Ung thư dạ dày: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị

(VOH) - Ung thư dạ dày có thể phát triển ở bất cứ phần nào của dạ dày, có thể lan ra các cơ quan khác trên cơ thể. Mỗi năm, ung thư dạ dày gây ra khoảng 800.000 ca tử vong trên thế giới.

Việc phát hiện ung thư dạ dày sớm sẽ giúp việc điều trị trở nên khả quan hơn, có thể kéo dài thêm cuộc sống cho người bệnh, thậm chí có thể khỏi bệnh.

1. Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là tình trạng phát triển khối u ác tính trong dạ dày. Bệnh xảy ra khi các tế bào trong dạ dày phát triển quá mức dẫn đến hình thành các khối u.

Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp và rất dễ di căn đến các bộ phận khác. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.

ung-thu-da-day-dau-hieu-nhan-biet-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-1

Tế bào gây ung thư trong dạ dày (Nguồn: Internet)

2. Các giai đoạn của ung thư dạ dày

2.1 Giai đoạn 0

Giai đoạn 0 là ung thư dạ dày giai đoạn đầu. Giai đoạn này còn gọi là ung thư biểu mô khi các tế bào ung thư nằm ở lớp niêm mạc dạ dày.

2.2 Giai đoạn 1

Giai đoạn này, các tế bào ung thư đã xâm lấn vào lớp thứ 2 của dạ dày. Giai đoạn này vẫn chưa có nguy hiểm gì và bệnh chưa lây qua các cơ quan khác.

2.3 Giai đoạn 2

Ung thư dạ dày giai đoạn 2, các tế bào ung thư xâm lấn qua lớp niêm mạc. Giai đoạn này còn gọi là ung thư dưới cơ.

2.4 Giai đoạn 3

Ung thư dạ dày giai đoạn 3, các tế bào ung thư đã bắt đầu lan ra hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa.

2.5 Giai đoạn 4

Đây là ung thư giai đoạn cuối, khi các tế bào ung thư đã lan ra khắp cơ thể. Khi người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn này, cơ hội sống rất ít.

3. Triệu chứng ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày thường không có triệu chứng bị bệnh hoặc chỉ gây ra các triệu chứng không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Khi triệu chứng xuất hiện thì lúc này ung thư hầu hết đã di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể, đó là một trong những lý do chính khiến việc chẩn đoán bệnh trở nên khó khăn.

Dưới đây là những dấu hiệu của ung thư dạ dày phổ biến:

3.1 Dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn đầu

Trên 70% số bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn đầu có biểu hiện chướng bụng, đầy hơi rõ rệt. Triệu chứng này thường xảy ra trong những thời điểm yên tĩnh. Khi hoạt động thể thao, phân tán tư tưởng nên triệu chứng này mất đi nhưng vẫn khiến hiệu quả điều tiết thức ăn của bệnh nhân suy giảm.

ung-thu-da-day-dau-hieu-nhan-biet-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-2

Khi có dấu hiệu bất thường ở dạ dày bạn nên đi khám càng sớm càng tốt (Nguồn: Internet)

3.2 Ung thư dạ dày giai đoạn muộn

Ở giai đoạn muộn, người bệnh thường thấy các triệu chứng như:

  • Ợ chua, nóng ruột: Một số trường hợp sau khi ăn có cảm giác khó chịu, ợ chua, ợ nóng, khi đi khám dễ bị chẩn đoán nhầm sang viêm dạ dày.
  • Đau bụng dữ dội: Thời gian đau bụng kéo dài, uống thuốc giảm đau nhưng vẫn không đỡ.
  • Triệu chứng khác: Dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường là đau thượng vị, chán ăn, sút cân, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, đại tiện ra máu hoặc phân đen, nuốt nghẹn,…

Ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường có khả năng di căn cao. Ung thư dạ dày di căn thường là trực tiếp xâm lấn sang các tạng xung quanh như tụy, gan, đại tràng ngang,…hoặc có thể di căn hạch ổ bụng, hạch cạnh dạ dày,…Bên cạnh đó, khối u dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng như thủng dạ dày, xuất huyết, hoại tử,…

4. Những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ giữa khả năng bị ung thư dạ dày với việc hút thuốc và chế độ dinh dưỡng nhiều muối. Họ nhận thấy chất nitrat có trong các thành phần nói trên có thể được vi khuẩn trong dạ dày chuyển hóa thành nitrit, đây là chất gây ung thư dạ dày. Ngoài ra, vi khuẩn Helicobacter pylori (gọi tắt là H.pylori) gây loét dạ dày cũng có thể gây ra bệnh này.

Ngoài ra, các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày cao:

  • Ăn nhiều thức ăn xông khói.
  • Ăn thức ăn nấm mốc.
  • Gia đình có tiền sử ung thư dạ dày.
  • Bị viêm dạ dày lâu năm.
  • Mắc bệnh thiếu máu ác tính.
  • Hút thuốc lá.
  • Có polyp dạ dày (khối u nhỏ, lành tính).

5. Ung thư dạ dày có chữa được không?

Ung thư dạ dày có thể được điều trị bằng các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị liệu và tia xạ. Tuy nhiên, việc điều trị có hiệu quả hay không hoặc bệnh có tái phát hay không còn phụ thuộc vào mức độ mắc bệnh, cơ thể người bệnh có tiếp nhận thuốc điều trị hay không hoặc mức độ lan rộng của khối u.

Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Chính vì thế, việc phát hiện sớm ung thư dạ dày có vai trò quan trọng trong việc điều trị.

6. Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày

Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu và quan trọng trong điều trị ung thư dạ dày. Vai trò của hóa trị và xạ trị điều trị được cân nhắc phối hợp cho từng trường hợp cụ thể.

ung-thu-da-day-dau-hieu-nhan-biet-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-3

Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày (Nguồn: Internet)

6.1 Phẫu thuật điều trị triệt căn

Phẫu thuật cắt niêm mạc qua nội soi, Việc cắt bỏ tổn thương ung thư qua nội soi chỉ được thực hiện khi ung thư còn đang giới hạn ở lớp niêm mạc.

6.2 Phẫu thuật điều trị triệu chứng

Phẫu thuật điều trị triệu chứng là một biện pháp hữu hiệu để điều trị chống đau và chăm sóc triệu chứng cho bệnh nhân ung thư dạ dày.

6.3 Hóa trị hoặc xạ trị điều trị ung thư dạ dày

Hóa trị điều trị ung thư dạ dày có thể được áp dụng như là biện pháp chính khi ung thư đã có di căn xa hoặc cũng có thể dùng như biện pháp điều trị hỗ trợ trước phẫu thuật và điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật. Ngoài ra, hóa trị có thể phối hợp với xạ trị để nâng cao kết quả của điều trị.

Lời khuyên: Ung thư dạ dày là bệnh có nguy cơ tử vong cao, nên việc dự phòng bệnh để giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua chế độ ăn uống hợp lý, giữ cân nặng ở mức ổn định, vừa phải… và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ là đặc biệt quan trọng. Việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp cho việc điều trị trở nên khả quan hơn, có thể kéo dài thêm cuộc sống cho người bệnh và thậm chí khỏi bệnh.

Bình luận