6 tác dụng của nước rau má đối với sức khỏe và làn da

(VOH) – Rau má là loại rau thanh mát mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Do đó, uống nước rau má cũng đem đến cho bạn những lợi ích tương tự. Cùng tìm hiểu tác dụng của nước rau má và cách pha chế ngon.

Mùa hè nóng nực khiến ai cũng phải tìm kiếm những loại thức uống giúp giải nhiệt cơ thể nhanh chóng. Một trong những loại nước được nhiều người ưa chuộng là nước rau má. Nước rau má không chỉ ngon, rẻ mà còn chứa đựng những lợi ích sức khỏe tuyệt vời.

1. Uống nước rau má có tác dụng gì?

Mỗi ngày uống một ly nước rau má, uống liên tục 1 tháng sau đó ngưng khoảng nửa tháng rồi lại uống lại sẽ giúp bạn có được những lợi ích sau đây:

1.1 Thanh nhiệt, làm đẹp da

Một trong những tác dụng của nước rau má là giúp thanh nhiệt cơ thể, giải tỏa cơn nóng khát mùa hè. Ngoài ra, rau má còn được biết đến nhưng một loại dược liệu giúp làm đẹp và dưỡng ẩm da hiệu quả.

1.2 Giảm mụn nhọt, rôm sảy

6-tac-dung-cua-nuoc-rau-ma-doi-voi-suc-khoe-va-lan-da-voh-0
Uống nước rau má giúp giảm tình trạng mụn nhọt, rôm sảy (Nguồn: Internet)

Một số người thường sử dụng rau má để làm giảm tình trạng mụn nhọt, rôm sảy, ngứa da, do rau má có tính hàn, có thể giúp thanh nhiệt, mát gan.

1.3 Chữa lành vết thương

Trong rau má có chứa thành phần triterpenoids – một hoạt chất giúp tăng cường chất chống oxy hóa, đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương. Do đó, uống nước rau má cũng giúp bạn chữa lành vết thương và làm mờ sẹo.

1.4 Tăng cường sức đề kháng, hạ sốt

Nhờ có chứa một lượng lớn beta-caroten, sắt, kẽm, calcium cùng các vitamin B1, B2, vitamin Cvitamin K, nên nước rau má là thức uống có thể giúp hỗ trợ giải độc, hạ sốt và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Ngoài ra, bạn còn có thể dùng nước rau má để chữa viêm họng, viêm amidan bằng cách giã nhuyễn rau má, chắt nước, hòa vào nước ấm để uống.

1.5 Giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi

Một trong những tác dụng của nước rau mát là giúp bạn giảm stress, căng thẳng và mệt mỏi. Hoạt chất triterpenoids trong rau má rất tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất của con người.

1.6 Cải thiện hệ tim mạch

Một số thành phần trong rau má có thể giúp làm giảm cholesterol trong máu, đồng thời hạn chế các tác nhân có thể gây xơ vữa động mạch. Vì thế, uống nước rau má là cách tốt để giúp bạn cải thiện sức khỏe hệ tim mạch.

Xem thêm: Xơ vữa động mạch máu và những hệ lụy sức khỏe không thể xem nhẹ

2. Cách làm nước rau má tươi, ngon, bổ dưỡng

Nước rau má thơm ngon và bổ dưỡng, ngoài nước rau má nguyên chất bạn còn có thể mix rau má với đậu xanh, sữa dừa... để tạo ra các loại thức uống có hương vị tuyệt vời.

2.1 Nước ép rau má nguyên chất

6-tac-dung-cua-nuoc-rau-ma-doi-voi-suc-khoe-va-lan-da-voh-1
Nước ép rau má nguyên chất (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau má
  • Nước lọc
  • Đường
  • Đá lạnh

Cách làm nước ép rau má nguyên chất

Rau má ngắt bỏ thân cứng rồi đem rửa sạch thật kỹ, sau đó để vào rổ cho ráo nước.

Cho rau má vào máy xay sinh tố xay rau má thật nhuyễn. Trong lúc xay cho vào một ít nước để xay được dễ dàng hơn.

Sau khi xay xong, dùng rây lọc bỏ bã rau má, lấy phần nước cốt.

Cho nước rau má vào ly, thêm đường và đá lạnh vào cho dễ uống.

2.2 Nước rau má đậu xanh

6-tac-dung-cua-nuoc-rau-ma-doi-voi-suc-khoe-va-lan-da-voh-2
Nước ép rau má đậu xanh (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau má tươi: 200gr
  • Đậu xanh đã cà vỏ: 100gr
  • Đường cát trắng:50gr
  • Nước lọc: 800ml

Cách làm nước rau má đậu xanh

Rau má đem ngắt bỏ bớt phần thân cứng, loại bỏ sạch rễ và lá vàng, lá hỏng. Ngâm rau má trong nước muối loãng 10 phút rồi rửa sạch kĩ, để ráo.

Đậu xanh đem ngâm nước ấm khoảng 4-6 tiếng cho mềm, rửa sạch để ráo. Cho đậu xanh vào nồi nấu nhừ và tắt bếp để nguội bớt.

Cho phần rau má vào máy xay sinh tố, thêm nước lọc vào xay nhuyễn, rồi lọc bỏ bã, giữ lại phần nước.

Cho tiếp đậu xanh vào máy xay sinh tố cùng đường. Đổ nước rau má đã lọc vào. Bật máy xay đến khi nhuyễn nát, xanh mịn là được.

Khi uống, bạn thêm bớt lượng đường cho phù hợp. Nước rau má đậu xanh có thể uống nóng không cần đá, hay cho vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.

2.3 Nước ép rau má mix sữa dừa

6-tac-dung-cua-nuoc-rau-ma-doi-voi-suc-khoe-va-lan-da-voh-3
Nước ép rau má sữa dừa (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau má: 300gr
  • Nước cốt dừa: 200gr
  • Nước dừa tươi: 100ml
  • Sữa đặc
  • Đường trắng

Cách làm nước ép rau má sữa dừa

Nhặt sạch rau má, ngắt bỏ bớt phần thân cứng, những cọng bị vàng, sau đó rửa sạch rồi để ráo. Cho rau má vào máy xay sinh tố xay nhỏ thêm khoảng 1 lít nước lọc vào và xay từ từ. Khi xay xong túi vắt lấy nước hoặc lọc qua rây và bỏ đi phần bã.

Cho vào nồi 100ml nước dừa tươi và 30gr đường, cùng 100ml sữa đặc và 200ml nước cốt dừa để hỗn hợp có đủ độ ngọt, béo và thơm. Khuấy đều hỗn hợp trên lửa nhỏ đến khi hỗn hợp hoà quyện và sôi lăn tăn nhẹ thì tắt bếp.

Cho đá viên vào ly, rót phần sữa dừa vào trước, sau đó là phần nước rau má nguyên chất lên trên cùng, trang trí thêm với một ít cơm dừa nạo sợi là hoàn thành.

Nhiều người không biết nước rau má để tủ lạnh được bao lâu? Thực tế, các loại nước ép như nước rau má nếu để trong tủ lạnh chỉ có thể dùng trong khoảng 3 – 4 ngày. Tuy nhiên, bạn không nên để nước rau má trong tủ lạnh quá lâu vì sẽ không ngon và cũng không tốt cho sức khỏe.

3. Uống nhiều nước rau má có tốt không?

Mặc dù tác dụng của nước rau má tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, nếu bạn uống quá nhiều bạn sẽ hoàn toàn không nhận được những lợi ích từ loại thức uống này, thậm chí là nhận về những tác hại cho cơ thể.

Việc dùng nước rau má thay cho nước lọc mỗi ngày có thể khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu, giảm khả năng mang thai, thậm chí là tăng nguy cơ sảy thai đối với phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ.

Theo các chuyên gia, bạn chỉ nên hấp thụ từ 30 đến 40gr rau má tươi mỗi ngày. Thời gian uống nước rau má lý tưởng nhất dành cho bạn nên là vào buổi gần trưa hoặc trưa xế, lúc đó cơ thể sẽ hấp thụ tốt nhất các chất dinh dưỡng từ bên ngoài.

4. Ai không nên uống nước ép rau má ?

Mặc dù uống nước rau má tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng uống được loại nước ép này. Dưới đây là một số người không nên uống nước rau má:

  • Người đang muốn có thai, đang mang thai hoặc đang cho con bú thì nên hạn chế uống nước ép rau má để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.
  • Người đang bị bệnh tiểu đường nên hạn chế uống.
  • Người đang sử dụng thuốc an thần, chống trầm cảm không nên uống vì sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Người bị mắc bệnh về da, tổn thương gan và ung thư thì không nên uống.

5. Những lưu ý khi uống nước rau má

Ngoài ra, để phát huy tối đa các tác dụng của nước rau má mang lại cho sức khỏe thì bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không uống nước rau má rồi lập tức di chuyển ra những nơi nắng nóng vì điều đó có thể khiến bạn bị bất tỉnh mê man.
  • Không uống nước rau má để chữa nóng bụng do khó tiêu, bởi nó không giúp chữa bệnh mà thậm chí còn khí khiến bệnh trầm trọng hơn.
  • Không uống nước rau má thay nước lọc.
  • Không uống nước rau má khi đang sử dụng các loại thuốc gây buồn ngủ, thuốc chống co giật, thuốc trị mất ngủ, thuốc chống trầm cảm....
  • Phụ nữ mang thai không nên uống nước rau má.
  • Sau khi ép xong thì nên uống hết trong ngày, còn nếu muốn sử dụng lâu thì nên chế vào chai thủy tinh và bảo quản trong tủ mát. 

Như vậy, nước rau má rất dễ làm, dễ uống và cũng mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý uống nước rau má đúng cách, đúng liều lượng để tránh gây ra những tác động xấu cho cơ thể.

Bình luận