Dị ứng nước là bệnh gì, có dễ mắc phải không?

(VOH) - Nước là một phần thiết yếu của cuộc sống, con người không thể tồn tại nếu không có nước. Thế nhưng, trên thế giới vẫn có không ít người lại bị bệnh dị ứng với nước. Vậy bệnh dị ứng nước là gì?

1. Dị ứng nước là bệnh gì?

Dị ứng nước là một bệnh lý khiến bạn bị nổi mề đay, phát ban rất nhanh sau khi tiếp xúc với nước, kể cả những nguồn nước không chứa hóa chất hay bị ô nhiễm như nước mưa, mồ hôi, nước mắt,…

Dị ứng nước là một dạng dị ứng tác nhân vật lý có thể khiến người bệnh bị mẩn ngứa và khó chịu.

di-ung-nuoc-la-benh-gi-co-de-mac-phai-khong-voh-1

Dị ứng nước là căn bệnh hiếm gặp (Nguồn: Internet)

Dị ứng nước là một bệnh hiếm gặp và kỳ quái. Rachel Warwick - một người phụ nữ Anh trong số nhiều người trên khắp hành tinh mắc căn bệnh hiếm gặp và kỳ quái này. Không chỉ dị ứng nước máy, dị ứng nước mưa, cô còn dị ứng với cả nước mắt và mồ hôi của chính mình. Đối với nhiều người, phòng tắm luôn là nơi thư giãn nhưng với Rachel thì như một cơn ác mộng và lặn biển ở vùng nhiệt đới như xát mình với thuốc tẩy.

2. Nguyên nhân gây bệnh dị ứng nước

Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân chính xác và cơ chế gây dị ứng nước. Hiện các nhà khoa học đang đưa ra 2 giả thuyết về nguyên gây dị ứng nước, bao gồm:

  • Do chất hòa tan trong nước gây ra: Các chất trong nước thẩm thấu vào da và kích hoạt đáp ứng miễn dịch. Theo giả thuyết này, hiện tượng nổi mề đay do nước thực chất là do một chất gây dị ứng nào đó có trong nước chứ không phải do nước gây ra.
  • Nước tương tác với một chất trên bề mặt da hoặc trong da: Theo giả thuyết này, nước tương tác với các chất trên hay trong da và tạo thành một chất độc có thể gây nổi mề đay.

Ngoại trừ do bản thân nguồn nước có vấn đề (bị ô nhiễm, có chứa nhiều chất tẩy rửa,…) thì việc dị ứng với nước còn có thể là do bẩm sinh.

Dị ứng nước đến nay vẫn là căn bệnh hiếm gặp, nguồn thông tin về nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả vẫn còn rất hạn chế.

Theo Marcus Maurer - bác sĩ da liễu, người sáng lập Hội Dị ứng ở Đức cho biết, dù là do nguyên nhân nào thì dị ứng nước cũng là một bệnh lý về da nghiêm trọng nhất, nó khiến người bệnh có thể bị trầm cảm hay lo lâu vì luôn luôn lo lắng về cuộc tấn công tiếp theo của mề đay, phát ban, sưng phồng khi có bất kỳ tiếp xúc nào với nước.

3. Biểu hiện khi bị dị ứng nước

di-ung-nuoc-la-benh-gi-co-de-mac-phai-khong-voh-2

Người bệnh dị ứng nước thường bị ngứa, nổi mề đay sau khi tiếp xúc với nước (Nguồn: Internet)

Người bị dị ứng nước thường có triệu chứng và dấu hiệu như đỏ da, nóng rát da, tổn thương bề mặt da, xuất hiện viêm nhiễm trên da, phát ban, nổi mề đay nhanh chóng sau khi tiếp xúc với nước.

Những trường hợp nặng, có thể xuất hiện phát ban quanh miệng, khó nuốt, thở khò khè, khó thở,…

4. Dị ứng nước có chữa được không?

Hiện nay, chưa có cách điều trị dị ứng nước mà chỉ có phương pháp dùng thuốc để giảm bớt triệu chứng. Các loại thuốc thường dùng để kiểm soát triệu chứng gồm:

  • Thuốc kháng histamin: Các loại thuốc kháng histamin được sử dụng như liệu pháp đầu tiên để điều trị tất cả các dạng dị ứng da. Các loại thuốc này có khả năng ức chế thụ thể H1 (thuốc kháng histamine H1) mà lại không gây buồn ngủ như thuốc cetirizine phổ biến nhất hiện nay. Nếu các loại thuốc có khả năng ức chế thụ thể H1 không phát huy tác dụng thì người bệnh có thể dùng thuốc ức chế thụ thể H2 như cimetidine.
  • Kem hoặc thuốc bôi ngoài da: Đây là những sản phẩm có chứa dầu, đóng vai trò là rào cản giữa nước và da. Người bệnh có thể bôi theo chỉ dẫn trước khi tắm hoặc tiếp xúc với nước để ngăn ngừa nước thấm vào da, nhờ đó ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ nguy cơ dị ứng nước.
  • Omalizumab: Đây là một loại thuốc tiêm thường được sử dụng cho những người bị hen suyễn nặng. Thuốc này đã được thử nghiệm thành công khi điều trị cho một số bệnh nhân bị dị ứng nước. Tuy nhiên, chi phí điều trị bằng loại thuốc này khá cao.

di-ung-nuoc-la-benh-gi-co-de-mac-phai-khong-voh-3

Nếu chẳng may mắc bệnh dị ứng nước thì nên thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc với nước (Nguồn: Internet)

Một số người có thể gặp khó khăn trong việc điều trị bệnh hiệu quả nên cách tốt nhất là hãy hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với nước. Người bệnh có thể hạn chế đi mưa hay tham gia các hoạt động có liên quan đến nước. Ngoài ra, người bị dị ứng nước cũng cần tránh khóc, ra nhiều mồ hôi và lưu ý khi dùng các đồ uống, thức ăn có chứa nước.

Bình luận