Bệnh bạch hầu - dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng tránh

(VOH) - Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, các vi khuẩn gây bệnh có thể tạo ra độc tố phá hủy mô, đặc biệt là ở mũi và cổ họng. Vậy căn bệnh này có thể điều trị và phòng ngừa được không?

1. Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn nhiễm độc cấp tính do trực khuẩn bạch hầu (tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae) gây ra. Bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, đặc trưng bởi một lớp màng giả trong họng hầu hay trong mũi, trên da.

Bệnh bạch hầu có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm vắc xin. Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh bạch hầu nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu. Bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không mắc bệnh lại nữa vì cơ thể được miễn dịch lâu dài.

benh-bach-hau-dau-hieu-nhan-biet-va-bien-phap-phong-tranh-voh-1

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính (Nguồn: Internet)

2. Bệnh bạch hầu lây truyền như thế nào?

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, có thể lây truyền từ người này sang người khác, thậm chí có thể phát triển thành dịch. Các con đường lây truyền bệnh bao gồm:

2.1 Lây truyền trực tiếp

Đường lây truyền trực tiếp khá phổ biến, khi bệnh nhân nói hoặc hắt hơi, truyền các giọt bắn li ti mang vi khuẩn đến người lành thông qua đường hô hấp.

2.2 Lây truyền gián tiếp

Người lành có thể mắc bệnh bạch hầu thông qua việc sử dụng đồ dùng, thức ăn, thức uống mang vi khuẩn của người bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da.

Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn bạch hầu, bệnh nhân có thể lây nhiễm cho người khác. Những người đã bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu nhưng chưa điều trị có thể lây truyền bệnh cho người khác trong vòng 6 tuần, ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào.

3. Triệu chứng bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu thường được phân chia thành nhiều thể, tùy theo vị trí mà biểu hiện của bệnh bạch hầu sẽ khác nhau. Cụ thể:

3.1 Bạch hầu họng – amidan (chiếm tỉ lệ 70%)

Đây là thể bệnh thường gặp nhất của bệnh bạch hầu. Nhiễm khuẩn tại vị trí này thường kèm theo sự hấp thu độc tố vào máu rất nhiều. Ban đầu, người bệnh sẽ bị viêm họng âm ỉ, kèm theo các triệu chứng mệt mỏi toàn thân, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ,… Sau khoảng 2 – 3 ngày hoặc chậm hơn là 5 ngày, xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amidan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.

Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò.

Những trường hợp nhiễm độc nặng sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không điều trị tích cực có thể tử vong trong vòng 6 – 10 ngày.

3.2 Bạch hầu mũi trước (chiếm tỉ lệ 4%)

Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy, đôi khi có lẫn máu. Khi khám, bác sĩ có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

3.3 Bạch hầu thanh quản (chiếm tỉ lệ 20 – 30%)

Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, khàn giọng, ho. Khi khám, bác sĩ thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không xử lý kịp thời, các giả mạc này sẽ gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh.

3.4 Bạch hầu các vị trí khác (chiếm tỉ lệ 3 – 8%)

Thường hiếm gặp và chỉ ở mức độ nhiễm độc nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc (niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai).

Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tạo ra độc tố phá hủy mô, đặc biệt là ở mũi và cổ họng. Trường hợp phát hiện và chẩn đoán muộn thì giả mạc có thể phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh – khí quản, gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, bệnh bạch hầu còn gây viêm cơ tim và biến chứng thần kinh. Do đó, bạn cần nhận biết sớm căn bệnh này để kịp thời điều trị.

4. Điều trị bệnh bạch hầu bằng cách nào?

Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu cũng có thể gây tử vong với tỷ lệ 3%, ở trẻ em thì tỷ lệ này có thể cao hơn.

Vì vậy, người bệnh cần phải tích cực thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra.

5. Biện pháp phòng bệnh bạch hầu

Biện pháp phòng bệnh bạch hầu đơn giản và có hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin. Bạn có thể sử dụng loại vắc xin đơn thuần hoặc vắc xin phối hợp với một số bệnh khác như:

  • Vắc xin “3 trong 1” để phòng 3 bệnh là bạch hầu, uốn ván và ho gà.
  • Vắc xin “5 trong 1” để phòng 5 bệnh là bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm não do vi khuẩn Hib. Hoặc 5 bệnh gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm não do vi khuẩn Hib.
  • Vắc xin “6 trong 1” để phòng 6 bệnh là bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bại liệt và viêm não do vi khuẩn Hib.

benh-bach-hau-dau-hieu-nhan-biet-va-bien-phap-phong-tranh-voh-1

Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất (Nguồn: Internet)

Các vắc xin có thể gây tác dụng phụ nhẹ như tạo sẩn và đau chỗ tiêm làm trẻ quấy khóc, một số trẻ có thể sốt. Những phản ứng nặng như sốc phản vệ hay biến chứng thần kinh thì cực kỳ hiếm gặp nên các mẹ đừng lo lắng mà bỏ qua việc tiêm phòng cho con.

Bên cạnh việc tiêm vắc xin, bạn cần:

  • Giữ vệ sinh cá nhân (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, vệ sinh mũi, họng mỗi ngày).
  • Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng.
  • Nếu nằm trong ổ dịch bệnh bạch hầu cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Bình luận