Thuyên tắc phổi: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết sớm

(VOH) - Thuyên tắc phổi là tình trạng không thể xem nhẹ, bởi đây là một biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng nếu không chữa kịp thời. Vậy làm sao để nhận biết thuyên tắc phổi sớm nhất.

1. Thuyên tắc phổi là gì?

Thuyên tắc phổi hay còn gọi là thuyên tắc động mạch phổi hoặc tắc mạch phổi, là tình trạng tắc nghẽn mạch máu đột ngột ở phổi. Tắc nghẽn xảy ra khi các cục máu đông (huyết khối) di chuyển từ các bộ khác (nhất là ở chân) đến phổi bị tắc nghẽn.

thuyen-tac-phoi-nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet-som-voh-1

Thuyên tắc phổi là tình trạng mạch máu ở phổi bị tắc nghẽn (Nguồn: Internet)

Huyết khối đã bị vỡ và trôi nổi tự do trong mạch máu có thể di chuyển đến một vùng khác của cơ thể và gây tắc nghẽn mạch máu tại đó. Khi huyết khối nằm trong động mạch phổi sẽ chặn lưu lượng máu đến phổi để nhận lấy oxy. Nếu không có đủ máu để nhận được oxy và di chuyển sang tim trái, nồng độ oxy trong cơ thể giảm xuống một cách nguy hiểm và có thể gây ra tổn thương cho tất cả các cơ quan trong cơ thể, kể cả não, thận và tim.

Thuyên tắc phổi là bệnh nguy hiểm đến tính mạng nếu không xử lý kịp thời.

2. Triệu chứng khi bị thuyên tắc phổi

Các triệu chứng phổ biến khi bị thuyên tắc phổi thường là:

  • Khó thở, thường diễn ra một cách đột ngột.
  • Người bệnh choáng váng.
  • Đau ngực, triệu chứng này có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Mất ý thức.
  • Ho ra máu, triệu chứng này ít gặp hơn so với khó thở và đau ngực.
  • Huyết áp thấp.
  • Vã mồ hôi.
  • Đau hoặc đỏ ở chân. Một số bệnh nhân cảm nhận được sự hiện diện bất thường của cục máu đông ở chân. Nó gây đau, sưng và đỏ. Tình trạng này được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Từ đó, cục máu đông có thể đi vào phổi và gây tắc mạch phổi.

thuyen-tac-phoi-nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet-som-voh-2

Khó thở và đau ngực là triệu chứng phổ biến của thuyên tắc phổi (Nguồn: Internet)

3. Ai có nguy cơ bị thuyên tắc phổi nhất?

Khoảng 90% trường hợp thuyên tắc phổi xuất phát từ cục máu đông hình thành trong bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Khoảng 80% các cục máu đông này sẽ tự tan biến mà không gây thuyên tắc phổi, 20% còn lại có thể di chuyển đến tĩnh mạch chậu đùi và bị vỡ, cho phép một cục máu đông di chuyển lên tĩnh mạch chủ dưới và sau cùng là lên phổi sẽ gây sự tắc nghẽn tại đây.

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ bị thuyên tắc phổi, bao gồm:

thuyen-tac-phoi-nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet-som-voh-3

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là nguyên nhân phổ biến gây thuyên tắc phổi (Nguồn: Internet)

  • Phụ nữ sau khi sinh.
  • Sau cơn đau tim, phẫu thuật tim hoặc đột quỵ.
  • Bị chấn thương nặng, bị gãy xương hông hoặc đùi.
  • Không vận động trong thời gian dài như nằm hồi phục sau phẫu thuật, hoặc ngồi lâu trên máy bay hoặc xe.
  • Phẫu thuật ở chân, hông, bụng hoặc não sẽ dễ tụ huyết khối.
  • Mắc các bệnh như ung thư, suy tim, đột quỵ và nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Dùng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp estrogen.

4. Điều trị thuyên tắc phổi bằng cách nào?

Phương pháp điều trị thuyên tắc phổi nhằm mục đích làm tan cục máu đông, ngăn cục máu đông phát triển to hơn và ngăn cục máu đông mới tạo thành.

Bước đầu tiên trong điều trị thuyên tắc phổi là điều trị shock và cung cấp oxy. Sau đó sẽ dùng các loại thuốc làm loãng máu hoặc các liệu pháp tan huyết khối để ngăn chặn tình trạng đông máu.

Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Heparin, warfarin được sử dụng để ngăn sự tạo thành cục máu đông.
  • Các thuốc tiêu sợi huyết (làm tan cục máu đông đã hình thành) cũng có thể được sử dụng, nhưng chúng gây ra nguy cơ chảy máu cao cho bệnh nhân nên thường chỉ được dùng trong những trường hợp nặng.
  • Những bệnh nhân yếu và huyết áp tụt có thể dùng thêm thuốc như dopamin để tăng huyết áp.

5. Phòng tránh thuyên tắc phổi bằng cách nào?

Để không bị thuyên tắc phổi, nếu thuộc nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ cao thì bạn có thể phòng tránh bằng các biện pháp sau:

  • Dùng các thuốc chống đông máu như heparin, enoxaparin, warfarin nếu được cảnh báo có nguy cơ thuyên tắc phổi. Hãy sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Sử dụng tất băng nịt giảm lượng máu ứ đọng tránh tạo thành cục máu đông.
  • Rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên.
  • Không nên nằm lâu ngày sau khi phẫu thuật, sau tai biến mạch máu não.
  • Sản phụ cần đi lại, nằm đúng tư thế để tránh cho thai không gây chèn ép tĩnh mạch máu.
  • Nên đến bác sĩ khám nếu thấy dấu hiệu sưng to bất thường ở chân, nặng chân, đau chân.
  • Giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì.
  • Không mặc những bộ quần áo quá bó khiến lưu thông máu bị ngăn cản.
Bình luận