Viêm xoang sàng và những kiến thức nên biết

(VOH) - Viêm xoang sàng là một chứng bệnh viêm xoang phổ biến. Vậy viêm xoang sàng là gì, nhận biết và điều trị ra sao? bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

1. Viêm xoang sàng là gì?

Xoang sàng là xoang nằm giữa 2 bên mắt, bên dưới trán, xoang gồm 4 khoang rỗng thông với nhau. Viêm xoang sàng là tình trạng niêm mạc ở các xoang bị viêm nhiễm gây bít tắc, sinh dịch mủ ứ đọng tạo áp lực lên vùng xoang sàng.

Viêm xoang sàng gồm có 2 loại:

  • Viêm xoang sàng trước: Xoang sàng trước nằm ở khu vực tiếp giáp giữa xoang trán – xoang hàm, hốc mũi – hốc mắt. Khi khu vực quanh 2 hốc mắt và sống mũi bị viêm đau thì nguy cơ cao, người bệnh bị viêm xoang sàng trước.
  • Viêm xoang sàng sau: Xoang sàng sau nằm ở phía sau xoang sàng trước, về phía sau gáy. Xoang sàng sau khi bị viêm sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau vùng sau gáy, từ đầu lan xuống tới vai, ảnh hưởng đến 2 mắt gây viêm, sưng, đỏ mắt, chảy ghèn. Nếu nặng, mắt sẽ bị mờ hoặc có thể mù.

viem-xoang-sang-va-nhung-kien-thuc-nen-biet-voh

Vị trí nhận diện các xoang (Nguồn: Internet)

2. Dấu hiệu nhận biết viêm xoang sàng

Bạn có thể nhận biết viêm xoang sàng qua các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

2.1 Đau nhức đầu

Ở người bị viêm xoang sàng, cơn đau âm ỉ biểu hiện rõ ở vùng 2 bên thái dương và khu vực giữa 2 khóe mắt bên dưới trán một chút, đỉnh đầu, chỗ gần trán và phía trên sống mũi, vùng sau gáy,…

2.2 Đàm vướng trong cổ họng

Đàm (đờm) trong xoang có thể chảy xuống cổ họng, phía sau thành họng gây cảm giác ngứa ngáy, vướng víu trong cổ họng rất khó chịu. Điều này khiến người bệnh thường xuyên ho và khạc nhổ liên tục. Một số người còn bị khó thở, thở khò khè khi ngủ.

2.3 Miệng có mùi hôi

Dịch nhầy do viêm nhiễm chảy xuống họng gây ra mùi hôi trong miệng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt, công việc, giao tiếp của người bệnh.

2.4 Thị lực giảm, mắt mờ

Người bệnh viêm xoang sàng có thị lực giảm sút, đôi khi mắt mờ hoặc nhòe. Trường hợp bệnh nặng có thể gây mất thị lực.

viem-xoang-sang-va-nhung-kien-thuc-nen-biet-voh

Viêm xoang sàng có thể gây nhức đầu mà mờ mắt (Nguồn: Internet)

2.5 Có cảm giác nặng bên trong tai

Nếu bị viêm xoang sàng, người bệnh cũng có thể thấy ù tai, choáng váng.

2.6 Bị ho

Người bệnh bị ho do dịch nhầy chảy xuống cổ họng (không chảy ra mũi) gây khó chịu, thậm chí người bệnh khó thở, viêm nhiễm vùng cổ họng. Triệu chứng ho xuất hiện nhiều vào ban đêm.

3. Vì sao bị viêm xoang sàng?

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang sàng, trong đó phổ biến nhất là do:

  • Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất, bụi bẩn, khói thuốc lá.
  • Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể không kịp thích ứng, kết hợp với hệ miễn dịch suy giảm.
  • Bị vi khuẩn, virus tấn công vào đường hô hấp gây viêm nhiễm.
  • Hốc xoang có cấu trúc đặc biệt, nhiều hang hốc nên bị ứ đọng dịch nhầy, vi khuẩn, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.

4. Viêm xoang sàng có nguy hiểm không?

Viêm xoang sàng nói riêng và viêm xoang nói chung nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm do các xoang nằm ở vị trí gần mắt, sọ não. Một số biến chứng nguy hiểm có thể kể như:

  • Các biến chứng về mắt như viêm mí mắt, mờ mắt, viêm dây thần kinh thị giác, áp xe nhãn cầu, suy giảm hoặc mất thị lực.
  • Các biến chứng đường hô hấp dưới, vùng họng như viêm amidan, viêm họng, áp xe họng.
  • Viêm tai: Tình trạng viêm nhiễm lan tỏa đến tai gây viêm tai giữa, tạo mủ bên trong tai. Nếu tiến triển, mủ trong tai tạo áp lực lên màng nhĩ dẫn đến thủng màng nhĩ gây điếc. Trường hợp nặng gây ra viêm màng não mủ, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, khi có dấu hiệu viêm xoang, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và được hướng dẫn điều trị đúng cách.

5. Cách trị viêm xoang sàng hiện nay

Viêm xoang sàng có thể điều trị nội khoa hay phẫu thuật tùy vào mức độ viêm.

5.1 Điều trị viêm xoang sàng nội khoa

  • Dùng thuốc điều trị viêm xoang

Khi dùng thuốc điều trị viêm xoang, thuốc phải được dẫn vào trong xoang và có tác dụng đủ mạnh để tiêu diệt được nấm, vi khuẩn nhằm giảm bớt lượng dịch mủ gây ứ tắc trong xoang.

Các loại thuốc chống nghẹt mũi có tác dụng tức thời nhưng dùng liều cao và trong thời gian dài sẽ bị phụ thuộc thuốc.

  • Các biện pháp hỗ trợ

Xông mũi với tinh dầu giúp làm loãng các chất dịch, làm thông thoáng mũi. Bạn có thể nấu nước với các loại lá có tinh dầu hoặc mua những lọ tinh dầu có bán ngoài thị trường để nhỏ vào nước nóng dùng xông mũi. Tinh dầu sẽ giúp xoa dịu cơn đau nhức và giúp cơ thể được thư giãn.

viem-xoang-sang-va-nhung-kien-thuc-nen-biet-voh

Xông mũi bằng tinh dầu có thể giúp giảm bệnh viêm xoang sàng (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, ăn tỏi cũng rất tốt cho những người mắc bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang.

Bạn cũng có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý 1 – 2 lần mỗi ngày để kháng khuẩn, diệt virus, giúp mũi sạch và dễ chịu hơn.

5.2 Điều trị viêm xoang ngoại khoa

Khi áp dụng các phương pháp nội khoa mà không có tác dụng hoặc khi viêm xoang sàng nặng thì bác sĩ sẽ xem xét việc thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật được chỉ định nhiều nhất là FESS (phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng ) giúp phục hồi sự lưu thông khí và dẫn lưu của phức hợp lỗ thông mũi xoang.

Lưu ý, một số loại phẫu thuật chỉnh hình mũi như phẫu thuật lệch vách ngăn mũi, ít có tác dụng với viêm xoang sàng hay viêm xoang bướm.

6. Phòng tránh viêm xoang sàng tái phát

Tiếp xúc với các yếu tố dị ứng, môi trường ô nhiễm, mầm bệnh là nguyên nhân khiến bệnh viêm xoang sàng tái phát trở lại. Vì vậy, bạn cần lưu ý:

  • Mỗi khi đi ra đường cần mang khẩu trang để tránh hít phải bụi, phấn hoa, khói thuốc lá,…Mang mặt nạ chống độc hại khi làm việc trong môi trường nhiều hóa chất, khói bụi.
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tránh hít không khí quá lạnh, quá khô hoặc ngồi trước luồng gió máy lạnh, máy quạt.
  • Giữ nhiệt độ quanh mũi, họng ổn định, giữ ấm cổ khi trời lạnh đột ngột.

Trên đây là một số thông tin về căn bệnh viêm xoang sàng, hy vọng giúp bạn sớm nhận biết và điều trị kịp thời, bên cạnh đó biết cách phòng tránh tái phát hiệu quả.

Bình luận