Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh tươi ngon

(VOH) – Cùng với lựa chọn thực phẩm chất lượng, tươi ngon thì chúng ta cũng cần chú ý công đoạn bảo quản chúng. Vậy làm thế nào để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh tươi ngon lâu nhất?

Để hạn chế ra ngoài và mua sắm nhiều lần, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, các bà nội trợ thường lựa chọn phương án chọn nhiều loại thực phẩm trong một lần rồi cất trữ vào tủ lạnh. Thế nhưng nếu “tranh thủ” như vậy mà không nắm rõ quy tắc bảo quản thực phẩm, dẫn tới hư hỏng và gây ra sự lãng phí không đáng có.

Chính vì vậy, bài viết này sẽ “mách nhỏ” bạn một vài mẹo bảo quản rau củ quả cùng thực phẩm tươi sống đúng cách, để sử dụng trong thời gian dài và hạn chế những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

1. Cách bảo quản rau củ trong tủ lạnh

Thông thường các loại rau củ quả thường được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh tối đa 7 ngày, với nhiệt độ lý tưởng từ 3 – 5 độ C. Tuy nhiên, “thế giới” của rau củ quả vốn rất đa dạng nên quy trình bảo quản của từng loại sẽ có sự khác biệt.

Sau khi mua về, việc bạn cần làm trước tiên là hãy phân loại chúng thành 4 nhóm gồm: rau xanh, củ, nấm và trái cây, rồi áp dụng phù hợp các nguyên tắc dưới đây:

1.1 Các loại rau xanh

Có khá nhiều băn khoăn không biết có nên rửa rau trước khi cho vào tủ lạnh không thì lời khuyên là nên rửa, cắt bỏ phần bị héo và nhũn thối, để thật ráo rồi cất trữ trong túi zip, hộp bảo quản rau riêng biệt.

Trong trường hợp kích thước tủ lạnh nhỏ hay bạn không có đủ số lượng hộp, hãy giữ các loại rau khô ráo (có thể không cần rửa trước), dùng màng bọc thực phẩm quấn kín nhiều lớp và xếp gọn gàng trong tủ lạnh là hợp lý nhất.

Ngoài ra, với các loại rau gia vị (rau thơm) như rau mùi, thì là, cần tây, hành lá…sau khi rửa sạch bụi bẩn và không cắt rễ, bạn ngâm chúng trong lọ nước, đậy kín hoặc cắm một phần trong nước như cắm hoa rồi bọc túi zip bảo quản thực phẩm phủ phía trên.

cach-bao-quan-thuc-pham-trong-tu-lanh-tuoi-ngon-voh-0
Sử dụng túi zip, hộp đựng thực phẩm chuyên dụng để bảo quản rau xanh trong tủ lạnh (Nguồn: Internet)

1.2 Các loại củ

Thời gian sử dụng của củ thường dài hơn so với rau xanh và phần lớn không cần phải ngâm rửa, gọt vỏ hay cắt nhỏ trước khi cất trữ. Đối với các loại củ, bạn nên bảo quản trong những túi giấy sẫm màu, có đục lỗ thông thoáng, tuyệt đối không dùng túi ni lông để tránh tình trạng bí hơi, làm củ nhanh thối hỏng.

Xem thêm: 4 cách nhanh chóng và dễ dàng để làm những chiếc túi giấy xinh xắn nhất

1.3 Bảo quản các loại nấm

Các loại nấm thuộc nhóm thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhưng lại chứa hàm lượng chất đạm tương đối dồi dào nên thường được tin chọn và dùng thay thế cho thịt cá. Cũng giống như các loại củ, hầu hết chúng ta không phải ngâm rửa nấm nếu chưa sử dụng tới để tránh bị thối hỏng, hãy thực hiện các bước sau trước khi đem cất trong tủ lạnh:

  • Dùng khăn giấy hoặc miếng vải sạch lau sạch bụi bẩn bám trên bề mặt nấm.
  • Bọc kín nấm trong túi zip (ép kín và không để không khí vào), rồi cất trữ trong ngăn đông của tủ lạnh khoảng 30 ngày.
  • Riêng với nấm bào ngư thì nên cắt rễ, luộc sơ qua với nước muối khoảng 10 – 15 giây, để nguội và thật ráo nước trước khi cất tủ lạnh.

Lưu ý: Khi muốn giã đông nấm, hãy để nấm vào ngăn mát tủ lạnh trước thời điểm chế biến khoảng 3 - 4 tiếng, tránh để bên ngoài không khí.

1.4 Trái cây

Theo phân tích dinh dưỡng, trái cây có đặc tính sản sinh nhiều ethylene – hoạt chất đẩy nhanh quá trình chín, do đó cần sắp xếp một ngăn bảo quản riêng và không để gần các loại rau củ, nhằm hạn chế tình trạng bị nhũn nát, thối hỏng.  

Bạn có thể ngâm rửa chúng song phải đảm bảo chúng ráo nước trước khi đem cất. Ngoài ra, nên phân loại quả vào từng túi lưới có lỗ thông khí, không để chung các loại khác nhau trong cùng một túi.

cach-bao-quan-thuc-pham-trong-tu-lanh-tuoi-ngon-voh-1
Nên để các loại trái cây tách biệt nhau để tránh bị hư hỏng (Nguồn: Internet)

2. Cách bảo quản thịt, cá, hải sản trong tủ lạnh

Bảo quản những loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá hay hải sản sẽ cầu kì hơn rau củ quả bởi bạn phải dành thời gian sơ chế sạch chúng trước khi cất trữ trong ngăn đông tủ lạnh, với nhiệt độ ở mức -18 độ C.

2.1 Các loại cá và hải sản

Để duy trì độ tươi ngon của cá và các loại hải sản cũng như hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, bạn nên thực hiện một số lưu ý bảo quản này:

Các loại cá

  • Cạo bỏ vảy cá, cắt mang cá và lọc bỏ ruột cá, rửa sạch với nước muối hoặc dùng chanh sát trực tiếp lên thân cá.
  • Cho cá vào túi zip hoặc hộp rồi cất lên ngăn đông. Nên chia sẵn số lượng cá cho từng bữa ăn để ăn tới đâu giã đông tới đó.

Hải sản (tôm, cua, ghẹ, mực,…)

  • Mực: Lọc bỏ phần ruột bên trong, bóc nhẹ lớp da mỏng bao quanh bên ngoài rồi làm sạch với giấm ăn hoặc chanh, để ráo rồi đem cất trong túi đựng thực phẩm.
  • Tôm: Cắt bỏ phần râu tôm, tách phần đầu ra riêng, rửa sơ qua. Sau khi tôm ráo nước thì đem cất trong túi hoặc hộp. Nếu sử dụng trong ngày thì để ngăn mát, còn muốn trữ dài ngày nên để cấp đông.
  • Cua, ghẹ: Rửa sạch bụi bẩn, cát bám dính bên ngoài rồi sau đó cất trong hộp đựng thực phẩm là được.
  • Hàu, sò, ngao: Nên ngâm trong nước khoảng 15 phút để chúng nhả hết cát, rong rêu rồi mới đem cất.

Xem thêm: Khi ăn hải sản bạn tuyệt đối không nên ăn những phần này

2.2 Các loại thịt

Nếu để bên ngoài (với nhiệt độ phòng thông thường) trong vòng 2 tiếng, các loại thịt như thịt bò, thịt heo, thịt gà hay thịt vịt rất dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, vì vậy công đoạn sơ chế cần nhanh chóng và cẩn thận. Theo đó, bạn nên sát muối lên bề mặt các loại thịt rồi rửa lại thật sạch với nước đun sôi để nguội.

  • Với thịt gà, thịt vịt, nên chặt nhỏ, hút chân không hoặc cho vào túi zip trước khi cấp đông. Còn thịt lợn hoặc thịt heo, có thể để nguyên miếng vào túi zip.
  • Chú ý giã đông thịt bằng cách để xuống ngăn mát tủ lạnh trước khi chế biến khoảng 4 – 5 tiếng.

Lời khuyên: Dù cất trữ bất cứ loại thực phẩm nào, bạn hãy nhớ vệ sinh, lau dọn tủ lạnh định kì 2 – 3 tuần một lần đấy nhé.

cach-bao-quan-thuc-pham-trong-tu-lanh-tuoi-ngon-voh-2
Cố gắng vệ sinh tủ lạnh đều đặn để vi khuẩn không tích tụ (Nguồn: Internet)

3. Lưu ý bảo quản thực phẩm không cần có tủ lạnh

Tủ lạnh giống như “vị cứu tinh” giúp chúng ta tích trữ rất nhiều loại thực phẩm trong thời gian dài, nhưng thực tế một số loại thực phẩm sau lại thường không được khuyến khích bảo quản trong tủ lạnh:

  • Các loại khoai (khoai tây, khoai lang, khoai môn,…): Bạn chỉ cần bọc khoai trong giấy báo, đặt ở nơi thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời.
  • Các loại củ gia vị (củ tỏi, củ hành tím,…): Nên phơi khô các loại củ này, đặt trong rổ thông thoáng (tránh để túi ni lông).
  • Cà chua: Chỉ nên cho cà chua vào tủ lạnh khi chúng có dấu hiệu chín hoặc nhiệt độ bên ngoài quá cao.
  • Các loại bí, bầu (bí đao, bí đỏ,...): Nên trải giấy báo trên sàn nhà, rồi đặt các loại quả này lên trên, đặt ở khu vực ít ánh nắng trực tiếp chiếu vào. 
  • Chuối: Chuối sẽ nhanh chín và chuyển màu thâm đen khi bạn cho vào tủ lạnh, hãy dùng màng thực phẩm bọc cuống chuối lại, đặt ở nơi thông thoáng trong phòng.

Có thể nói rằng nếu thực hiện bảo quản thực phẩm đúng cách, bạn vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị cũng như các chất dinh dưỡng mà chúng đem lại. Vì thế hãy lưu ngay những bí kíp quan trọng trên đây để dùng tới khi cần nhé.

Bình luận