Nguyên nhân sốt siêu vi và biện pháp phòng tránh

( VOH ) - Tìm hiểu nguyên nhân sốt siêu vi sẽ giúp bạn biết cách phòng tránh cho chính mình và những người thân trong gia đình.

Sốt siêu vi là thuật ngữ chỉ chung những trường hợp sốt do nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau. Phần lớn sốt siêu vi không nguy hiểm và có thể tự hết nếu người bệnh được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh đến nhanh, không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt đối với trẻ em.

1. Nguyên nhân sốt siêu vi

Sốt siêu vi là căn bệnh truyền nhiễm virus và có khả năng lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc với người bệnh. Virus có thể lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Nó cũng có thể lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp như nắm tay người bị nhiễm virus.

Bên cạnh đó, khi sốt siêu vi trở nên phổ biến, chúng cũng có thể lây lan thông qua hệ thống thông gió.

nguyen-nhan-sot-sieu-vi-va-bien-phap-phong-tranh-voh-1

Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt siêu vi vì có hệ miễn dịch kém (Nguồn: Internet)

Những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh sốt siêu vi:

  • Tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm virus.
  • Bạn sống trong khu vực đang có dịch sốt siêu vi.
  • Làm việc trong môi trường chung với những người bị bệnh.
  • Sử dụng chung kim tiêm.
  • Nơi sinh sống có chuột.
  • Thường xuyên ở gần những con vật nhiễm bệnh.

Sốt siêu vi có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng trẻ em và người lớn tuổi là đối tượng dễ mắc phải nhất vì khả năng miễn dịch của họ thường thấp hơn những đối tượng khác.

2. Sốt siêu vi có nguy hiểm không?

Khi cơ thể bị nhiễm virus, sau thời gian ủ bệnh virus sẽ gây ra các triệu chứng của bệnh. Sốt virus có thể gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết không gây nguy hiểm, bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 7 - 10 ngày. Nhưng ở một số trường hợp có thể bị bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm.

Trường hợp bệnh nhân sốt siêu vi không được chăm sóc và điều trị kịp thời có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:

2.1 Viêm phổi

Đây là biến chứng nặng thường gặp, có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm.

2.2 Viêm tiểu phế quản

Biến chứng này hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đây cũng là biến chứng rất nặng, nguy hiểm đối với trẻ nếu không được xử trí kịp thời.

2.3 Viêm thanh quản

Khi thanh quản bị sưng phù có thể dẫn tới bị khó thở, cơ thể thiếu oxy.

2.4 Viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim

Sau khi hết sốt mà bệnh nhân vẫn mệt mỏi,  trẻ nhỏ không chơi nghịch, không ăn được thì cha mẹ cần đưa con đi khám bệnh ngay.

Một biến chứng đáng ngại nhất của sốt virus là bệnh có thể gây ra những biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và có thể mang di chứng nặng nề.

nguyen-nhan-sot-sieu-vi-va-bien-phap-phong-tranh-voh-2

Sốt siêu vi nếu không điều trị đúng cách có thể gây bội nhiễm và các biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)

3. Làm sao để phòng bệnh sốt siêu vi?

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sốt siêu vi là giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt. Ngoài ra, bạn nên áp dụng một số phương pháp phòng ngừa sau:

  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân hay ăn chung với người đang mắc bệnh sốt siêu vi.
  • Tránh đến những nơi đông người.
  • Nếu cơ thể đang bị cảm lạnh, ho hoặc sốt thì tránh đến những khu vực đông người, bịt khẩu trang hay che miệng bằng khăn sạch khi ho hoặc ngáp.

Nhìn chung, sốt siêu vi có thể gây nguy hiểm nên khi gặp phải những triệu chứng như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, viêm họng,…nghi ngờ mắc bệnh sốt siêu vi thì người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám cũng như điều trị đúng cách. Bên cạnh đó, mặc dù đang khỏe mạnh nhưng bạn cũng phải nắm được các biện pháp phòng tránh để hạn chế tối đa việc nhiễm virus từ người bệnh.

Bình luận