Bệnh thiếu máu có nguy hiểm không?

( VOH ) Bệnh thiếu máu nếu không được điều trị tích cực sẽ là tác nhân gây hại sức khỏe. Vậy bệnh thiếu máu nguy hiểm không mà khiến nhiều người lo lắng đến vậy ?

Thiếu máu là hiện tượng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể, trong đó giảm huyết sắc tố có ý nghĩa quan trọng nhất.

1. Bệnh thiếu máu có nguy hiểm không?

Bệnh thiếu máu có thể cấp tính hoặc mãn tính, có thể từ nhẹ đến nặng. Thiếu máu nặng hoặc kéo dài có thể tổn thương tim, não và các cơ quan khác trong cơ thể bạn. Thậm chí, tình trạng thiếu máu nếu không được khắc phục có thể gây tử vong.

Trên thực tế, thiếu máu nếu không điều trị có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

1.1 Mệt mỏi nghiêm trọng

Khi thiếu máu nghiêm trọng, bạn có thể mệt mỏi đến nổi không thể hoàn thành công việc trong ngày. Bạn có thể kiệt sức khi làm việc hoặc vui chơi.

1.2 Ảnh hưởng đến tim

benh-thieu-mau-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Thiếu máu có thể gây ra các vấn đề về tim mạch (Nguồn: Internet)

Thiếu máu có thể dẫn đến tim đập nhanh hoặc không đều (rối loạn nhịp tim). Trái tim của bạn phải bơm nhiều máu hơn để bù đắp cho sự thiếu oxy trong máu khi bạn đang bị thiếu máu. Điều này, có thể dẫn đến suy tim sung huyết rất nguy hiểm.

1.3 Tổn thương thần kinh

Vitamin B12 là một loại chất rất quan trọng đối với cơ thể trong việc sản xuất tế bào máu khỏe mạnh và giúp chức năng của hệ thần kinh trở nên vững vàng hơn. Thiếu máu tức là thiếu vitamin B12, điều này có thể gây ra một số tổn thương thần kinh và ảnh hưởng đến khả năng tâm thần.

1.4 Nguy cơ tử vong cao

Một số trường hợp thiếu máu di truyền như thiếu máu hồng cầu hình liềm, có thể nghiêm trọng và dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng. Mất quá nhiều máu sẽ nhanh chóng dẫn đến thiếu máu cấp tính nặng và có thể gây tử vong.

1.5 Gây sảy thai, đẻ non ở phụ nữ mang thai

Thai phụ mắc bệnh thiếu máu có nguy cơ bị sảy thai, đẻ non hoặc trẻ sinh ra có cân nặng thấp. Thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra một số tai biến về sản khoa như chảy máu khi sinh, hậu sản,…

Như vậy, bệnh thiếu máu nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng thật sự nguy hiểm cho sức khỏe, kể cả tính mạng của chúng ta.

2. Nguyên nhân bệnh thiếu máu

Dưới đây là những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu mà bạn nên biết để phòng tránh:

2.1 Thiếu máu do chảy máu

  • Cấp tính: Sau chấn thương, chảy máu dạ dày – tá tràng,…
  • Mãn tính: Do giun móc, bệnh trĩ gây chảy máu,…

2.2 Thiếu máu do thiếu yếu tố tạo máu

Các chất cần thiết cho quá trình tạo máu là sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin C, protein, nội tiết,…thường gặp nhất là thiếu máu dinh dưỡng.

2.3 Thiếu máu do rối loạn tạo máu

Suy nhược tủy xương, loạn sản tủy xương, tủy xương bị lấn át, chèn ép (do các tổ chức ác tính hoặc di căn ung thư vào tủy xương) làm rối loạn tạo máu, gây thiếu máu.

2.4 Thiếu máu do huyết tan

Nguyên nhân tại hồng cầu như bất thường cấu trúc màng hồng cầu, thiếu hụt men, rối loạn huyết sắc tố. Nguyên nhân ngoài hồng cầu như miễn dịch, nhiễm độc, nhiễm trùng, bỏng,…

Thông thường, khi chữa bệnh thiếu máu, các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tùy vào mỗi nguyên nhân mà đưa ra cách điều trị khác nhau.

3. Cách chữa bệnh thiếu máu

Nếu bạn bị thiếu máu do sắt thì sẽ phải bổ sung sắt để có thể có thể hấp thụ dễ dàng. Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách bổ sung sắt cũng như liều lượng bổ sung để tránh dư thừa sắt gây nguy hại cho sức khỏe. Nguồn thực phẩm nhiều chất sắt bao gồm thịt đỏ, đậu, lòng đỏ trứng, các loại hạt và hải sản,…

benh-thieu-mau-co-nguy-hiem-khong-voh-2

Có thể bổ sung sắt từ thực phẩm (Nguồn: Internet)

Trường hợp bị thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folate vitamin, có thể bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tăng lượng vitamin B12 trong chế độ ăn uống. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin B12 là thịt, gan, thận, cá, trứng,…

Nếu bệnh thiếu máu do bệnh thận mãn tính, cần tiêm hormon erythropoietin. Ở bệnh hồng cầu hình liềm, dùng hydroxyurea để giúp giảm đau.

Khi bị thiếu máu nặng, cần truyền máu cùng nhóm. Việc điều trị cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và theo dõi chặt chẽ.

Bình luận