Nhận biết tình trạng ngộ độc rượu và cách xử lý nhanh

( VOH ) - Lượng rượu bia tiêu thụ vào dịp lễ tết sẽ gia tăng, theo đó là mối nguy cơ về ngộ độc rượu cũng được nhiều chuyên gia cảnh báo. Vậy nếu chẳng may bị ngộ độc rượu chúng ta cần làm gì?

1. Ngộ độc rượu là như thế nào?

Ngộ độc rượu bia là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu, bia vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, nhất là các loại rượu, bia có chứa methanol hoặc ethanol. Đây là những chất giúp cho rượu, bia có vị nồng, thường dùng để pha chế đồ uống giải khát, nhưng bản thân nó cũng là chất có thể gây độc hại cho cơ thể nếu lạm dụng.

Đối với ngộ độc rượu được chia làm 2 dạng:

1.1 Ngộ độc rượu ethanol

Khi đi vào cơ thể qua đường uống, ethanol sẽ bắt đầu quá trình hấp thụ và phân hủy ngay từ màng niêm mạc trong miệng, sau đó được hấp thụ trên toàn tuyến tiêu hóa, đi thẳng vào máu, từ máu vào gan và phân hủy một phần lớn ở gan.

Chất này có thể làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơ-ron thần kinh, dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác. Ngộ độc rượu ethanol chia thành 2 loại:

  • Ngộ độc cấp tính: Đầu tiên người uống sẽ có dấu hiệu kích thích, thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp bị rối loạn. Sau đó, sẽ có các biểu hiện như: phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, hạ huyết áp, giãn mạch ngoại vi, tử vong.
  • Ngộ độc mãn tính: Những người thường xuyên uống rượu trong thời gian dài sẽ dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, rối loạn thần kinh.

nhan-biet-tinh-trang-ngo-doc-ruou-va-cach-xu-ly-nhanh-voh

Các loại rượu có chứa methanol hoặc ethanol đều có thể gây ngộ độc nếu uống quá nhiều (Nguồn: Internet)

1.2 Ngộ độc rượu methanol

Những trường hợp ngộ độc rượu và thường dẫn đến chết người là do uống rượu có chứa methanol. Methanol cũng là chất tạo vị nồng cho rượu nhưng là một chất rất độc, với 1 lượng nhỏ có thể gây mù, nhiều hơn có thể gây tử vong.

Methanol sau khi uống vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các formic acid, chính những chất này sẽ gây ngộ độc cho gan, gây suy thận cấp, đặc biệt là gây nhiễm toan hóa máu nặng nề.

Triệu chứng của nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào lượng rượu được uống vào. Thường chia thành 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn kín đáo: Triệu chứng thường rất nhẹ chỉ gây ức chế thần kinh nên nhiều người thường bỏ qua hoặc không phát hiện.
  • Giai đoạn bùng phát: Ở giai đoạn này sẽ xuất hiện các triệu chứng nôn mửa, đau bụng, phản ứng chậm, đi đứng xiêu quẹo, giảm khả năng nghe, nhìn, ngửi, trí nhớ giảm sút, thiếu kiềm chế. Trường hợp ngộ độc nặng sẽ gây bất tỉnh, da xanh tái, tử vong.

2. Bị ngộ độc rượu cần phải làm gì?

2.1 Những điều nên làm

Khi thấy bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc  rượu, người nhà cần kê gối thấp cho bệnh nhân nằm, nhằm làm nôn hết rượu ra ngoài. Sau đó để bệnh nhân ngủ, cứ cách vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo loãng. Không nên để bệnh nhân đói vì sẽ dễ bị hạ đường huyết.

Trong trường hợp bệnh nhân không tỉnh hoặc không thể ăn uống được gì hoặc ăn bất cứ thứ gì vào đều nôn ói thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Để chữa ngộ độc bia rượu nên cho bệnh nhân uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục, nên uống nước ấm.

Nước chè xanh đậm giúp chữa tình trạng ngộ độc rượu nhẹ (cấp tính), hoặc uống sữa nóng, nước gừng tươi để máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn.

Có thể uống nhiều lần các loại nước mía, nước chanh, nước cam, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ… để giúp giải được ngộ độc rượu nhẹ.

Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa, nhằm hạn chế tác hại của cồn trong rượu gây ảnh hưởng tới hoạt động của gan.

Nhận biết tình trạng ngộ độc rượu và cách xử lý nhanh 2

Người bị ngộ độc rượu có thể giải rượu bằng nước gừng tươi (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, người bị ngộ độc rượu có thể giải rượu bằng cách dùng 3 lát gừng tươi giã nát, trộn với một ít giấm và đường, ép lấy nước uống. Hoặc 1 nắm đậu xanh giã nát, ít trà mạn và 1 chén nước, đun lên để uống. Nếu bị say rượu kèm đau đầu, hãy giã rau cần tươi hoặc lá dong, vắt lấy nước cốt để uống sẽ rất hiệu quả.

2.2 Những điều không nên làm

Không nên cho bệnh nhân uống các loại thuốc các tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Cũng không nên uống các loại vitamin B1, B6, acid folic... để làm giảm đau đầu khi say vì sẽ gây hại cho gan. Một số loại thuốc giảm đau khi uống với rượu có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa.

Khi say rượu không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không lọc chất độc kịp sẽ gây tổn hại nghiêm trọng. Lâu ngày sẽ gây xơ gan, ung thư gan.

Người ngộ độc rượu không nên tắm ngay vì sẽ dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch.

3. Làm sao phòng tránh ngộ độc rượu?

Để phòng tránh ngộ độc rượu, mọi người cần lưu ý:

  • Không mua và sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không nhãn mác.
  • Không uống rượu tự pha chế, ngâm rễ, lá cây khi không biết rõ về độc tính của nó.
  • Không uống rượu khi đói và chỉ nên uống khoảng 30ml, đối với bia chỉ nên uống khoảng 300 - 500ml là hợp lý.
Bình luận