Chờ...

Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn với ngành ô tô thế giới

VOH - Với lợi thế về chính sách khuyến khích đầu tư, mặt bằng dân số trẻ, tỷ lệ người dân sở hữu ô tô còn thấp... Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho nhiều tập đoàn ô tô thế giới.

Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, có lợi thế kết nối với nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác. Vị trí này giúp giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp ô tô.

Theo dữ liệu từ OICA - Tổ chức Các nhà sản xuất ô tô quốc tế - Việt Nam hiện mới chỉ đạt tỷ lệ 50 xe trên 1.000 dân, còn rất thấp so với các nước trong khu vực như Brunei 721 xe, Thái Lan 280 xe, Malaysia 542 xe, Singapore 176 xe… dù chúng ta là quốc gia có dân số đông và trẻ.

Về mặt chính sách, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quốc tế xây dựng và phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh tại thị trường trong nước.

Chính phủ Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và logistic, bao gồm hệ thống cảng biển, đường cao tốc, và sân bay. Hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ này sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sản xuất và phân phối của các hãng ô tô.

anhminhhoa-CucHanghaiVN
Ảnh minh họa - Nguồn: Cục hàng hải Việt Nam

Riêng về nguồn nhân lực cho ngành ô tô, Việt Nam có nguồn lao động trẻ, năng động, được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu kỹ thuật cao để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, giúp các nhà đầu tư dễ dàng tuyển dụng đồng thời giảm chi phí đào tạo.

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - phát biểu tại buổi tọa đàm về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số ngày 14/5: "Để công nghiệp ô tô Việt Nam thực sự phát triển, chúng ta cần phải đạt được dung lượng tiêu thụ khoảng 600.000 xe/năm".

Cũng tại tọa đàm này, PGS.TS Trần Sĩ Lâm - Trường Đại học Ngoại thương - nhận định: thị trường Việt Nam còn dư địa rất lớn. Thể hiện qua nhiều công ty đa quốc gia như Toyota, Honda, Ford, Mercedes-Benz… đã đầu tư vào Việt Nam, xây dựng cơ sở sản xuất – lắp ráp lâu dài tại nhiều địa phương.

nha-may-mercedes-benz-vietnam-6-VNEconomy
Dây chuyền lắm ráp ô tô tại nhà máy Mercedes-Ben ở Việt Nam - Ảnh: VNEconomy

Để phát triển nền công nghiệp ô tô tại Việt Nam, ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài, chính phủ cũng cần ban hành thêm các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước. Tập trung vào hỗ trợ tài chính, cung cấp thông tin thị trường và kết nối các doanh nghiệp nội địa với các đối tác quốc tế nhằm tăng cơ hội tiếp thu công nghệ, kỹ thuật mới.

Bằng việc tận dụng các tiềm năng, ban hành chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới.

Sự hiện diện của các doanh nghiệp ô tô lớn không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao trình độ công nghệ và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân Việt Nam.

Qua đó cũng khẳng định vị thế của Việt Nam như một thị trường đa sắc và đầy tiềm năng, thu hút thêm sự quan tâm và đầu tư của nhiều hơn nữa các doanh nghiệp khoa học, công nghệ lớn của thế giới.

Bình luận