Mổ sỏi thận bằng những phương pháp nào, có đau không?

(VOH) - Với trường hợp sỏi thận có kích thước lớn và nguy cơ gây biến chứng sẽ được chỉ định mổ sỏi thận. Vậy mổ sỏi thận hiệu quả ra sao, có biến chứng gì không? hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Sỏi thận bao nhiêu thì mổ?

Sỏi thận có rất nhiều kích cỡ khác nhau, tùy kích cỡ sẽ có cách xử lý phù hợp. Đối với trường hợp sỏi có kích thước bé (dưới 5mm) và không gây biến chứng giãn hệ tiết niệu thì bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị nội khoa bảo tồn, dùng thuốc, uống nước đúng cách để sỏi được đào thải ra ngoài theo nước tiểu.

mo-soi-than-bang-nhung-phuong-phap-nao-co-dau-khong-voh

Không phải trường hợp nào cũng được chỉ định mổ sỏi thận (Nguồn: Internet)v

Mổ sỏi thận sẽ được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Sỏi thận có kích thước lớn hơn 20mm, không đáp ứng với phương pháp điều trị nội khoa, không thể đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
  • Sỏi thận gây nên các biến chứng tắc nghẽn đường tiết niệu, viêm đường tiết niệu, thận ứ nước (từ độ 2 trở lên).
  • Sỏi thận gây đau đớn dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt.

2. Các phương pháp mổ sỏi thận hiện nay

Dưới đây là một số thủ thuật can thiệp giúp điều trị sỏi thận có kích thước to:

2.1 Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

Các chuyên gia cho rằng, phương pháp tán sỏi thận ngoài cơ thể là phương pháp điều trị tốt nhất cho các trường hợp sỏi có kích thước dưới 2cm. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra các rung động mạnh (sóng xung kích) phá vỡ các viên sỏi thành những mảnh nhỏ để có thể thoát ra ngoài qua nước tiểu.

Thủ thuật này thường kéo dài khoảng 45 – 60 phút và có mức độ gây đau vừa phải. Do đó, bác sĩ sẽ gây tê hoặc gây mê nhẹ để người bệnh có tâm lý thoải mái.

Tán sỏi ngoài cơ thể có thể gây ra tình trạng tiểu ra máu, bầm tím ở lưng hoặc bụng, chảy máu quanh thận và các cơ quan lân cạn khác. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thấy khó chịu khi các mảnh sỏi đi qua đường tiết niệu.

2.2 Phương pháp tán sỏi thận qua da

Phương pháp tán thận qua da liên quan đến phẫu thuật cắt bỏ sỏi thận bằng dụng cụ nhỏ như kính viễn vọng (telescope) và các dụng cụ chuyên biệt thông qua một vết mổ nhỏ ở lưng.

Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân trong quá trình phẫu thuật và có thể nằm viện từ 1 - 2 ngày.

2.3 Mổ nội soi sỏi thận

Trước đây, bệnh nhân sỏi thận thường phải trải qua một cuộc mổ hở lấy sỏi thận đầy đau đớn để điều trị bệnh. Phương pháp này không những kéo dài thời gian nằm viện mà sẹo mổ còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sức lao động và đặc biệt là tổn thương chức năng thận.

mo-soi-than-bang-nhung-phuong-phap-nao-co-dau-khong-voh

Mổ nội soi sỏi thận ít đau và ít biến chứng hơn (Nguồn: Internet)

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, người bệnh có thể mổ sỏi thận nội soi. Để loại bỏ viên sỏi trong thận và niệu quản, bác sĩ có thể đưa dụng cụ nội soi qua niệu đạo và bàng quang đến niệu quản. Sau khi định vị sỏi, bác sĩ có thể dùng thiết bị nội soi chuyên dụng để bọc sỏi hoặc phá vỡ nó thành những mảnh nhỏ. Sau đó, bác sĩ có thể đặt một ống nhỏ (stent) trong niệu quản để giảm sưng và thúc đẩy quá trình lành vết thương.

Với phương pháp này, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân hoặc cục bộ để bác sĩ dễ dàng thực hiện thủ thuật.

3. Một số thắc mắc về phương pháp mổ sỏi thận

3.1 Mổ sỏi thận nằm viện bao lâu?

Tùy vào kỹ thuật mổ sỏi thận mà thời gian nằm viện có thể nhiều hay ít. Nếu mổ hở lấy sỏi thận thì bạn có thể nằm viện từ 7 – 10 ngày hoặc hơn để bác sĩ theo dõi. Nếu mổ sỏi thận bằng kỹ thuật hiện đại, vết thương nhỏ, ít đau, ít chảy máu thì thời gian nằm viện chỉ 1.5 – 2 ngày. Sau đó, bệnh nhân tự chăm sóc tại nhà và tái khám đúng lịch hẹn.

3.2 Mổ nội soi sỏi thận có đau không?

Trước khi thực hiện thủ thuật mổ nội soi, bác sĩ sẽ gây mê toàn thân hoặc cục bộ nên bệnh nhân sẽ không thấy đau đớn. Sau khi mổ, người bệnh có thể đau nhưng ít hơn so với phương pháp mổ hở.

3.3 Mổ nội soi sỏi thận bao lâu thì lành?

Thời gian lành vết thương còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chế độ chăm sóc của người bệnh, quá trình sử dụng thuốc hỗ trợ hoặc có biến chứng hay không. Nếu bệnh nhân tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ sau khi xuất viện, kiêng khem đúng cách và chăm sóc vết thương tốt thì thời gian lành bệnh sẽ nhanh hơn.

Nhìn chung, kỹ thuật mổ nội soi ít ảnh hưởng đến thận, ít chảy máu, vết mổ nhỏ nên bệnh nhân thường phục hồi nhanh.

3.4 Sau mổ sỏi thận có biến chứng không?

Với những bệnh nhân phẫu thuật lấy sỏi thận qua da, phẫu thuật hở lấy sỏi thận thì thời gian nằm viện lâu hơn và có nguy cơ gặp các biến chứng sau mổ sỏi thận như són tiểu, tiểu không tự chủ, tiểu ra máu, nhiễm trùng đường tiết niệu,…

Đối với phương pháp mổ nội soi sỏi thận mặc dù là kỹ thuật hiện đại nhưng vẫn có trường hợp gặp rủi ro sau mổ như tổn thương thận – niệu quản, sót vụn sỏi trong thận, rối loạn chức năng tiết niệu,…

Thực tế, có nhiều trường hợp phải mổ sỏi thận 2 – 3 lần mới có thể chữa dứt điểm bệnh sỏi thận.

Lời khuyên: Sau khi mổ sỏi thận người bệnh nên ăn nhiều rau giàu chất xơ, vitamin, hạn chế uống cà phê, bia rượu. Bên cạnh đó, hãy uống nhiều nước để đào thải mảnh sỏi vụn còn sót lại và phòng ngừa nguy cơ tái phát.

Bình luận