Bị khó thở là do bệnh gì? Cách xử lý như thế nào là an toàn nhất?

( VOH ) - Nếu thường xuyên bị khó thở, kể cả những lúc ngồi yên một chỗ thì đừng chủ quan, bạn hãy đi khám ngay để kịp thời chữa trị.

Để biết rõ tình trạng khó thở xuất phát từ nguyên nhân nào, hãy cùng theo dõi những chia sẻ dưới đây của PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay trong chương trình Phòng mạch FM, phát sóng trên VOH Radio – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

1. Khó thở là gì?

Bác sĩ Bay cho biết, khó thở là biểu hiện, cảm giác khó chịu đặc biệt khi hô hấp. Người bệnh sẽ trải qua những trạng thái khác nhau như cảm giác không đủ không khí để thở, không khí vào phổi như bị bó chặt, nghẹt thở,…

Thông thường, khi bị khó thở, người bệnh phải ngồi dậy, không nằm được hoặc chỉ nằm được ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Lúc này, nhịp thở vừa nhanh vừa nông.

bi-kho-tho-la-do-benh-gi-cach-xu-ly-nhu-the-nao-la-an-toan-nhat-voh-1

Tình trạng khó thở do nhiều nguyên nhân gây ra (Nguồn: Internet)

2. Vì sao bị khó thở?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay, tình trạng khó thở diễn ra thường do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

2.1 Do bệnh lý ở phổi

Khó thở xảy ra do sự co thắt các phế quản (hen phế quản), bệnh phổi mạn tính, lao phổi, viêm phổi, ung thư phổi.

2.2 Bệnh về tim

Mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, tổn thương van tim, thiếu máu cơ tim hay nhồi máu cơ tim sẽ gây khó thở và những cơn khó thở này thường rất khó chịu. Nguyên nhân là do ứ trệ tuần hoàn phổi và dẫn đến tình trạng giảm cung cấp oxy gây khó thở.

2.3 Do các bệnh lý toàn thân

Các bệnh lý như thiếu máu, tăng chuyển hóa, cường giáp, Basedow, xơ gan gây tràn dịch màng bụng, màng phổi cũng gây ra tình trạng khó thở.

2.4 Do hội chứng thần kinh

Hội chứng nhược cơ, sụt cân, suy dinh dưỡng nặng do các bệnh lý ác tính cũng khiến bạn thường xuyên khó thở.

2.5 Do căng thẳng

Tình trạng lo lắng kéo dài, mất ngủ, rối loạn lo âu, tâm lý căng thẳng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó thở.

3. Các giai đoạn của khó thở và cách xử lý

Người ta phân chia khó thở thành 2 giai đoạn là khó thở cấp tính và khó thở mãn tính.

3.1  Khó thở cấp tính

  • Cơn hen phế quản: Nếu người bệnh cố gắng ho khạc được thì cơn khó chịu sẽ dịu xuống và qua đi. Tuy nhiên, khi bị hen phế quản ác tính thì người bệnh cần nhập viện để có thể thở bằng oxy và điều trị kịp thời. Nếu kéo dài, tình trạng ngạt sẽ gây nhiều biến chứng nặng nề hơn, thậm chí là tử vong.
  • Tràn dịch màng phổi: Người bệnh sẽ khó thở dữ dội sau một cơn đau ngực, thậm chí là ngộp thở. Ngoài ra, người bệnh còn có biểu hiện vã mồ hôi, người nhợt nhạt.
  • Dị vật đường thở: Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ nhỏ do nuốt phải viên bi hay viên thuốc vào đường thở, gây khó thở đột ngột, môi tím đen. Nếu dị vật xuống thấp hơn, khoảng trống nhiều thì tình trạng khó thở sẽ dịu đi, nhưng nếu dị vật nằm ngay thanh khí quản thì môi người bệnh sẽ càng ngày càng tím tái hơn. Trường hợp này cần phải đi đưa đi cấp cứu để lấy dị vật ra, nếu không kịp thời cũng có thể dẫn đến tử vong.

bi-kho-tho-la-do-benh-gi-cach-xu-ly-nhu-the-nao-la-an-toan-nhat-voh-2

Dị vật đường thở gây khó thở là trường hợp khó thở cấp tính cần được cấp cứu kịp thời (Nguồn: Internet)

3.2 Khó thở mãn tính

Thông thường, những người mắc bệnh mãn tính như viêm phổi, tràn dịch màng phổi, suy tim thì sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách giải quyết khi tình trạng khó thở diễn ra.

Ví dụ như tình trạng hen phế quản, người bệnh có thể sử dụng khí dung để xịt giúp giãn phế quản.

Như vậy, với những trường hợp khó thở cấp tính thì được đưa đến các trung tâm y tế để cấp cứu kịp thời. Các trường hợp khó thở mãn tính hãy ghi nhớ những hướng của bác sĩ để có thể tự giải quyết tại nhà. Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp điều trị bằng Đông y như dưỡng sinh và châm cứu. Việc tập luyện để chủ động nhịp thở hay châm vào huyệt vị sẽ giúp giãn cơ và thông đường thở hơn.

Bình luận