Viêm phổi nên ăn gì để sớm hồi phục, tránh bệnh phát triển?

( VOH ) - Những lưu ý về cách chọn lựa thực phẩm để người mắc bệnh viêm phổi xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học nhằm hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất.

Mặc dù thực phẩm không phải là thuốc chữa bệnh nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bệnh nhân viêm phổi sớm phục hồi và đẩy lùi được bệnh. Vậy viêm phổi nên ăn gì?

1. Bị viêm phổi nên ăn gì?

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng chế độ ăn cho bệnh nhân viêm phổi nên “có mặt” những thực phẩm sau đây:

1.1 Trái cây và rau nhiều màu sắc

Trái cây và rau quả là nguồn cung cấp hàng đầu chất chống oxy hóa, giúp cơ thể chống và chữa lành các bệnh nhiễm trùng. Một nghiên cứu được công bố trong "Sức khỏe Dinh dưỡng cộng đồng" liên quan đến 1.034 phụ nữ cho thấy rằng những phụ nữ tiêu thụ chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ ít có khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi trong khi mang thai.

Vì thế, những người bị viêm phổi nên ăn nhiều các loại trái cây và rau, đặc biệt là rau nhiều màu sắc, trái cây đậm màu và cà chua. Bạn có thể ăn trái cây và rau tươi hoặc nấu chín, hay cũng có thể chế biến thành các món ăn lành mạnh như súp, sinh tố.

viem-phoi-nen-an-gi-de-som-hoi-phuc-tranh-benh-phat-trien-voh-1

Trái cây và rau củ nhiều màu sắc tốt cho người bệnh viêm phổi (Nguồn: Internet)

1.2 Các loại ngũ cốc nguyên hạt

Các vitamin B trong ngũ cốc nguyên hạt đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng và kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Ngũ cốc cũng là một nguồn cung cấp selenium dồi dào, đây là một khoáng chất hỗ trợ chức năng của hệ miễn dịch và phòng chống ung thư.

Người bệnh viêm phổi có thể ăn các loại ngũ cốc dinh dưỡng như yến mạch, gạo lứt, bắp rang hoặc lúa mạch,…

1.3 Thực phẩm giàu protein

Protein đóng vai trò quan trọng trong việc sửa chữa mô và tăng chức năng miễn dịch. Người bệnh viêm phổi nên chọn những nguồn đạm ít chất béo bão hòa như đậu, đậu lăng, gia cầm không da, thịt trắng và cá.

Cá nước lạnh như cá hồi và cá mòi, cung cấp một lượng lớn protein và chất béo omega-3, đây là chất chống viêm cho cơ thể rất tốt.

1.4 Uống nhiều nước

Nước có vai trò quan trọng trong việc phục hồi bệnh viêm phổi, vì khi uống nước nhiều sẽ giúp cơ thể đào thải những chất độc hại, làm cho phổi sạch và khỏe mạnh hơn.

1.5 Nước trà xanh

Trà xanh không những có tác dụng làm giảm đi những căng thẳng mệt mỏi mà trong thành phần của trà xanh còn có những chất chống oxy hóa, chất này có tác dụng tích cực đối với người bị viêm phổi.

Ngoài ra, chất chống oxy hóa trong trà xanh còn có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh ung thư, trong đó có bệnh ung thư phổi.

Như vậy, song song với việc điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh viêm phổi nên chọn những thực phẩm trên để đưa vào thực đơn mỗi ngày, nhằm giúp sức khỏe hồi phục nhanh hơn.

2. Bị viêm phổi kiêng ăn gì?

Bên cạnh những thực phẩm nên ăn thì người bệnh cũng cần tránh một số thực phẩm dưới đây:

2.1 Rượu bia và thuốc lá

viem-phoi-nen-an-gi-de-som-hoi-phuc-tranh-benh-phat-trien-voh-2

Đã bị viêm phổi thì cần phải kiêng bia rượu và thuốc lá (Nguồn: Internet)

Người bị viêm phổi nếu không muốn bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu thì nhất định phải kiêng rượu bia và thuốc lá, bởi những thứ này có sức tàn phá lớn đối với sức khỏe, mà cơ quan chịu ảnh hưởng nặng nhất chính là phổi.

2.2 Thực phẩm nhiều dầu mỡ

Thức ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ lúc nào cũng hấp dẫn người ăn nhưng đây chính là tác nhân phá hoại sức khỏe, đặc biệt là đối với bệnh nhân viêm phổi.

2.3 Kiêng thực phẩm gây đầy hơi

Một số nước uống có ga hoặc thức ăn chứa nhiều dầu mỡ chính là nguyên nhân gây đầy hơi. Chứng đầy hơi có thể làm tăng áp lực lên các cơ hoành, khiến tình trạng khó thở trở nên nặng hơn. Do đó, người bệnh viêm phổi nên kiêng các loại thực phẩm này.

2.4 Thực phẩm chứa nitrat

Nghiên cứu gần đây đã phát hiện rằng việc ăn lượng lớn nitrat có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của viêm phổi, thậm chí có thể gây nên các đợt viêm phổi cấp  khiến bệnh nhân phải viện.

Những thực phẩm chứa lượng lớn nitrat bao gồm xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội hoặc những thực phẩm chế biến sẵn.

Lời khuyên: Bên cạnh chế độ dinh dưỡng khoa học thì bạn cần cân nhắc về chế độ luyện tập hợp lý để tình trạng bệnh có những chuyển biến tích cực hơn.

Bình luận