6 cách làm sữa đậu phộng giàu dinh dưỡng, ngon tuyệt hảo

(VOH) – Nếu chỉ ‘quanh quẩn’ chế biến đậu phộng (lạc) luộc hay rang giòn cay mặn,…có thể khiến bạn cảm thấy ngán, sao không thử 6 cách làm sữa đậu phộng thơm ngậy, bổ dưỡng dưới đây nhỉ!

Có thể nói đậu phộng gần như đã trở thành loại hạt “quốc dân” quen thuộc trong gian bếp của gia đình Việt, không chỉ bởi dễ dàng chế biến mà còn đem tới nhiều chất dinh dưỡng quý giá cho sức khỏe như chất đạm thực vật, chất béo, vitamin nhóm B, vitamin E,….Chính vì thế bổ sung ly sữa đậu phộng trong khẩu phần ăn hàng ngày là gợi ý rất đáng thử đấy nhé!

1. Hướng dẫn cách làm sữa đậu phộng đơn giản

Từ các nguyên liệu dễ tìm kiếm với giá thành không quá đắt đỏ, cùng với những công thức đơn giản này, bạn hoàn toàn có thể tự làm sữa đậu phộng ngay tại nhà.

1.1 Sữa đậu phộng rang nguyên chất

Ly sữa đậu phộng vẫn vẹn nguyên vị ngầy ngậy đặc trưng của hạt đậu phộng khiến bạn mê mẩn.

chieu-dai-ca-nha-sua-dau-phong-voi-6-cong-thuc-de-dang-nay-voh-0
Sữa đậu phộng nguyên chất béo ngậy (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đậu phộng (lạc): 150 – 200g
  • Nước lọc: 500ml
  • Đường cát trắng hoặc đường phèn
  • Muối hồng (tùy khẩu vị)

Cách làm sữa đậu phộng rang nguyên chất

  • Rang đậu phộng với lửa nhỏ khoảng 10 – 15 phút tới khi vỏ hạt nứt ra thì có thể tắt bếp. Để nguội, rồi tách vỏ hạt thật kĩ trước khi đem xay.
  • Dùng mấy xay sinh tố xay nhuyễn đậu phộng với nước, sau đó lọc bỏ bã, chắt lấy nước.
  • Hòa nước cốt đậu phộng với đường phèn, chút muối, rồi đun với lửa nhỏ trong 20 phút, khuấy đều tay, khi sôi thì tắt bếp.
  • Trước khi dùng nên thêm đá viên để hương vị thơm ngon hơn.  

Xem thêm: Bạn đang 'e ngại' khi dùng dầu đậu phộng? Tham khảo 6 lý do sau đây để an tâm sử dụng

1.2 Sữa đậu phộng mè đen

Cũng từ đậu phộng và mè đen nhưng không phải làm đậu phộng muối mè (muối vừng) mà hãy thử “biến tấu” thành ly sữa đậu phộng mè đen xem sao nhé - một món ngon từ đậu phộng thơm ngậy hết ý đấy! 

chieu-dai-ca-nha-sua-dau-phong-voi-6-cong-thuc-de-dang-nay-voh-1
Sữa đậu phộng mè đen giàu dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đậu phộng: 150g
  • Mè đen: 100g
  • Nước lọc: 500ml
  • Sữa đặc (không bắt buộc): 3 – 4 thìa cà phê
  • Đường cát trắng

Cách làm sữa đậu phộng mè đen

  • Tiến hành rang chín đậu phộng và mè đen khoảng 20 phút. Đậu phộng để nguội rồi tách bỏ lớp vỏ.
  • Trộn đậu phộng, mè đen với nhau, thêm 500ml nước rồi đem xay nhuyễn. Sau khi xay, lọc bỏ bã và giữ lại phần sữa.
  • Đun sôi sữa với lửa nhỏ, thêm sữa đặc và chút đường trắng (tùy khẩu vị), khuấy tan đều khoảng 5 – 10 phút, tắt bếp và thưởng thức.  

Xem thêm: 6 tác dụng của mè đen, bổ như 'tiên dược'

1.3 Sữa đậu phộng cốt dừa

Đậu phộng bùi bùi quyện với nước cốt dừa béo ngậy đem tới ly sữa đậu phộng cốt dừa sánh mịn, hấp dẫn.

chieu-dai-ca-nha-sua-dau-phong-voi-6-cong-thuc-de-dang-nay-voh-2
Sữa đậu phộng cốt dừa sánh mịn (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đậu phộng: 150 – 200g (tùy nhu cầu)
  • Nước cốt dừa: 200ml
  • Nước lọc: 500 – 700ml

Cách làm sữa đậu phộng cốt dừa

  • Rang đậu phộng với lửa nhỏ khoảng 20 phút tới khi chín, lớp vỏ hơi nứt ra. Để nguội rồi tiến hành tách bỏ vỏ.
  • Dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn đậu phộng với nước lọc. Nếu xay nhuyễn mịn thì không nhất thiết phải lọc bỏ bã.
  • Đun sôi sữa đậu phộng, hòa thêm nước cốt dừa vào, khuấy đều tay trong khoảng 5 – 10 phút.
  • Sữa đậu phộng cốt dừa uống lạnh sẽ ngon hơn, nên có thể thêm đá viên hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh trước khi dùng.

Xem thêm: Lưu lại công thức 6 món ngon từ dừa để 'cần là có ngay'

1.4 Sữa đậu phộng hạt điều

Đậu phộng và hạt điều đều thuộc nhóm hạt lành mạnh, giàu axit oleic – dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của tim mạch nên sữa đậu phộng hạt điều cũng là sự kết hợp rất đáng thử đấy!

chieu-dai-ca-nha-sua-dau-phong-voi-6-cong-thuc-de-dang-nay-voh-3
Sữa đậu phộng hạt điều tốt cho tim mạch (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đậu phộng: 100g
  • Hạt điều: 100g
  • Nước lọc: 800ml – 1 lít  
  • Sữa đặc (tùy khẩu vị): 2 – 3 thìa cà phê

Cách nấu sữa đậu phộng hạt điều

  • Ngâm hạt điều trong nước muối loãng khoảng 2 tiếng để hạt nở mềm, rồi vớt ra để ráo.
  • Rang chín đậu phộng trong khoảng 20 phút, thấy lớp vỏ nứt ra thì tắt bếp. Để nguội bớt và tách bỏ vỏ hạt.
  • Trộn hạt điều và đậu phộng, đem xay nhuyễn với nước lọc. Cố gắng xay nhuyễn mịn để không phải chắt bỏ bã.
  • Đun sôi sữa đậu phộng hạt điều với lửa nhỏ, hòa sữa đặc vào, khuấy tan đều thì có thể tắt bếp và thưởng thức.

1.5 Sữa đậu phộng hạt sen

Công thức sữa hạt sen mix khá đa dạng nhưng bạn đã từng thưởng thức sữa đậu phộng hạt sen chưa? Thơm bùi, ngọt thanh và cực kì bổ dưỡng.  

chieu-dai-ca-nha-sua-dau-phong-voi-6-cong-thuc-de-dang-nay-voh-4
Sữa đậu phộng hạt sen thơm bùi (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đậu phộng: 100g
  • Hạt sen: 50g
  • Nước lọc: 800ml
  • Đường cắt trắng hoặc đường phèn

Cách làm sữa đậu phộng hạt sen

  • Ngâm hạt sen trong khoảng 2 tiếng để khi nấu sữa sẽ nhanh chín hơn. 
  • Rang đậu phộng với lửa nhỏ, khi vỏ hạt hơi nứt và thơm giòn thì tắt bếp. 
  • Nấu chín hỗn hợp hạt sen và đậu phộng với nước trong khoảng 30 – 40 phút, sau đó ủ khoảng 1 tiếng. 
  • Xay nhuyễn mịn hỗn hợp trên để lọc lấy sữa. 
  • Đun sữa với lửa nhỏ và hòa tan đường phèn. 

Xem thêm: 'Biến tấu' thực đơn hàng ngày với 5 món ngon từ hạt sen

1.6 Sữa đậu phộng đậu nành

Sữa đậu nành thanh mát, nay có thêm chút béo béo của đậu phộng và hương thơm dịu của lá dứa, lạ miệng mà rất ngon!  

chieu-dai-ca-nha-sua-dau-phong-voi-6-cong-thuc-de-dang-nay-voh-5
Sữa đậu phộng đậu nành mới lạ (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đậu phộng: 100g
  • Đậu nành: 100g
  • Lá dứa: 5 -7 nhánh
  • Nước lọc: 2 lít 
  • Đường phèn

Cách nấu sữa đậu phộng đậu nành

  • Ngâm đậu nành từ 7 – 8 tiếng, có thể ngâm qua đêm để tiết kiệm thời gian.
  • Đậu phộng rang chín, thơm và lớp vỏ nứt ra. Chờ nguội bớt thì tách bỏ vỏ.
  • Ngâm rửa sạch lá dứa, cắt khúc nhỏ.
  • Trộn đậu nành và đậu phộng với nhau rồi đem xay nhuyễn mịn, lọc bỏ bã và lấy phần sữa.
  • Cho sữa vào nồi, tiếp đến là lá dứa, đun khoảng 15 – 20 phút khi sôi thì vặn nhỏ lửa lại, hòa đường phèn vào, đun thêm 10 phút thì tắt bếp. Chú ý trong quá trình đun, khoảng 5 – 10 phút lại khuấy một lần để sữa không bị vón lại.
  • Nếu muốn uống lạnh thì nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, hạn chế cho đá để giữ nguyên vị.

Xem thêm: Tự tay nấu sữa đậu nành nguyên chất tại nhà bằng cối xay sinh tố dễ như trở bàn tay

2. Uống sữa đậu phộng có tác dụng gì với sức khỏe?

Không chỉ “lưu giữ” trọn vẹn hương vị thơm ngon của hạt đậu phộng, sữa đậu phộng vẫn đảm bảo cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng cho cơ thể, góp phần cải thiện các vấn đề sức khỏe thường gặp dưới đây:

  • Cung cấp chất béo không bão hòa, phòng chống bệnh mạch vành và bệnh tim mạch.
  • Các chất trong sữa đậu phộng còn có thể giúp làm giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng các cholester tốt (LDL) trong máu.
  • Uống sữa đậu phộng giảm cân: Việc bổ sung loại sữa này vào thực đơn hàng ngày 2 lần/ tuần, kết hợp với chế độ sinh hoạt, tập thể dục.sẽ duy trì cân nặng và hỗ trợ giảm cân hiệu quả. 
  • Tốt cho phụ nữ đang mang thai: đây được xem như một nguồn cung cấp axit folic cho mẹ bầu làm giảm nguy cơ mắc chứng dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
  • Giảm căng thẳng, mệt mỏi: nhờ chất axit amino trytophan trong sữa đậu phộng giúp cho quá trình sản xuất serotonin tốt cho hệ thần kinh và giúp cải thiện tâm trạng, ngăn ngừa stress.
  • Ổn định lượng đường trong máu
  • Cung cố xương chắc khỏe
  • Tốt cho làn da

Xem thêm: 9 tác dụng của đậu phộng và những đối tượng không nên ăn 

3. Cách bảo quản sữa đậu phộng đúng cách

Để sữa đậu phộng được sử dụng lâu dài thì sau khi nấu xong bạn cần phải thực hiện những việc sau để có thể bảo quản sữa:

  • Sau khi nấu xong thì để sữa nguội hẳn rồi cho vào chai thủy tinh và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
  • Tốt nhất nên sử dụng hết trong ngày và không để sữa bên ngoài không khí 2 ngày.
  • Nên bảo quản bằng chai thủy tinh thay vì chai nhựa, sẽ làm biến đổi chất trong sữa và có mùi.
  • Sữa có dấu hiệu lên men thì không nên uống.

4. Một số lưu ý cần biết khi dùng sữa đậu phộng

Cùng với các loại sữa hạt khác, sữa đậu phộng cũng là thức uống phù hợp với đối tượng dị ứng sữa động vật hoặc mắc hội chứng không dung nạp lactose. Tuy nhiên nếu bạn có tiền sử dị ứng đậu phộng thì cần tránh thêm loại sữa này vào chế độ dinh dưỡng nhé.

Ngoài ra nhiều người sợ rằng khi uống sữa đậu phộng sẽ mập, nhưng không loại sữa này chứa khá nhiều protein, calo, chất béo nên sẽ làm cho cơ thể cảm giác được no lâu hơn, hạn chế cơn thèm ăn và không gây tình trạng tăng cân.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng sữa đậu phộng, cần lưu ý:

  • Không uống quá nhiều để tránh không kiểm soát được cân nặng, mỗi ngày chỉ nên uống khoảng 100 – 120 ml là tốt nhất 
  • Nên uống sữa đậu phộng vào bữa sáng hoặc bữa xế chiều.
  • Tăng cường ăn thêm các thực phẩm giàu omega – 3 để cân bằng với lượng omega – 6 tiếp nạp từ đậu phộng.

Mong rằng với 6 cách làm sữa đậu phộng đơn giản, giàu dinh dưỡng trên đây sẽ mang tới “làn gió mới” cho thực đơn hàng ngày của gia đình bạn nhé!

Bình luận