Ung thư tinh hoàn: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị

(VOH) - Tinh hoàn là bộ phận sinh sản quan trọng của nam giới. Vậy nếu mắc bệnh ung thư tinh hoàn thì nam giới có cơ hội làm cha sau này hay không? hãy tìm hiểu ngay thông tin hữu ích về căn bệnh này.

1. Ung thư tinh hoàn là gì?

Ung thư tinh hoàn là một dạng ung thư phát triển ở tinh hoàn của nam giới. Tinh hoàn là bộ phận của tuyến sinh dục nam nằm ở bìu. Nó có vai trò sản xuất và dự trữ tinh trùng, đồng thời cũng tham gia vào hệ nội tiết với vai trò sản xuất ra hormone testosterone. Ung thư tinh hoàn là sự phát triển khối u ác tính xuất phát từ một trong hai tinh hoàn của nam giới.

ung-thu-tinh-hoan-dau-hieu-nhan-biet-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-1

Ung thư tinh hoàn là loại ung thư ít gặp ở nam giới (Nguồn: Internet)

Các giai đoạn của bệnh ung thư tinh hoàn gồm có:

  • Giai đoạn I: Ung thư chỉ khu trú ở tinh hoàn.
  • Giai đoạn II: Bệnh đã lan rộng tới những hạch bạch huyết phụ cận.
  • Giai đoạn III: Bệnh đã lan ra khỏi tinh hoàn.

2. Đối tượng nào dễ mắc bệnh ung thư tinh hoàn?

Ngày nay, ung thư tinh hoàn là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới trong độ tuổi từ 15 – 35 tuổi. Khoa Nam học (Bệnh viện Bình Dân TPHCM) cho biết, từ năm 2017 – 2018 đã tiếp nhận điều trị 141 trường hợp bị ung thư tinh hoàn và hầu hết bệnh nhân đều còn rất trẻ. Đặc biệt, có nhiều trường hợp bệnh nhân mới chỉ từ 16 đến 19 tuổi.

Nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn đến nay vẫn chưa được rõ. Tuy nhiên, các bác sĩ biết rằng ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh bên trong tinh hoàn phân chia và phát triển bất thường.

Thông thường, những tế bào tinh hoàn tăng trưởng và phân chia có trật tự, nhưng đôi khi có một số tế bào phát triển bất thường, làm cho sự tăng sinh này vượt ngoài tầm kiểm soát, gọi là tế bào ung thư. Những tế bào ung thư này tiếp tục phân chia ngay cả khi không cần thêm tế bào mới. Tế bào ung thư tích tụ lại thành khối u ác tính trong tinh hoàn.

ung-thu-tinh-hoan-dau-hieu-nhan-biet-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-2

Ung thư tinh hoàn thường gặp ở nam giới trẻ tuổi (Nguồn: Internet)

Một số yếu tố thuận lợi cho ung thư tinh hoàn phát triển là tinh hoàn chưa xuống bìu, loạn sản tế bào sinh dục bao gồm cả teo tinh hoàn và các rối loạn vô sinh. Một số yếu tố môi trường, đặc biệt là nội tiết tố, nguồn gốc do mất thăng bằng tuyến nội tiết trong thời kỳ bào thai cũng có thể trở thành điều kiện gây bệnh thuận lợi.

3. Dấu hiệu nhận biết ung thư tinh hoàn

Dấu hiệu nhận biết ung thư tinh hoàn là người bệnh cảm nhận được một khối u hay chỗ sưng ở trên và xung quanh tinh hoàn. Khối u này có thể gây đau hoặc không đau. Các biểu hiện ung thư tinh hoàn khác bao gồm:

  • Cảm thấy nặng bìu.
  • Đau âm ỉ vùng bụng hay bẹn.
  • Tụ dịch trong bìu.
  • Đau hoặc khó chịu ở tinh hoàn hay bìu.
  • Đau lưng.
  • Phình hoặc căng, đau vú. Điều này là do một loại tế bào ung thư tiết ra hormone HCG kích thích sự phát triển của ngực.
group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi-1
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới

4. Ung thư tinh hoàn sống được bao lâu?

Ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh lên tới 95%. Theo thống kê tại Mỹ năm 2018 có 8.500 trường hợp bị ung thư tinh hoàn mới mắc nhưng chỉ có 350 trường hợp tử vong.

Ung thư tinh hoàn là loại ung thư không lây nhiễm và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Đối với ung thư tinh hoàn đã di căn thì tỷ lệ chữa thành công là trên 73%. Tùy vào giai đoạn và mức độ di căn của ung thư mà tỷ lệ chữa lành bệnh có thể lên đến 99%.

5. Các biện pháp điều trị ung thư tinh hoàn

Điều trị ung thư tinh hoàn phụ thuộc vào loại ung thư (u dòng tinh, u không phải dòng tinh) và giai đoạn của bệnh. Điều trị bao gồm các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

5.1. Đối với u tinh

Giai đoạn đầu, bệnh nhân được xạ trị vào vùng dưới cơ hoành, chủ yếu vào hạch chậu bẹn, hạch cạnh động mạch chủ. Giai đoạn sau có thể sử dụng hóa chất bổ trợ.

5.2. Đối với u không phải dòng tinh

Phẫu thuật kèm theo vét hạch được áp dụng trong trường hợp khối u nhỏ, u không phải dòng tinh ở giai đoạn sớm. Xạ trị nếu u đã lan sang các hạch bạch huyết lân cận. Hóa trị nếu bệnh đã di căn xa.

ung-thu-tinh-hoan-dau-hieu-nhan-biet-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-3

Ung thư tinh hoàn phát hiện càng sớm cơ hội chữa khỏi càng cao (Nguồn: Internet)

Loại bỏ một tinh hoàn sẽ không ảnh hưởng đến khả năng tình dục hay sinh con của nam giới. Tuy nhiên, khuyến cáo người bệnh nên thu giữ tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng trước khi phẫu thuật, vì một số thuốc điều trị ung thư tinh hoàn có thể gây mất tinh trùng, ảnh hưởng đến việc sinh con sau này.

Lời khuyên: Tự khám bìu được khuyến khích cho tất cả bệnh nhân từng bị ung thư tinh hoàn đã được điều trị để phát hiện sớm bệnh có thể tái phát. Nam giới có thể tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách dùng 2 tay nhẹ nhàng đưa đi đưa lại các viên tinh hoàn. Kiểm tra xem có u bướu gì bất thường không. Sờ nắn nhẹ tinh hoàn xem có thấy đau, có u nhỏ không. Kiểm tra vùng tinh hoàn ngay sau khi tắm bằng nước ấm, nước ấm làm giãn bìu, da vùng bìu đang mềm giúp dễ phát hiện bất thường ở tinh hoàn. Nếu tinh hoàn bị sưng, có u cục cứng dù nhỏ cũng cần đến khoa tiết niệu và sinh dục để thăm khám.

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới
Bình luận