Nhận biết - cải thiện thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh và người lớn

(VOH) – So với vitamin A, vitamin B hay vitamin C thì có lẽ chúng ta thường ít nghe tới vitamin K. Chính vì thế, thực đơn hàng ngày vô tình ‘lãng quên’ dưỡng chất này và khiến cơ thể thiếu vitamin K.

Tuy là nhóm vitamin “ít tiếng tăm” song thực tế vitamin K đảm nhiệm khá nhiều vai trò quan trọng giúp duy trì hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thúc đẩy quá trình đông máu, giảm nguy cơ xuất huyết. Do vậy, cần chú ý nhận biết sớm và nhanh chóng cải thiện tình trạng thiếu vitamin K.

1. Các dấu hiệu thiếu vitamin K cần biết

Nguy cơ rơi vào trạng thái thiếu hụt vitamin K có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào dù là trẻ nhỏ hay người trưởng thành. Vì lẽ đó khi nhận thấy một số dấu hiệu bất thường dưới đây thì khả năng thiếu vitamin K thường khá cao.

1.1 Thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh

Trong những tháng đầu sau khi trẻ chào đời, nếu cơ thể con không được cung cấp đủ lượng vitamin K cần thiết, cha mẹ sẽ quan sát được các triệu chứng sau:

nhan-biet-cai-thien-thieu-vitamin-k-o-tre-so-sinh-va-nguoi-lon-voh-0
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin K (Nguồn: Internet)

Chảy máu ở cuống rốn

Thông thường sau khoảng 15 ngày kể từ khi dây rốn được cắt đi, gốc rốn của em bé sẽ khô lại và rụng đi. Thế nhưng trong trường hợp thiếu vitamin K thì vùng cuống rốn của con liên tục rỉ máu và rất khó cầm máu lại.

Xem thêm: Sau sinh bao lâu trẻ sơ sinh rụng rốn? Rụng sớm hoặc rụng muộn có sao không?

Màu sắc da nhợt nhạt

Việc thiếu hụt vitamin K có thể gây chảy máu nghiêm trọng, khiến cơ thể trẻ bị thiếu máu và màu sắc da không còn hồng hào mà trở nên nhợt nhạt.

Phân có máu

Vào 2 – 3 ngày đầu sau khi sinh, trẻ sẽ thải ra phân su - màu xanh lá cây sẫm, tương đối dính. Tuy nhiên trong những ngày tiếp theo, nếu nhận thấy phân của bé không phải màu vàng sáng mà chuyển đỏ đậm, dính máu và có mùi hôi thì có thể là biểu hiện của thiếu vitamin K.  

Xem thêm: Cảnh giác với triệu chứng đi ngoài ra máu ở trẻ sơ sinh, bệnh nguy hiểm cần đề phòng

1.2 Thiếu vitamin K ở người lớn

Tình trạng thiếu vitamin K ở người lớn tuy không phổ biến như đối tượng trẻ sơ sinh, song bạn cũng nên cẩn trọng khi cơ thể “phát ra” một số tín hiệu sau:

Chảy máu cam

Chảy máu cam không chỉ xảy ra khi thiếu vitamin C, mà đây còn là dấu hiệu “cảnh báo” rằng cơ thể bạn đang thiếu hụt vitamin K, dẫn tới xuất huyết niêm mạc mũi.

Đại tiểu tiện ra máu

Đại tiểu tiện ra máu cũng là hệ quả của việc cơ thể không được bổ sung đầy đủ lượng vitamin K cần thiết.

Xem thêm: Báo động nguy cơ bệnh hiểm nghèo từ tình trạng đi cầu ra máu, đừng chủ quan!

Xuất hiện vết bầm tím

Cơ thể “cạn kiệt” vitamin K gây ra hiện tượng xuất huyết bên trong, lúc này các vết bầm tím xuất hiện ở bắp chân, bắp đùi, đầu gối hay bắp tay dù bạn không va đập hoặc té ngã.

nhan-biet-cai-thien-thieu-vitamin-k-o-tre-so-sinh-va-nguoi-lon-voh-1
Các vết bầm tím xuất hiện không rõ lý do có thể là dấu hiệu của thiếu vitamin K (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân thiếu vitamin K là gì?

Một số yếu tố dưới đây được đánh giá là nguyên nhân điển hình dẫn đến tình trạng thiếu vitamin K:

2.1 Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin K

Cơ thể chúng ta không thể tự sản sinh được vitamin K mà phần lớn cần bổ sung từ thực phẩm giàu vitamin K (bao gồm cả vitamin K1vitamin K2) như rau lá xanh, trứng gà, các chế phẩm từ sữa, hay thịt bò,…Do đó nếu chế độ dinh dưỡng mất cân bằng và không tiếp nạp đủ nhóm thực phẩm chứa vitamin K thì sẽ thiếu hụt lượng vitamin này trong cơ thể.

Ngoài ra, tình trạng thiếu vitamin K ở phụ nữ mang thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú sẽ để lại tác động tiêu cực tới sức khỏe của em bé, con sẽ không nhận đủ vitamin K qua nhau thai hay sữa mẹ

Xem thêm: Bổ sung vitamin K bằng những thực phẩm này sẽ giúp bạn duy trì quá trình đông máu và chắc khỏe xương

2.2 Sử dụng thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông máu dùng để ngăn ngừa huyết khối trong mạch máu, có đặc tính hoạt động hoàn toàn trái ngược với vitamin K, thậm chí nếu dùng quá liều sẽ khử vitamin K và gây xuất huyết nghiêm trọng.

2.3 Mắc bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa

Quá trình hấp thu và chuyển hóa các nhóm vitamin K diễn ra chủ yếu tại đường ruột dưới sự tác động của lợi khuẩn. Vì vậy nếu không may mắc bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa, làm hệ sinh thái lợi khuẩn suy yếu thì hàm lượng vitamin K trong cơ thể thường ở mức thấp.

Xem thêm: 12 loại thực phẩm bạn nên ăn nếu muốn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh

2.4 Điều trị bằng kháng sinh dài ngày

Khi phải thực hiện các điều trị có sử dụng kháng sinh trong thời gian dài, khả năng hấp thu nhóm vitamin K của cơ thể sẽ suy giảm, nguy cơ bị thiếu hụt vitamin K là điều không tránh khỏi.

3. Thiếu vitamin K ảnh hưởng sức khỏe thế nào?

Vitamin K là thành tố thiết yếu, đảm nhiệm nhiều vai trò trong cơ thể nên nếu không kịp thời “bù đắp” lượng thiếu hụt, các vấn đề sức khỏe sau đây sẽ xảy ra:

3.1 Rối loạn đông máu

Vitamin K vốn có khả năng kích hoạt prothrombin để quá trình đông máu diễn ra nhanh chóng, làm lành vết thương chảy máu và cầm máu kịp thời. Song khilượng vitamin K trong cơ thể sụt giảm dẫn tới hiện tượng rối loạn đông máu và tiềm ẩn nguy cơ tử vong.

nhan-biet-cai-thien-thieu-vitamin-k-o-tre-so-sinh-va-nguoi-lon-voh-2
Thiếu vitamin K sẽ khiến thời gian cầm máu lâu hơn, làm mất máu và gây nguy hiểm tính mạng (Nguồn: Internet)

3.2 Xuất huyết não

Theo các thống kê y khoa, khi nhu cầu vitamin K của cơ thể không được đáp ứng đầy đủ thì tỉ lệ gặp phải tình trạng rò rỉ chảy máu ở màng não (xuất huyết não) lên tới 90%, nhất là ở trẻ sơ sinh.

3.3 Tăng nguy cơ loãng xương

Tỉ lệ gãy xương hay loãng xương thường tăng cao nếu thiếu hụt lượng vitamin K, bởi khi đó quá trình chuyển hóa canxi diễn ra không hiệu quả, hoạt động tái tạo cũng như hình thành tế bào xương mới sẽ bị gián đoạn.

Xem thêm: Những thực phẩm giúp phòng ngừa loãng xương hiệu quả

3.4 Bệnh tim mạch

Hàm lượng canxi không thể chuyển hóa vào tế bào xương có thể tích tụ lại trong máu, làm vôi hóa động mạch. Điều này sẽ cản trợ dòng tuần hoàn máu mang oxy tới tim, tiềm ẩn nguy cơ nhồi máu cơ timđột quỵ.

4. Chẩn đoán thiếu vitamin K

Thông qua việc chăm sóc cơ thể, theo dõi các biểu hiện bất thường nêu trên, bạn có thể nhận thấy cơ thể mình có đang ở trạng thái thiếu vitamin K hay không. Tuy nhiên, nhằm xác định rõ ràng, bạn nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chỉ định làm xét nghiệm thời gian đông máu và đưa ra chẩn đoán chính xác.

nhan-biet-cai-thien-thieu-vitamin-k-o-tre-so-sinh-va-nguoi-lon-voh-3
Các bác sĩ sẽ tiến hành làm xét nghiệm thời gian đông máu để xác định chính xác bạn có thiếu vitamin K hay không (Nguồn: Internet)

5. Phương pháp điều trị thiếu vitamin K

Tùy theo mức độ thiếu hụt vitamin K cùng thể trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ đề xuất cách điều trị phù hợp như cải thiện chế độ ăn uống hay kê thuốc bổ sung.

5.1 Thiếu vitamin K nên ăn gì?

Tăng cường ăn các nhóm thực phẩm giàu vitamin K được đánh giá là phương pháp lành mạnh và an toàn nhất. Người thiếu vitamin K nên ăn thêm một lượng vừa đủ rau xanh, trứng sữa, thịt bò, thịt gà,…

5.2 Dùng thuốc bổ sung vitamin K

Dùng thuốc bổ sung vitamin K hay tiêm vitamin K vào máu chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của bác sĩ. Bạn không nên tự ý mua và sử dụng tại nhà để giảm thiểu tối đa rủi ro sức khỏe.

6. Lưu ý phòng ngừa thiếu vitamin K

Để chủ động phòng ngừa thiếu vitamin K, cần ghi nhớ thực hiện một số lưu ý quan trọng sau:

  • Tìm hiểu và tiếp nạp thêm các thực phẩm giàu vitamin K trong chế độ ăn uống.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc chống đông máu hoặc thuốc kháng sinh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin K.
  • Cha mẹ hãy chú ý thực hiện tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh ở những tháng đầu tiên sau khi chào đời.

Có thể thấy rằng, hàng loạt vấn đề sức khỏe sẽ xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng vitamin K cần thiết. Thế nên hãy chú ý xây dựng một khẩu phần ăn thật hợp lý, kết hợp linh hoạt các thực phẩm cung cấp vitamin K bạn nhé.

Bình luận