Cách điều trị Tay Chân Miệng tại nhà

VOH - Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh Tay Chân Miệng đúng cách tại nhà góp phần giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Đa số trẻ mắc bệnh Tay Chân Miệng sẽ tự hồi phục sau khoảng từ 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, Bác sĩ. CKI. Lê Thị Diệu Thu, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn lưu ý phụ huynh không nên chủ quan. Trong trường hợp trẻ xuất hiện các triệu chứng như nổi ban tay chân, chảy nước miếng nhiều, sốt, loét họng… cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để có phác đồ điều trị phù hợp. Quan trọng hơn, bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh các dấu hiệu trở nặng của bệnh để kịp thời đưa trẻ đi tái khám. 

Cách điều trị Tay Chân Miệng tại nhà 1
Lưu ý khi điều trị bệnh Tay Chân Miệng tại nhà - Ảnh: Internet

Với các bé bị Tay Chân Miệng cấp độ 1 có thể điều trị tại nhà. Cách điều trị bệnh chủ yếu dựa trên nguyên tắc điều trị triệu chứng, sử dụng các loại hạ sốt, giảm đau, bù nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Một số phương pháp điều trị trẻ bị Tay Chân Miệng tại nhà mà bố mẹ nên biết:

  • Trường hợp trẻ bị sốt cao, phụ huynh có thể sử dụng thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc chứa thành phần Aspirin. 
  • Sử dụng nước muối 0.9% để sát trùng niêm mạc cho trẻ. 
  • Đảm bảo chế độ ăn hằng ngày cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, bù nước kịp thời để phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết. 
  • Đối với trẻ còn bú sữa mẹ nên tăng cường cho trẻ bú thành nhiều lần trong ngày. 
  • Với trẻ lớn hơn, phụ huynh không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn nóng, đặc để tránh làm trẻ đau rát, tổn thương miệng. Thay vào đó, nên cho bé ăn thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như súp, cháo loãng, sữa, sữa chua, hoa quả, trái cây giàu vitamin, khoáng chất.
  • Tắm rửa, vệ sinh da cho trẻ, hạn chế làm vỡ các bóng nước để tránh trường hợp bội nhiễm. 
  • Sát khuẩn quần áo, đồ dùng, các bề mặt mà bé tiếp xúc hằng ngày như sàn nhà, tường, đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang… bằng xà phòng hoặc những chất tẩy rửa thông thường. 
  • Tránh ôm, hôn, chạm, ăn uống chung, dùng chung đồ dùng với trẻ nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, Bác sĩ Thu khuyến cáo, bệnh Tay Chân Miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là diễn tiến rất nhanh trong vòng vài giờ. Vì vậy, phụ huynh cần thường xuyên theo dõi sát các số liệu chuyển độ nặng của bé như sốt cao trên 39 độ, sốt cao liên tục, nôn ói nhiều, ngủ giật mình, run chi, quấy khóc vô cớ, thở khò khè… Nếu phát hiện các dấu hiệu trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa bé đến trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Cách điều trị Tay Chân Miệng tại nhà 2

Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe và các bài viết về bệnh tay chân miệng để cập nhật liên tục những kiến thức hữu ích.

Bình luận