Mọi điều bạn cần biết về các bệnh lây qua đường tình dục

(VOH) - Hầu hết các bệnh lây truyền đường tình dục đều rất khó điều trị và rất dễ lây lan. Chính vì thế, bất cứ ai cũng cần phải có kiến thức về những căn bệnh này để phòng ngừa đúng cách.

1. Bệnh lây qua đường tình dục là gì?

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ tình trạng lây truyền từ người này sang người khác thông qua các hành vi tình dục, bao gồm cả giao hợp âm đạo, “yêu” bằng miệng hay giao hợp qua hậu môn.

Bệnh STDs còn có thể được gọi là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc bệnh hoa liễu (VD). Quan hệ tình dục không phải là con đường duy nhất lây truyền STDs, bởi bạn có thể bị lây truyền bệnh thông qua việc dùng chung kim tiêm và cho con bú.

moi-dieu-ban-can-biet-ve-cac-benh-lay-qua-duong-tinh-duc-voh-0
Có rất nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục (Nguồn: Internet)

1.1 Triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới

Nam giới có thể mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng có một số bệnh STDs sẽ gây ra các triệu chứng rất rõ ràng. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu khi quan hệ hay đi tiểu
  • Có vết loét, sưng tấy hoặc phát ban trên thân hoặc xung quanh dương vật, tinh hoàn, hậu môn, mông, đùi hoặc miệng
  • Tinh hoàn bị đau
  • Dương vật tiết dịch hoặc chảy máu bất thường

Xem thêm: Nam giới đã hiểu hết về 'cậu nhỏ' của mình chưa?

1.2 Triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nữ giới

Tương tự nam giới, các triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nữ cũng khá mơ hồ. Một số triệu chứng phổ biến mà bạn có thể nhận biết là:

  • Đau hoặc khó chịu khi có quan hệ
  • Bị tiểu đau, tiểu buốt
  • Có vết loét tại âm đạo, hậu môn, mông, miệng
  • Âm đạo tiết dịch hoặc chảy máu bất thường
  • Ngứa ngáy xung quanh âm đạo

2. Những bệnh lây qua đường tình dục phổ biến

Có khá nhiều loại nhiễm trùng có thể lây truyền qua đường tình dục. Một số bệnh STDs phổ biến là:

2.1 Chlamydia

Bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Chlamydia trachomatis. Bệnh diễn biến thầm lặng nên rất khó nhận biết. Nếu có triệu chứng, các biểu hiện thường gặp là:

  • Đau ở bộ phận sinh dục khi quan hệ hoặc đi tiểu
  • Dịch tiết ra từ âm đạo hay dương vật có màu xanh hoặc vàng
  • Đau vùng bụng dưới

Bệnh Chlamydia nếu không được điều trị có thể dẫn đến:

  • Nhiễm trùng niệu đạo, tuyến tiền liệt hoặc tinh hoàn
  • Viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu
  • Viêm nhiễm ở mắt và cổ họng.

Phụ nữ mang thai bị chlamydia nếu không được điều trị, bệnh có thể sẽ truyền sang con trong khi sinh. Trẻ sinh ra dễ bị:

  • Viêm phổi
  • Nhiễm trùng mắt, mù lòa

Xem thêm: Có hay không: Bệnh Chlamydia ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam và nữ giới?

2.2 Herpes (mụn rộp)

Herpes sinh dục hay còn gọi là mụn rộp sinh dục, do virus Herpes Simplex (HSV) gây ra. Có 2 loại herpes chính là HSV-1 và HSV-2. Cả hai loại này đều có thể lây truyền qua đường tình dục.

Nhiễm HSV có thể gây ra vết loét và mụn nước quanh bộ phận sinh dục, môi, miệng hay hậu môn. HSV lây lan qua việc tiếp xúc với vết loét Herpes.

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh mụn rộp là các vết rộp trên da. Mụn rộp thường đóng thành vảy và lành trong vài tuần.

Bệnh mụn rộp thường bùng phát theo từng đợt. Khi nhiễm HSV, virus này sẽ nằm im tại các hạch thần kinh cảm giác dưới da và sẽ ở đó suốt đời. Khi cơ thể mệt mỏi, giảm sức đề kháng, stress, chúng sẽ trở nên hoạt tính, từ trong hạch thần kinh đi ra ngoài da – niêm mạc và gây ra các triệu chứng của bệnh. 

2.3 Bệnh giang mai

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng được gây ra bởi xoắn khuẩn Treponema pallidum (xoắn khuẩn giang mai). Bệnh gây ra nhiều biểu hiện và tổn thương ở khắp cơ thể da, niêm mạc, cơ, xương, nội tạng, nhất là tim mạch và thần kinh. 

Tuy nhiên, nó thường không được chú ý ở giai đoạn đầu. Bởi triệu chứng đầu tiên của nó chỉ là 1 vết loét hình tròn nhỏ (gọi là săng), phát triển ở bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc miệng. Nó không gây đau nhưng lại dễ lây lan.

Sau một thời gian bệnh giang mai sẽ gây ra một loạt các triệu chứng như:

  • Phát ban
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Đau khớp
  • Giảm cân
  • Rụng tóc

Xem thêm: Hiểu đúng về các dấu hiệu bệnh giang mai qua 4 giai đoạn phát bệnh

Nếu không được điều trị, bệnh giang mai có thể khiến người bệnh bị:

  • Mất thị lực và thính giác
  • Mất trí nhớ hoặc bệnh tâm thần
  • Nhiễm trùng não hoặc tủy sống
  • Bệnh tim
  • Tử vong

Những bà mẹ khi mang thai chẳng may bị lây truyền bệnh giang mai nhưng lại không điều trị hoặc điều trị không đúng cách thì có thể lây truyền cho thai nhi. Và khi sinh ra, đứa bé sẽ mắc bệnh giang mai bẩm sinh.

Hơn nữa, phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai dễ bị sảy thai do xoắn khuẩn đi vào nhau thai gây viêm động mạch, dẫn đến tắc động mạch. Khi đó, nhau thai hoại tử làm cho thai nhi không nhận được chất dinh dưỡng và dẫn đến tình trạng sảy thai.

2.4 Bệnh lậu

Lậu được gây ra do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae hoặc gonococcus. Bệnh gặp phải ở những người có hành vi giao hợp không an toàn bằng âm đạo, hậu môn, miệng. Ngoài ra, việc tiếp xúc gián tiếp với người nhiễm bệnh cũng có thể khiến bạn mắc bệnh.

moi-dieu-ban-can-biet-ve-cac-benh-lay-qua-duong-tinh-duc-voh-1
Có khá nhiều con đường làm lây nhiễm bệnh lậu (Nguồn: Internet)

Bệnh lậu có thể không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, một số trường hợp người mắc bệnh lậu có thể có các biểu hiện:

  • Tiết dịch màu trắng, vàng, xanh lá cây ở dương vật hoặc âm đạo
  • Đau hoặc khó chịu khi quan hệ hoặc đi tiểu
  • Đi tiểu thường xuyên hơn
  • Ngứa xung quanh bộ phận sinh dục
  • Đau họng

Xem thêm: 'Vạch mặt' 6 nguyên nhân khiến tinh trùng bạn hóa vàng và cách chữa trị

Bệnh lậu có thể gặp ở cả 2 giới nhưng tỷ lệ nam giới mắc bệnh nhiều hơn. Người bệnh nếu không được điều trị kịp thời, có thể sẽ dẫn đến:

  • Nhiễm trùng niệu đạo, tuyến tiền liệt, tinh hoàn
  • Bệnh viêm vùng chậu

Phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu có thể truyền cho em bé trong khi sinh. Điều này có thể gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ sau khi sinh.

2.5 Viêm gan B

Viêm gan B cũng là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, bệnh còn lây qua đường máu và từ mẹ sang con. Bệnh có thể diễn biến cấp tính hoặc mãn tính và hậu quả cuối cùng là xơ gan và ung thư gan.

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus viêm gan B đều không có triệu chứng và những người trưởng thành có thể tự mình chống lại virus nhờ hệ miễn dịch.

2.6 HIV

HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh, hậu quả là bệnh nhân tử vong.

AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV, được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. 

Trong giai đoạn đầu, HIV có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh cúm. Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau nhức cơ thể
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau họng
  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Phát ban

Ngoài ra, người bị HIV có thể phát hiện các triệu chứng không đặc hiệu, chẳng hạn như:

  • Mệt mỏi tái diễn
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Có vấn đề về dạ dày

Xem thêm: Đừng bỏ qua: 12 dấu hiệu nhận biết sớm nhiễm virus HIV, phát hiện càng sớm cơ hội sống càng cao

2.7 Trichomonas (trùng roi)

Bệnh Trichomonas còn gọi là bệnh trùng roi đường sinh dục nữ hay viêm âm đạo do trùng roi, là một bệnh lây qua đường tình dục là chủ yếu. Trùng roi có thể nhìn thấy được dễ dàng bằng kính hiển vi quang học. Nó hình như hạt chanh, di động và có 5 roi.

Biểu hiện của bệnh thường là ngứa âm đạo, âm hộ, khí hư ở âm đạo ra nhiều, có dịch mủ vàng hoặc xanh, nặng mùi, âm đạo sưng đỏ, viêm tấy,…

Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây nên các biến chứng như viêm buồng trứng, viêm vòi trứng, rong kinh,…

2.8 Rận mu

Rận mu là những côn trùng nhỏ có thể cư trú trên lông mu. Chúng là loại côn trùng hút máu.

Các triệu chứng phổ biến của rận mu bao gồm:

  • Ngứa quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn
  • Nổi mụn nhỏ màu hồng hoặc đỏ xung quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn
  • Sốt nhẹ
  • Người mệt mỏi
  • Cáu gắt

Nếu không được điều trị, rận mu có thể lây lan sang người khác qua tiếp xúc da kề da hoặc dùng chung quần áo, giường chiếu, khăn tắm. Vết cắn bị trầy xước cũng có thể bị nhiễm trùng.

2.9 HPV

HPV (Human Papilloma Virus) là một chủng virus gây ra mụn ở bộ phận sinh dục và hậu môn. Loại virus này có thể lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc thân mật hoặc có xảy ra giao hợp.

moi-dieu-ban-can-biet-ve-cac-benh-lay-qua-duong-tinh-duc-voh-2
Virus HPV thường gây ra mụn ở bộ phận sinh dục và hậu môn (Nguồn: Internet)

Triệu chứng phổ biến nhất của HPV là nổi mụn cóc trên bộ phận sinh dục, miệng hoặc hậu môn.

Trong phần lớn các trường hợp, bệnh có thể không gây nguy hiểm gì cho sức khỏe, nhưng vẫn có trường hợp nhiễm HPV có thể dẫn đến ung thư, bao gồm:

2.10 Một số bệnh lây truyền qua tình dục khác

Có một số bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng ít phổ biến hơn như:

  • Bệnh hạ cam
  • Bệnh u hạt lympho sinh dục
  • U hạt bẹn
  • U mềm lây
  • Ghẻ
  • Viêm tinh hoàn (quan hệ không an toàn dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và từ đó gây viêm tinh hoàn).
group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi-1
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới

3. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chữa khỏi được không?

Tùy thuộc vào loại bệnh mắc phải mà người bệnh có thể chữa khỏi hoặc chỉ kiểm soát bệnh suốt đời.

Một số loại STDs có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh hoặc các phương pháp điều trị khác như:

  • Chlamydia
  • Bệnh giang mai
  • Bệnh da liễu
  • Bệnh rận mu
  • Bệnh trichomonas

Một số bệnh STDs hiện vẫn chưa thể được chữa khỏi hoàn toàn là:

  • Bệnh HPV
  • Bệnh HIV
  • Bệnh Herpes

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục không thể chữa khỏi vẫn có thể được kiểm soát tốt nếu bạn phát hiện, thăm khám và điều trị kịp thời.

4. Chẩn đoán và điều trị STDs bằng cách nào?

4.1 Chẩn đoán

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục không thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng. Để chẩn đoán chính xác, bạn cần phải làm một số xét nghiệm chuyên sâu.

Tùy thuộc và tiền sử tình dục của bạn, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn làm xét nghiệm STDs ngay khi bạn không có triệu chứng. Các xét nghiệm thường được áp dụng là xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu dịch tại vùng viêm loét trên cơ thể người bệnh để làm xét nghiệm.

moi-dieu-ban-can-biet-ve-cac-benh-lay-qua-duong-tinh-duc-voh-3
Bệnh lây truyền qua đường tình dục không thể được chẩn đoán thông qua triệu chứng (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung không phải là xét nghiệm STDs. Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung là xét nghiệm giúp kiểm tra sự hiện diện của các tế bào tiền ung thư trên cổ tử cung. Khi kết quả xét nghiệm này âm tính, không có nghĩa là bạn không mắc bất kỳ STDs nào.

4.2 Điều trị

Mỗi loại bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ có một phương pháp điều trị khác nhau. Chẳng hạn như:

Bệnh STDs do vi khuẩn

Thông thường, thuốc kháng sinh sẽ được dùng để điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.

Tuy nhiên, bạn không thể tự ý dùng kháng sinh mà cần có sự chỉ định từ bác sĩ. Việc dùng thuốc cần được thực hiện đều đặn, liên tục ngay cả khi bạn cảm thấy bệnh đã có sự cải thiện.

Bệnh STDs do virus

Thuốc kháng sinh không thể điều trị bệnh STDs do virus gây ra.

Mặc dù hầu hết các bệnh nhiễm trùng do virus đều không có cách để chữa khỏi, nhưng một triệu chứng có thể tự biến mất. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc kháng virus để làm giảm triệu chứng và nguy cơ lây truyền.

Bệnh STDs do nguyên nhân khác

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục không phải do vi khuẩn hay virus gây ra, ví dụ như: rận mu, bệnh trichomonas hay bệnh ghẻ, thường sẽ được điều trị bằng thuốc uống hoặc thuốc bôi.

Tuy nhiên, việc dùng loại thuốc nào với liều lượng ra sao thì bạn cần tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ.

5. Cách phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục

Không giao hợp là cách tốt nhất để tránh STDs. Tuy nhiên, đây là điều rất khó nhất là với những người đã có gia đình. Vì thế, bạn hãy áp dụng những cách sau đây để bảo vệ bản thân và bạn tình của mình:

  • Sử dụng bao cao su khi có “quan hệ vợ chồng”
  • Sống chung thủy một vợ, một chồng hoặc chỉ quan hệ với một bạn tình duy nhất
  • Thực hiện lối sống lành mạnh, không quan hệ với những đối tượng hành nghề mại dâm
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý một số điều sau đây:

  • Tìm hiểu các kỹ năng đối phó khi chẳng may bị xâm hại tình dục. Nếu đã bị xâm hại thì nên đến bệnh viện kiểm tra và thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán sớm nếu chẳng may bị lây nhiễm bệnh.
  • Nếu vô tình dính phải dịch bệnh hoặc chạm vào vết thương hở của người khác và nghi ngờ người đó mắc bệnh lây truyền đường tình dục thì bạn cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra.
  • Khám sức khỏe tình dục định kỳ 6 tháng/lần.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về các bệnh lây qua đường tình dục. Nếu bạn nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, nhất là ở bộ phận sinh dục sau khi có hành vi quan hệ không an toàn, hãy đến các cơ sở y tế để thăm khám và kiểm tra để nhận được những lời khuyên bổ ích.

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới
Bình luận