Chờ...

Những lưu ý quan trọng cho người mới lái ô tô

(VOH) - Những ngày đầu khi bạn mới làm quen với chiếc ô tô của mình sẽ không tránh khỏi những lúng túng với các tình huống mất an toàn khi tham gia giao thông.

Những lưu ý dưới đây giúp bạn có thể chủ động và thoải mái hơn khi điều khiển chiếc xe của mình lưu thông trên đường. Thậm chí, nó giúp đảm bảo an toàn cho chính bạn và những hành khách cùng đi.

Ngồi đúng tư thế

Ngay cả đối với những người lái xe nhiều năm, việc ngồi đúng tư thế vẫn luôn là một điều rất quan trọng. Bởi lẽ việc này sẽ tạo cảm giác thoải mái để từ đó tài xế có thể điều khiển xe an toàn hơn và hạn chế những tình huống nguy hiểm.

Nếu bạn đang lái xe số sàn, chỉ di chuyển chân trái khi bạn đang sử dụng bộ ly hợp. Nếu bạn đang lái xe số tự động, bạn không bao giờ nên di chuyển chân trái của mình khỏi chỗ để chân vì có khả năng gây nhầm lẫn giữa chân ga và chân thắng. 

Khi điều khiển ô tô số tự động, hãy đặt chân trái ở vị trí để chên để tránh nhầm lẫn khi gặp tình huống bất ngờ.

Cùng với đó, chỉnh chiều cao ghế để giúp quan sát phía trước dễ dàng hơn. Điều này giúp tránh gây mỏi cổ và tai nạn đáng tiếc trên đường trong khi đó tài xế vẫn quan sát tốt bảng điều khiển. Để có tư thế ngồi lái xe thuận tiện, thông thường chiều cao tương ứng sẽ cho phép lái xe để chiều rộng bàn tay giữa đầu và trần xe.

Tư thế cầm vô lăng

Cầm vô lăng đúng cách cũng là một điểm lưu ý không thể bỏ qua vì nó liên quan đến việc kiểm soát bánh xe. Hãy điều chỉnh chiều cao của vô-lăng sao cho góc tay ngang người mà không bị chắn góc nhìn vào cụm đồng hồ. Tốt nhất là bạn nên đặt tay ở góc 9 giờ và 3 giờ, rồi chỉnh cho phù hợp.

Giữ vô-lăng bằng 2 tay theo vị trí 9 giờ và 3 giờ giúp bạn kiểm soát chiếc xe một cách thoải mái.

Trong điều kiện lái xe với tốc độ bình thường trên mặt đường tốt, khi cần chuyển hướng, nhẹ nhàng đánh lái theo chiều cong của đường, kể cả khi cần đánh lái nhanh.

  • Góc cua nhẹ: Khi cua nhẹ, chỉ cần giữ tư thế lái như lúc đi thẳng và hơi đánh lái sang phải hoặc trái sau đó trả về thẳng tay.
  • Góc cua gắt: Với góc cua gắt, các chuyên gia khuyên bạn nên dùng 2 tay xoay vô-lăng để an toàn, và kiểm soát được chiếc xe khi ôm cua.

Văn hoá sử dụng còi và đèn pha

Tác dụng của việc sử dụng còi là để cho các tài xế khác biết và chú ý các thông báo của bạn. Do đó, chỉ nên sử dụng khi thật cần thiết, viêc lạm dụng sẽ gây khó chịu cho các lái xe khác.

Sử dụng đèn pha cũng tương tự như vậy, khi gặp xe ngược chiều, nhất là trong khu vực đông dân cư, tài xế nên chuyển về đèn cốt, tránh bật pha, gây chói mắt cho lái xe đối diện và dẫn đến những tình huống nguy hiểm.

Đèn Hazard không dùng để băng qua giao lộ hoặc vào vòng xuyến, càng không để kích hoạt "chế độ ưu tiên" như nhiều người lầm tưởng.

Ngoài ra, một sai lầm nhiều người mắc phải chính là lạm dụng chức năng của đèn cảnh báo (Hazard - chớp tắt cả 4 đèn xi-nhan). Đây là tính năng giúp cảnh báo tình huống mất an toàn khi lưu thông, ví dụ:

  • Đang thay lốp xe trên đường
  • Đang phải dừng xe ở làn khẩn cấp
  • Xe đang bị hư, cần sửa chữa
  • Xe đang bị phạt, xe bị kéo đi vì vi phạm, hư hỏng
  • Những tình huống mà xe đó đang bị nguy hiểm...

Luôn tập trung khi tham gia giao thông

Khi tham gia giao thông, người lái xe cần chú ý chỉnh gương, thắt dây an toàn và tuân thủ đúng luật giao thông đường bộ. 

Hai nguyên tắc quan trọng để việc lái xe đảm bảo an toàn là không dùng điện thoại và uống rượu bia trong khi lái xe. Bên cạnh đó, tài xế cũng nên tránh ăn no, bật nhạc lớn và nói chuyện phiếm trong lúc lái xe dẫn đến việc lơ là và mất an toàn.

Nếu tầm nhìn bị cản trở do thời tiết xấu hoặc một phương tiện lớn đi phía trước như xe tải hoặc xe buýt, bạn nên giữ khoảng cách thậm chí xa hơn bình thường để chủ động trong các tình huống có thể xảy ra. 

Chủ động giữ khoảng cách an toàn

Lái xe phải luôn duy trì một khoảng cách hợp lý với phương tiện đang di chuyển phía trước. Dù lái xe đã tuân theo tất cả các quy tắc và quy định nhưng trên đường luôn có những sự cố bất ngờ hoặc những phương tiện xung quanh không chấp hành đúng luật. Do đó, việc chủ động giữ khoảng cách cũng là biện pháp giúp đảm bảo an toàn và hạn chế những rủi ro.

Quy tắc 4 giây giúp bạn kiểm soát khoảng cách của mình với các xe khác khi tham gia giao thông.

Khi đi phía sau một phương tiện khác, hãy giữ khoảng cách an toàn và áp dụng "quy tắc 2 giây" với tốc độ dưới 60km/h và “quy tắc 4 giây” với tốc độ trên 60km/h hoặc khi di chuyển trên đường cao tốc. Nếu xe ở phía trước vượt qua một vật thể (ví dụ như một cái cây), bạn nên đợi 2 - 4 giây trước khi vượt qua vật thể này.

Dừng xe an toàn

Các phương tiện thường lưu thông với tốc độ cao trên đường, chính vì vậy việc dừng xe giữa đường là vô cùng nguy hiểm và được khuyến cáo là không nên thực hiện. Nếu cần dừng lại, hãy tìm lối ra gần nhất và một nơi an toàn để tấp vào.

Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp chẳng hạn như gặp vấn đề với xe cộ, hãy cố gắng lái xe vào lề đường bên phải và ra khỏi luồng giao thông trước khi dừng lại.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều đường cao tốc đang được xây dựng khắp nơi tại Châu Á, việc trang bị những kỹ năng cần thiết và biết cách xử lý khi di chuyển trên đường cao tốc ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Với trường hợp xe gặp trục trặc và buộc phải dừng trên đường cao tốc. Bật đèn dừng khẩn cấp (đèn Hazard) và đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở khoảng 20-50 mét trước vị trí dừng xe của bạn để cảnh báo cho những xe phía sau. Ngoài ra, bạn phải nên có một danh sách liên lạc bao gồm số điện thoại của các trung tâm dịch vụ khẩn cấp hoặc cứu hộ ô tô ở địa phương để có thể gọi giúp đỡ khi cần thiết.

Bình luận