Tác dụng của bạch quả và một số bài thuốc phổ biến trong Đông y

(VOH) – Bạch quả là một loại thực phẩm cũng là vị thuốc quý được sử dụng lâu đời trong ẩm thực và dược lý. Một trong nhiều những tác dụng của bạch quả là giúp trị hen phế quản, viêm phế quản...

Bạch quả là hạt chín già của cây bạch quả, có tên khoa học là Ginkgo biloba L. thuộc họ Ginkgoaceae. Đây cũng là loài duy nhất còn sót lại của chi Ginkgo – một loài hóa thạch còn sống. Một số tên khác của bạch quả là bạch quả nhân, ngân hạnh nhân.

1. Tác dụng của bạch quả như thế nào?

Trong Đông y, bạch quả có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, vào kinh phế và mạch đới. Tác dụng của bạch quả giúp liễm phế, tiêu đờm, thường được dùng điều trị hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, lao phổi, đái dắt, di tinh, bạch đới,...

tac-dung-cua-bach-qua-va-mot-so-bai-thuoc-pho-bien-trong-dong-y-voh

Bạch quả thường dùng để điều trị hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, lao phổi, đái dắt, di tinh, bạch đới... (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạch quả còn dùng để cắt cơn hen suyễn, chữa ho, liều dùng từ 4 – 12g mỗi ngày, bằng cách ăn sống, nướng rang, sắc hãm, nấu hầm.

Một số bài thuốc khác từ bạch quả trong Đông y:

  • Bài thuốc cắt cơn hen suyễn: Bạch quả (đập vỡ) 16g, khoản đông hoa 12g, bán hạ chế 12g, ma hoàng 8g, hoàng cầm 8g, vỏ rễ dâu 12g, tô tử 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo sống 8g. Tất cả đem sắc uống.
  • Chữa bạch đới lâu ngày không dứt, tiểu rắt luôn luôn, di tinh do khí hư (sức lực suy yếu): Đậu ván trắng 63g, bạch quả 12g, lõi thân và cành hướng dương 16g. Tất cả đem sắc lấy nước, thêm ít đường đỏ vào để uống.
  • Chữa mộng tinh: Bạch Quả 3 hạt, đồ chín bằng hơi rượu rồi ăn. Mỗi ngày làm một lần, ăn liền từ 4 - 7 ngày.
  • Chữa lao phổi: Bạch quả thu hoạch vào mùa thu, ngâm trong dầu thảo mộc 100 ngày. Ngày ăn 3 lần, mỗi lần một quả, liên tục từ 1 đến 3 tháng.
  • Phụ nữ bị sa tử cung, khí hư bạch đới: Bạch quả 6g, liên nhục 15g, gạo tẻ 50g, gà giò một con (làm sạch bỏ ruột). Đem bạch quả, liên nhục tán thành bột nhồi vào bụng gà rồi khâu lại, đặt trong nồi, cho gạo và nước vào hầm nhỏ lửa đến khi chín thêm mắm, muối, gia vị vừa ăn. Chia ra ăn hết trong ngày, mỗi tuần dùng từ một đến 2 lần.
  • Phụ nữ cơ thể suy nhược: Thịt gà 100g, rượu trắng 30ml, hạt sen (bỏ tâm) 10g, bạch quả nhân 10g, cho vào nồi nước hầm nhỏ lửa, thêm gia vị, mắm, muối vừa ăn. Chia ra ăn từ một đến 2 lần trong ngày.
  • Viêm đường tiết niệu cấp, sốt, tiểu rắt, buốt, nước tiểu đục: Bạch quả 6g, ý dĩ nhân 30g, đường phèn 15g. Bạch quả, ý dĩ nấu nhừ, cho đường phèn vào khuấy tan. Chia 2 lần ăn trong ngày.
  • Viêm họng hạt, viêm mũi họng dị ứng, ung thư vùng mũi họng: Bạch quả (bỏ mầm hạt) 15g, ngọc trúc 15g, mạch môn đông 9g, bắc sa sâm 15g, hạnh nhân 15g, thịt lợn nạc 60g, gia vị liều lượng thích hợp. Ngọc trúc, mạch đông, sa sâm sắc lấy nước, bỏ bã, nấu với hạnh nhân, bạch quả và thịt lợn; 2 - 3 ngày ăn một lần.
  • Hen phế quản, lao phổi có ho suyễn: Bạch quả 10 hạt bóc bỏ vỏ cứng, thêm nước nấu chín, thêm mật ong khuấy đều. Mỗi tối ăn một lần.

Lưu ý: Để đề phòng ngộ độc bạch quả, không nên dùng nhiều bạch quả mỗi lần, đặc là với trẻ em. Người bị ngộ độc bạch quả thường có các triệu chứng: nhức đầu, phát sốt, co rút gân, nôn mửa, khó thở. Để giải độc cần dùng 125g cam thảo hoặc 63g vỏ quả bạch quả sắc uống để giải độc.

2. Bạch quả tốt cho sức khỏe nhưng... cần thận trọng

Theo các phân tích về thành phần dược lý, bạch quả có chứa carbohydrate, lipid, protein, axit, ginkgonic, chất béo, tinh bột, đường... Lá cây bạch quả có chất flavonoid, triterpenoid. Vị thuốc từ loại cây này thường dùng cho người rối loạn trí nhớ, làm tăng tuần hoàn não, tăng độ bền thành mạch… Chất chiết xuất từ lá cây bạch quả cũng được bào chế thành thuốc.

tac-dung-cua-bach-qua-va-mot-so-bai-thuoc-pho-bien-trong-dong-y-1-voh

Bạch quả khi chế biến thành các món ăn thực dưỡng có giá trị dinh dưỡng cao (Nguồn: Internet)

Bạch quả không nên ăn quá nhiều vì trong bạch quả có chứa các độc tố có thể tác động đến thần kinh. Tuy nhiên, nếu ăn theo hướng dẫn của thầy thuốc thì loại hạt này sẽ có tác dụng rất tốt cho sức khỏe như: giúp làm giảm cholesterol xấu trong máu, cải thiện các vấn đề về tim mạch, tăng cường tuần hoàn của não bộ...

Một số tác dụng phụ bạn có thể gặp phải khi sử dụng quá nhiều bạch quả:

  • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Ăn nhiều hạt bạch quả có thể gây ra các triệu chứng như co thắt cơ vòng hậu môn, viêm hậu môn và trực tràng, nóng rát hậu môn, táo bón hoặc tiêu chảy, thay đổi vị giác, đau dạ dày, đau bụng, nôn mửa...
  • Tác động đến hệ thần kinh: Có thể làm thay đổi hành vi, nhức đầu, hưng cảm nhẹ, bồn chồn, đổ mồ hôi, căng thẳng, đánh trống ngực, buồn ngủ...
  • Phụ nữ mang thai nên tránh ăn hạt bạch quả vì có thể dẫn đến sinh sớm hoặc băng huyết khi sinh.
Bình luận