Ung thư thực quản: Biểu hiện, nguyên nhân và phương pháp chữa trị

(VOH) - Hiện nay, rất nhiều người mắc phải căn bệnh ung thư thực quản và đã hối hận vì không biết cách phòng ngừa cũng như nhận biết sớm hơn.

Thực tế, ung thư thực quản nếu phát hiện sớm thì có thể tầm soát và điều trị dễ dàng hơn.

1. Ung thư thực quản là gì?

Thực quản là một ống tiêu hóa chứa thức ăn và các chất lỏng đi từ họng xuống dạ dày, dài khoảng 25cm. Các tuyến của thực quản chế tiết ra các chất nhầy giúp làm ẩm đường dẫn thức ăn và thức ăn có thể đi xuống dạ dày dễ dàng hơn.

Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản. Các tế bào ung thư bắt đầu ở lớp bên trong của thực quản và có thể lan rộng ra khắp các lớp khác cũng như những bộ phận khác trên cơ thể (ung thư thực quản di căn).

ung-thu-thuc-quan-bieu-hien-nguyen-nhan-va-phuong-phap-chua-tri-voh-1

Ung thư thực quản gây cản trở việc nuốt thức ăn cho người bệnh (Nguồn: Internet)

Ung thư xuất phát từ thực quản bao gồm 2 loại chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến tùy thuộc vào loại tế bào ung thư.

  • Ung thư biểu mô vảy phát triển từ tế bào dạng biểu bì ở thực quản và thường xuất phát ở phần trên và giữa thực quản.
  • Ung thư biểu mô tuyến thường phát triển từ tổ chức tuyến ở phần dưới thực quản. Khi khối u lan tràn ra ngoài thực quản, đầu tiên nó thường đi đến hệ bạch huyết và sau đó có thể xâm lấn ra hầu hết các bộ phận khác của cơ thể gồm gan, phổi, não, xương,…

2. Biểu hiện của ung thư thực quản

Cũng giống như hầu hết các loại ung thư, triệu chứng ung thư thực quản giai đoạn đầu thường không biểu hiện cho người bệnh biết. Chỉ sau khi khối u phát triển, người bệnh mới nhận thấy những triệu chứng sau:

  • Nuốt đau, nuốt khó.
  • Giảm cân nhiều.
  • Đau họng hoặc đau lưng, nhất là đau phía sau xương ức hoặc 2 bên xương bả vai.
  • Rát họng hoặc ho kéo dài.
  • Nôn và ho ra máu.

Các triệu chứng này có thể do ung thư thực quản gây ra nhưng cũng có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý khác. Do đó, để chẩn đoán ung thư thực quản cần thực hiện một số xét nghiệm như chụp thực quản, nội soi thực quản, chụp cắt lớp vi tính, chụp PET/CT xem mức độ xâm lấn của ung thư.

3. Các giai đoạn của ung thư thực quản

Ung thư thực quản thường phát triển qua 4 giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Ung thư thực quản giai đoạn 1, khối u chỉ nằm ở lớp trên cùng của thành thực quản.
  • Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này, ung thư lan đến lớp sâu hơn của thành thực quản hoặc xâm lấn đến tổ chức bạch huyết lân cận. Ung thư chưa xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn 3: Ung thư xâm lấn lớp sâu hơn của thành thực quản và xâm lấn tổ chức hoặc hạch bạch huyết trong vùng cạnh thực quản.
  • Giai đoạn 4: Ung thư thực quản giai đoạn cuối có thể xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể, ung thư có thể lan đến mọi vị trí bao gồm gan, phổi, não, xương,…

4. Yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản

Nguyên nhân gây ung thư thực quản chưa được biết rõ, tuy nhiên, các nguyên cứu đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản gồm:

  • Trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao.
  • Hút thuốc lá và các chế phẩm có thuốc lá là nguy cơ chủ yếu gây ung thư thực quản.
  • Những người nghiện rượu hoặc uống rượu, bia thường xuyên có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản. Nguy cơ sẽ cao hơn khi bạn vừa hút thuốc lá vừa thường xuyên uống rượu, bia.
  • Mắc các bệnh lý thực quản như viêm thực quản Barrett (loét thực quản kéo dài), trào ngược dạ dày thực quản,…
  • Nuốt phải chất axit hoặc các chất phụ gia khác gây hoại tử niêm mạc thực quản, làm tăng nguy cơ ung thư vùng đầu, mặt, cổ, có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư thứ 2 ở vùng này, trong đó có ung thư thực quản.

5. Ung thư thực quản có chữa được không?

Hiện nay, có nhiều phương pháp có thể chữa được bệnh ung thư thực quản. Điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, vị trí, sự lan tràn khối u và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân. Điều trị dinh dưỡng cần thực hiện trước khi tiến hành các biện pháp điều trị khác.

Các phương pháp điều trị ung thư thực quản bao gồm:

5.1 Phẫu thuật

Là biện pháp chủ yếu điều trị ung thư thực quản. Thông thường, khối u được lấy cùng một phần hoặc toàn bộ thực quản, tổ chức bạch huyết kế cận và các tổ chức khác trong vùng.

Sau đó, phần còn lại của thực quản sẽ được nối với dạ dày giúp người bệnh vẫn tiếp tục nuốt như bình thường. Trong một số trường hợp, đoạn nối có thể được tạo bởi một đoạn ruột non hoặc ống nhựa.

5.2 Xạ trị

Xạ trị có thể được điều trị đơn thuần hoặc kết hợp hóa chất như một biện pháp điều trị khởi đầu thay cho phẫu thuật, đặc biệt khi khối u lớn và ở vị trí khó khăn cho phẫu thuật. Thậm chí cả khi khối u không thể lấy bỏ được bằng phẫu thuật hoặc xạ trị thì điều trị tia xạ có thể giúp giảm đau và giúp bệnh nhân nuốt dễ dàng hơn.

5.3 Hóa trị liệu

Hóa chất có thể kết hợp xạ trị như biện pháp điều trị khởi đầu thay cho phẫu thuật hoặc nhằm làm giảm kích thước u trước phẫu thuật.

5.4 Điều trị laser

Laser được sử dụng nhằm phá hủy tổ chức ung thư và giải phóng vùng tắc nghẽn của ung thư thực quản giúp làm giảm triệu chứng khó nuốt.

5.5 Điều trị quang động học

Có thể sử dụng liệu pháp quang động học giúp giảm các triệu chứng khó nuốt của ung thư thực quản.

Để biết điều trị ung thư thực quản bằng phương pháp nào hiệu quả thì bạn cần phải thăm khám, dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán mức độ cũng như giai đoạn của ung thư, từ đó sẽ xác định phương pháp điều trị thích hợp, mang lại hiệu quả điều trị tích cực hơn.

6. Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư thực quản

Dinh dưỡng trong điều trị ung thư thực quản là rất quan trọng vì hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng khó nuốt, cảm giác mệt mỏi, ăn không ngon, chán ăn,…Do đó, người bệnh nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng sau:

6.1 Ung thư thực quản nên ăn uống gì?

ung-thu-thuc-quan-bieu-hien-nguyen-nhan-va-phuong-phap-chua-tri-voh-2

Người bệnh ung thư thực quản nên ăn thức ăn mềm (Nguồn: Internet)

  • Sữa, sữa chua và bánh mềm: Những thực phẩm này có đặc tính là mềm, dễ tiêu hóa sẽ giúp người bệnh dễ ăn và dễ nuốt. Bên cạnh đó, chúng còn giúp cung cấp một nguồn năng lượng dồi dào, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, cải thiện tình trạng sức khỏe.
  • Trứng: Trứng là thực phẩm giàu protein, giúp cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh ung thư thực quản. Trong khi điều trị ung thư thực quản, khi chế biến cháo hoặc súp, người bệnh nên cho thêm trứng vào, tránh ăn trứng luộc vì có thể gây nghẹn, trứng rán vì chứa dầu mỡ không tốt cho sức khỏe.
  • Rau xanh và nước trái cây: Các loại rau củ quả và sinh tố trái cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Nếu không thể ăn các loại trái cây cứng thì bệnh nhân có thể uống dưới dạng nước ép cũng rất tốt cho sức khỏe.

6.2 Ung thư thực quản không nên ăn gì?

Để chữa bệnh ung thư thực quản hiệu quả, người bệnh cần tránh một số thực phẩm sau: 

  • Kiêng hẳn rượu bia và cà phê trong quá trình điều trị ung thư thực quản.
  • Tránh sử dụng những thực phẩm có chứa nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, thịt đông lạnh, đóng hộp,…
  • Tránh thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng.
  • Tránh thực phẩm cứng, gây khó khăn trong việc nhai, nuốt.
  • Tránh các thực phẩm chua vì chúng có thể gây kích thích cổ họng, khiến họng khó chịu, bệnh ung thư thực quản sẽ lâu lành hơn.

Lời khuyên: Dấu hiệu ung thư thực quản giai đoạn đầu tuy khó nhận biết nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể phát hiện sớm căn bệnh này thông qua việc tầm soát ung thư. Chính vì thế, khi có những triệu chứng bất thường trên cơ thể, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sớm nhất. Cơ hội để bạn chữa khỏi căn bệnh này là phát hiện sớm và tích cực điều trị.

Bình luận