Danh sách 10 bệnh truyền nhiễm thường gặp và cách phòng tránh

(VOH) - Hiểu biết đầy đủ về các bệnh truyền nhiễm là cơ hội để bạn phòng ngừa đúng cách, tránh bị lây bệnh cho chính mình và người thân. Dưới đây là những bệnh truyền nhiễm dễ gặp nhất hiện nay.

1. Bệnh truyền nhiễm là gì?

Bệnh truyền nhiễm là loại bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan từ người này sang người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua môi trường trung gian như thức ăn, đường hô hấp, dùng chung đồ dùng, máu, da, niêm mạc,…Bệnh truyền nhiễm có khả năng phát triển thành bệnh dịch nếu không có biện pháp phòng ngừa khoa học.

danh-sach-10-benh-truyen-nhiem-thuong-gap-va-cach-phong-tranh-voh-1

Bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn và virus gây ra, có tính lây lan cao (Nguồn: Internet)

Nhiễm khuẩn không nhất thiết là có bệnh, tuy nhiên, những người khỏe mạnh mang mầm bệnh vẫn có nguy cơ lây truyền cho người khác khi gặp điều kiện thuận lợi.

2. Đặc điểm chung của các bệnh truyền nhiễm

Có thể lan truyền thành dịch bệnh và tiến triển có chu kỳ là đặc điểm chung phổ biến của các bệnh truyền nhiễm. Chu kỳ đầy đủ của một bệnh truyền nhiễm gồm các thời kỳ sau:

2.1. Nung bệnh (ủ bệnh)

Đây là thời gian từ khi vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể đến khi xuất hiện những triệu chứng lâm sàng đầu tiên.

2.2. Khởi phát

Là thời kỳ bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng của bệnh, đặc biệt là triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.

2.3. Toàn phát

Là thời kỳ bệnh nhân biểu hiện đầy đủ các triệu chứng lâm sàng của một bệnh. Thăm khám và xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán và tiên lượng. Các biến chứng cũng hay xuất hiện làm cho bệnh nặng thêm và có nguy cơ tử vong.

2.4. Lui bệnh

Là thời kỳ các triệu chứng của bệnh thuyên giảm một cách đột ngột hoặc từ từ. Biến chứng thường thấy trong giai đoạn này là bội nhiễm do quá trình chăm sóc kém hoặc do một bệnh tiềm ẩn bộc phát trên cơ thể người bệnh.

2.5. Hồi phục

Thời kỳ này thường kéo dài chậm chạp. Những bệnh nhân suy nhược, suy dinh dưỡng rất dễ nhiễm một bệnh nhiễm trùng khác như bệnh lao, viêm phế quản,…

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi-1
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới

3. Các bệnh truyền nhiễm thường gặp

3.1. Bệnh viêm gan siêu vi B

Viêm gan B hay viêm gan siêu vi B là căn bệnh truyền nhiễm có tính lây lan trong cộng động, bệnh do virus viêm gan B tấn công và làm suy giảm chức năng gan. Viêm gan B được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không gây ra triệu chứng bệnh gì cho đến khi gan của người bệnh đã tổn hại nặng sau nhiều năm mắc bệnh.

danh-sach-10-benh-truyen-nhiem-thuong-gap-va-cach-phong-tranh-voh-2

Viêm gan B có mức độ lây lan rất cao (Nguồn: Internet)

Theo văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, khả năng nhiễm virus viêm gan B mạn tính phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi lúc nhiễm bệnh. Nhiễm virus viêm gan B ở trẻ dưới 6 tuổi rất dễ trở thành mạn tính, có đến 80 -90% trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B và sau đó bệnh tiến triển thành mạn tính. Do đó, trẻ em thường được khuyến cáo tiêm phòng vắc xin viêm gan B.

3.2. Bệnh lao

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis gây nên. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi cũng như các cơ quan hô hấp. Virus gây bệnh lao rất dễ tấn công những người có hệ miễn dịch kém như người già và đặc biệt là trẻ em.

3.3. Bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, làm tổn thương đến niêm mạc mũi và cổ họng. Bệnh thường bùng phát ở những vùng dân cư đông đúc, chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém.

3.4. Ho gà

Ho gà là bệnh lây truyền ở đường hô hấp qua mũi và họng. Triệu chứng dễ nhận biết nhất là những đợt ho kéo dài từng đợt kèm theo những tiếng rít như tiếng gà gáy.

Ở giai đoạn đầu, bệnh thường nhẹ và khá giống cảm cúm thông thường với các dấu hiệu như sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, mắt đỏ. Về sau, bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng là buồn nôn, mệt mỏi, ho kéo dài kèm tiếng rít trong mỗi lần thở.

3.5. Uốn ván

Uốn ván hay còn gọi là bệnh phong đòn gánh, là bệnh truyền nhiễm ở trẻ do vi khuẩn mang tên Clostridium tetani, thường có trong đất tấn công, gây tổn thương thần kinh. Phần cơ bắp do những dây thần kinh này điều khiển dần bị liệt và tê cứng.

Trong vòng 7 ngày khi tiếp xúc với vi khuẩn này, cơ thể có những dấu hiệu như co giật, cơ mình uốn éo từng cơn, cơ mặt bị méo, đau đớn toàn thân, cứng hàm… Hệ miễn dịch yếu và không nhận được thuốc tiêm phòng kịp thời là nhân tố hàng đầu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ.

3.6. Bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em do virus gây nên. Bệnh gây ra các triệu chứng như phát ban, sốt, mệt mỏi, chán ăn, cổ họng có những đốm xám trắng,…

3.7. Bệnh rubella

Rubella còn có tên gọi là bệnh sởi Đức. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu mắc phải bệnh rubella rất nguy hiểm vì đây là giai đoạn thai nhi đang phát triển các cơ quan. Virus rubella có nguy cơ cao gây dị tật ở thai nhi.

3.8. Cảm cúm

danh-sach-10-benh-truyen-nhiem-thuong-gap-va-cach-phong-tranh-voh-3

Bệnh cảm cúm dễ lây lan khi hắt hơi hoặc ho (Nguồn: Internet)

Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus tấn công hệ hô hấp của người bệnh. Virus cúm di chuyển trong không khí trong các giọt nước do người bệnh cúm phát ra khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Người khác có thể hít trực tiếp các giọt nước hoặc nhiễm virus do chạm vào các đồ vật dính virus trên bề mặt điện thoại, bàn phím,...Sau khi đưa lên tay, dụi lên mắt, mũi, người đó sẽ bị nhiễm bệnh cúm.

3.9. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Ngoài biểu hiện sốt, mệt mỏi, người bệnh đôi khi có thể đau nhức ở cơ và khớp.

3.10. Bại liệt

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm với tốc độ lây lan nhanh. Bệnh tấn công hệ thần kinh, gây bại liệt vĩnh viễn ở trẻ đối với trường hợp nặng. Trẻ em dưới 1 tuổi cần được chủng ngừa vắc xin phòng bệnh bại liệt bằng đường uống hoặc tiêm.

4. Cách để không mắc bệnh truyền nhiễm

Bằng những cách dưới đây, bạn có thể phòng ngừa mắc bệnh truyền nhiễm cho mình và người thân:

4.1. Rửa tay thường xuyên

Hãy rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước để tránh mắc bệnh truyền nhiễm. Trong trường hợp không có nước thì cần thay thế bằng các gel rửa tay chứa cồn, tuy nhiên cách này không được khuyến khích, bởi theo Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, không có gì vệ sinh tốt bằng xà phòng và nước.

danh-sach-10-benh-truyen-nhiem-thuong-gap-va-cach-phong-tranh-voh-4

Hãy rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng bệnh truyền nhiễm (Nguồn: Internet)

4.2. Không dùng chung đồ dùng cá nhân

Dùng chung đồ dùng cá nhân dễ làm lây lan bệnh truyền nhiễm. Tốt nhất nên dùng riêng bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn lau mặt, dao cạo râu, cắt móng tay,…để phòng bệnh truyền nhiễm.

4.3. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi

Ho hoặc hắt hơi có thể làm lây lan các mầm bệnh thông qua các giọt nhỏ li ti trong không khí. Các khuyến cáo y tế hiện nay chỉ ra, nên che miệng của bạn bằng cánh tay, tay áo hoặc bằng khuỷu tay, không nên sử dụng bàn tay để che miệng vì nó rất dễ làm vi khuẩn lây lan.

4.4. Tiêm vắc xin

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất hiện nay để chống lại các căn bệnh nhiễm trùng. Sau khi sinh, các mẹ nên nhớ tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho con.

4.5. Ăn chín, uống sôi

Thực phẩm cần được nấu chín hoặc làm lạnh càng nhanh càng tốt, các loại rau và thịt phải được lưu trữ riêng. Sử dụng thớt riêng cho thịt sống và thức ăn nấu chín. Rửa tất cả các loại rau và trái cây kỹ lưỡng trước khi ăn. Nên uống nước đun sôi, để nguội.

4.6. Tình dục an toàn

Sử dụng bao cao su khi quan hệ để giảm nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục.

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới
Bình luận