hạ tầng quá tải nên việc thoát nước, kẹt xe, ô nhiễm…cũng là những vấn đề cố hữu của siêu đô thị.

Đây là vấn đề mà nhiều Thành phố lớn trên thế giới hiện nay. Ông Thành phân tích: “Cũng không lạ khi thật TPHCM bị ngập nước, nhưng việc ngập nước ở TPHCM, tôi cho rằng, nếu nói về nguyên nhân có những nguyên nhân còn trầm trọng hơn. Thứ nhất là TPHCM có triều cường ngày càng nặng hơn, ở một số nước thì lại không có triều cường. Thứ 2 nữa là dân số tăng quá nhanh. Nếu thống kê lượng dân ở TPHCM tăng rất nhanh đã ảnh hưởng đến ngập nước. Vì sự tồn tại của người dân lớn như vậy, mật độ cao như vậy nhưng ý thức chưa cao sẽ ảnh hưởng đến vấn đề ngập nước.

Bởi vì, người ta sẽ xả rác, xây nhà cùng với hàng loạt vấn đề khác… ảnh hưởng đến việc ngập của TPHCM. Chúng tôi cũng cố gắng gom lại một số nguyên nhân để thấy rằng, ở TPHCM, những tác động đến vấn đề ngập nước đô thị rất lớn và rất trầm trọng, nếu chúng ta không có những biện pháp tích cực, quyết liệt thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề ngập nước”.

chống ngập, ngập nước, triều cường, mưa lớn

Nhiều con đường ngập nặng sau trận mưa lớn do ảnh hưởng bão số 9. Ảnh: K.H

Ở góc độ là đơn vị đầu tư, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho hay, 63% diện tích của TPHCM có cao độ dưới +1.5m. Đây là nơi có địa hình thấp chịu tác động trực tiếp từ triều biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập, các giải pháp chống ngập hiện nay như xây dựng các hệ thống cống ngầm lớn ở các khu vực và hệ thống bơm kết hợp cải tạo hệ thống thoát nước hiện hữu để đưa nước về các hệ thống cống ngầm.

Ông Tiến nhấn mạnh: “Hiện nay, ngập úng ở TPHCM có những dự án nhằm cải thiện như chương trình 752 về cải tạo mương kênh, rạch, xây dựng hệ thống cấp nước đô thị. Riêng Dự án chống ngập do triều cường mà chúng tôi đang đầu tư là làm sao chúng ta có thể giải quyết được ngập cục bộ trong một thời khắc: đó là các hồ điều hòa và tăng cường truyền thông đến ý thức giữ gìn việc xả rác để hạn chế người dân trong việc này. Qua đó, nhằm góp phần nâng cao năng lực thoát nước cho tất cả các cống ở đô thị. Hiện nay, trong chương trình 1547, chúng tôi đang làm một phần - nghĩa là dự án này còn rất nhiều giai đoạn khác nhau có đến vài tỷ đô.

Do đó, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với UBND Thành phố, sau giai đoạn 1 này được hoàn thành và kiểm tra tính hiệu quả, chúng tôi cũng sẽ đề xuất được tiếp tục đầu tư giai đoạn 2. Đây là một giải pháp chống ngập do triều. Như vừa rồi, triều cường đã dâng lên mức 1,71m. Mực nước triều dâng lên như thế thì năng lực thoát nước đô thị chỉ còn thực hiện bằng cách hỗ trợ cưỡng bức. Tất cả những hệ thống trạm bơm phải phát huy hiệu quả, nghĩa là chúng ta phải giải quyết ngập do triều dâng cao, nước trong đô thị phải làm sao thoát ra và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho giải pháp này”.

Trao đổi tại hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM cho biết, thời gian qua, TPHCM đã dành nhiều nguồn vốn đầu tư để kéo giảm tình trạng ngập úng đô thị. Cụ thể giai đoạn từ năm 1996 - 2000 là thời kỳ phát triển của TPHCM. Tuy nhiên, việc thiếu quy hoạch, quản lý quy hoạch về cơ sở hạ tầng nên tình trạng ngập phát sinh. 

Một ô tô chết máy trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 Ảnh: Hữu Nghị

Theo thống kê ban đầu, hiện nay, hệ thống thoát nước của TPHCM vẫn chưa hoàn chỉnh, tiếp tục bị hư hỏng, hầm ga, kênh rạch bị nghẽn do rác và đất cát… gây úng ngập khu vực nội thành bất cứ khi nào có mưa lớn, một số quận mới thành lập (quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân) đô thị hóa quá nhanh kéo theo xây nhà bất hợp pháp, xâm hại hệ thống thoát nước, kênh, rạch…

Kết quả xuất hiện thêm nhiều điểm ngập “mới”. Đến cuối năm 2000, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 100 tuyến đường trục chính ngập do mưa. Từ năm 2001-2005 giải quyết cơ bản tình trạng ngập trong mùa mưa và xử lý môi trường nước đô thị giai đoạn 2001 – 2005, từng bước xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Tiến sĩ Đỗ Tấn Long cũng cho rằng: kết quả sau 5 năm thực hiện các chương trình chống ngập, đến đầu năm 2001 còn tồn tại 100 tuyến đường trục chính ngập do mưa, giai đoạn 2001-2005 phát sinh ngập 67 tuyến đường, đã xóa giảm được 62 tuyến đường, còn tồn tại 105 tuyến đường trục chính ngập do mưa và thống kê còn tồn tại 95 tuyến đường trục chính ngập do triều cường.

Ông Long nói thêm: “Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ giải quyết vừa ngập do mưa, vừa ngập do triều. Đối với triều cường, chúng tôi sẽ thực hiện dự án giải quyết ngập do triều ở khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 mà công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nam đang thực hiện, trong phạm vi này có khoảng 500km2. Kết hợp với đầu tư hệ thống cấp thoát nước hoàn chỉnh trong khu vực này, sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập - đó là giai đoạn 2016 - 2020.

Những khu vực ngoại vi, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đầu tư những tuyến đường trục chính có khu dân cư đông đúc. Chúng ta chưa có tập trung dứt điểm ở các khu vực ngoại vi. Về giải pháp thực hiện: có 2 giải pháp song song. Đó là giải pháp phi công trình và giải pháp công trình.

Giải pháp phi công trình là chúng tôi sẽ thực hiện theo 4 nhóm: nhóm thứ nhất là nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nghĩa là giải pháp phi công trình chủ yếu là thực hiện xây dựng các quy chế về công tác quản lý, để hỗ trợ trong công tác chống ngập.

Nhóm thứ hai, là rà soát bổ sung quy chế chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo bước đột phá; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình chống ngập. Nâng cao hiệu quả trong quản lý của nhà nước đối với hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải.

Nhóm thứ ba là tăng cường liên kết hợp tác khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác chống ngập nước. Nhóm thứ tư, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động người dân.

Trong năm nay, thành phố cũng đã triển khai trên diện rộng công tác vận động không xả rác. Đây cũng là một trong những nội dung của nhóm thứ 4 này. Về giải pháp công trình, đối với kế hoạch 752, Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo cống thoát nước từ kênh rạch là chủ yếu và xây dựng hồ điều tiết”.

Hơn 20 ý kiến từ các chuyên gia, nhà quy hoạch cùng một số trao đổi từ các nhà quản lý, các Sở ngành liên quan đã cho thấy: TPHCM đã và đang đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp để hướng đến chống ngập hiệu quả cho các địa bàn dân cư. Tuy nhiên, ở những dự án trọng điểm như Dự án ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 có phạm vi ảnh hưởng thấy rõ nhất. Hiện nay, dự án đã hoàn thành trên 72% kế hoạch nhưng đang phải dậm chân tại chỗ.

Rõ ràng, việc tái khởi động dự án này cần phải sớm triển khai để công trình chống ngập đầu tiên với số vốn gần 10 tỷ đồng sớm đưa vào vận hành, đáp ứng kỳ vọng của người dân TPHCM về công tác chống ngập đô thị đang ngày càng trầm trọng hiện nay.

Bình luận