Viêm bao hoạt dịch là bệnh gì? Đối tượng nào dễ mắc phải?

(VOH) – Cùng với viêm dây chằng hay viêm xương khớp, viêm bao hoạt dịch cũng là một bệnh lý khá thường gặp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở người trường thành.

1. Viêm bao hoạt dịch là bệnh gì?

Bao hoạt dịch là một túi chứa chất dịch khớp nằm giữa sụn khớp, dây chằng và màng hoạt dịch. Có tác dụng như chất đệm khớp nhằm hạn chế các tác động của trọng lực tác động động vào khớp. Đồng thời cũng bảo vệ dịch khớp ổn định để dinh dưỡng cho khớp và các bộ phận xung quanh khớp như: cơ bắp, gân, da, từ đó giúp các cử động được dễ dàng hơn.

Viêm bao hoạt dịch được hiểu là sự viêm (sưng, đỏ) tại bao hoạt dịch. Khi bao hoạt dịch bị viêm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khớp, dây chằng và các cơ, nhất là những khớp phải cử động thường xuyên. Bệnh có xu hướng tái phát sau khi điều trị, trừ khi nguyên nhân gây ra bị ngăn chặn. Chính vì thế, nếu không phát hiện sớm và chữa kịp thời có thể sẽ để lại biến chứng xấu.

Viêm bao hoạt dịch có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhưng viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay, khớp vai, hông, khớp cổ chân, khớp gối, ngón chân cái (trong bệnh gout)... thường có tỷ lệ cao hơn các khớp khác.

viem-bao-hoat-dich-la-benh-gi-doi-tuong-nao-de-mac-phai-voh

Viêm bao hoạt dịch có thể xuất hiện ở khớp cổ tay, khớp vai, hông, khớp cổ chân, khớp gối, ngón chân cái... (Nguồn: Internet)

Tất cả mọi người đều có thể bị viêm bao hoạt dịch. Tuy nhiên, càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao hơn, đặc biệt có liên quan đến nghề nghiệp phải lặp đi lặp lại một hoạt động nhiều lần, ví dụ như nhạc công, họa sĩ,....

2. Các nguyên nhân có thể dẫn đến viêm bao hoạt dịch

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm bao hoạt dịch, tuy nhiên một số nguyên nhân dưới đây được xem là điển hình nhất có thể gây ra viêm bao hoạt dịch:

  • Hoạt động nhiều và liên tục: Khi hoạt động một hay nhiều động tác thường xuyên và liên tục khiến các bao hoạt dịch quanh khớp bị kích thích và dễ bị viêm. Ví dụ: những người thường xuyên phải quỳ gối, tỳ khủy tay trong thời gian quá lâu hay sử dụng cổ tay, cánh tay, cổ chân để thực hiện hoạt động nào đó thường xuyên lâu ngày... đều rất dễ bị viêm bao hoạt dịch.
  • Chấn thương: Bao hoạt dịch nằm ngay dưới da ở các khớp gối, khớp khủy tay,... vì thế nếu các khớp này bị chấn thương thì rất có thể làm bao hoạt dịch bị tổn thương và gây viêm.
  • Do nghề nghiệp hay sở thích: Những người có nghề nghiệp bắt buộc hoặc có sở thích nào đó mà phải hoạt động một khớp thường xuyên cũng khiến khớp đó chịu nhiều áp lực, bao hoạt dịch sẽ dễ bị tổn thương và gây ra tình trạng viêm bao hoạt dịch. Ví dụ như người chơi tennis thường hay bị viêm bao hoạt dịch ở điểm bám gân vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay.
  • Tuổi tác: Những người tuổi cao, xương khớp bị lão hóa làm mất đi độ chắc khỏe, trở nên suy yếu và dẫn đến viêm bao hoạt dịch.
  • Các bệnh lý toàn thân: Thấp khớp, bệnh gout, bệnh tiểu đường cũng có thể là những nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch.

3. Viêm bao hoạt dịch có những triệu chứng nào?

Ttriệu chứng của bệnh viêm bao hoạt dịch thường rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm khớp hay viêm dây chằng. Các triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Khớp bị sưng, nóng đỏ, đôi khi cứng khớp làm hạn chế hoạt động.
  • Các khớp đau, nhức, bên ngoài có thể thấy khớp bị sưng đỏ, bầm tím hoặc phát ban tại vùng khớp bị viêm, khi ấn vào khớp bị viêm bao hoạt dịch sẽ rất đau hoặc di chuyển nhẹ cũng có thể gây đau nhiều.
  • Có thể xuất tiết dịch nhiều gây ứ dịch trong bao hoạt dịch hoặc tràn dịch khớp.

viem-bao-hoat-dich-la-benh-gi-doi-tuong-nao-de-mac-phai-1-voh

Khi phát hiện các triệu chứng viêm bao hoạt dịch nên đi thăm khám và điều trị sớm (Nguồn: Internet)

Thông thường các cơn đau do viêm bao hoạt dịch gây ra có thể kéo dài đến 2 tuần. Do đó, khi thấy có các biểu hiện như:

  • Cơn đau kéo dài hơn 1 tuần không giảm.
  • Sưng quá nhiều, tấy đỏ, bầm tím hoặc phát phát ban khu vực bị ảnh hưởng.
  • Đau nhói bất thình lình, đặc biệt là khi đang tập thể dục.
  • Xuất hiện triệu chứng sốt.

Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh. Việc chậm trễ kéo dài chỉ khiến nặng thêm và có thể gây ra những biến chứng như: thấp khớp, tràn dịch khớp, tê liệt khớp dễ dấn bại liệt, u nang bao hoạt dịch từ đó ảnh hưởng đến hệ vận động...

4. Viêm bao hoạt dịch có thể điều trị bằng cách nào?

Viêm bao hoạt dịch có thể điều trị khỏi nếu được thăm khám sớm. Để biết chắc chắn có bị viêm bao hoạt dịch hay không, người bệnh cần phải:

  • Chụp Xquang, siêu âm khớp, hoặc thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI)  để biết tình trạng của khớp, dịch khớp (tràn dịch khớp).
  • Thực hiện xét nghiệm máu, chọc dịch khớp để tìm nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch.

Nguyên tắc điều trị viêm bao hoạt dịch chủ yếu là điều trị bảo tồn như giảm đau. Biện pháp điều trị thông dụng nhất ở giai đoạn đầu là tự làm giảm đau (chườm đá, nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau...). Có thể phối hợp với các phương pháp trị liệu vật lý như nhiệt trị liệu, sóng ngắn trị liệu hay hồng ngoại trị liệu.

Với những trường hợp nặng sẽ cần can thiệp bằng thủ thuật chọc hút dịch khớp nhằm thoát dịch, bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cụ thể cho người bệnh biết để lựa chọn.

5. Cách phòng ngừa viêm bao hoạt dịch

Để phòng ngừa viêm bao hoạt dịch, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao nên thay đổi lối sống, làm việc như:

  • Cần nghỉ ngơi giải lao giữa giờ, không ngồi ghế có nền cứng...
  • Hạn chế hoặc tránh mang vật nặng ảnh hưởng đến bao hoạt dịch khớp vai, khớp gối, khớp cổ chân...
  • Trước khi tập thể dục nên có các động tác khởi động nhẹ nhàng trước nhằm làm nóng bao hoạt dịch, khớp xương, dây chằng, các cơ liên quan đến khớp và bao khớp.
  • Những người tăng cân hoặc có xu hướng tăng cân nên có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để giảm cân. Bởi béo phì, tăng trọng lượng cơ thể sẽ gây tác động lên các cơ xương khớp và bao hoạt dịch.
Bình luận