7 tác dụng của cà phê với sức khỏe, cách dùng và bảo quản tốt

(VOH) – Hạt cà phê nằm trong danh sách các loại hạt có lịch sử lâu đời và được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Vậy bạn có biết tác dụng của cà phê là gì mà người dân các quốc gia đều rất yêu thích?

Với hương thơm phức cùng vị đậm đà đặc trưng, hạt cà phê đã trở thành “người bạn” gần như không thể thiếu trong đời sống. Tuy nhỏ bé nhưng loại hạt này cung cấp nguồn dưỡng chất vô cùng dồi dào, chúng thường được rang chín và xay nhuyễn để pha chế thức uống hoặc làm nguyên liệu của nhiều món ăn hấp dẫn. 

1. Tìm hiểu về cà phê

Tên gọi cà phê bắt nguồn từ cách gọi café trong tiếng Pháp, là thực vật thuộc họ thiến thảo (Rubiaceae).

1.1 Nguồn gốc 

Cà phê có nguồn gốc và hành trình phát triển khá thú vị, chúng được tìm thấy đầu tiên chủ yếu ở Ethiopia, sau đó tới thế kỉ XVIII, dần du nhập vào Ai Cập, Hà Lan, Pháp và Brazil. Ngày nay thì cây cà phê được canh trồng rộng khắp ở “vành đai Bean” – vành đai cà phê, nơi tập trung những quốc gia có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. 

7-tac-dung-cua-ca-phe-voi-suc-khoe-cach-dung-va-bao-quan-tot-voh-0
Cây cà phê được trồng tập trung ở các quốc gia thuộc vành đai cà phê (Nguồn: Internet)

1.2 Đặc điểm

Tại Việt Nam, cà phê đã “theo chân” người Pháp vào từ những năm cuối thế kỷ XIX. Cho tới nay có 3 giống cà phê gồm Arabica, Robusta và Cherry vẫn tiếp tục được duy trì trồng ở các tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Đắk Lắk hay Gia Lai,… 

Hạt cà phê thực tế chính là nhân của quả cà phê, cấu tạo gồm hai phần cân xứng. Bao bọc bên ngoài lớp hạt có lớp vỏ lụa mỏng, màu sắc khác nhau tùy theo giống cây cà phê. Vỏ hạt cà phê Arabica màu trắng, với cà phê Robusta thì màu nâu nhạt, còn cà phê Cherry thường có màu vàng nhạt. 

2. Tác dụng của cà phê

Có thể nói hạt cà phê chính là bộ phận “hội tụ” nhiều chất dinh dưỡng quý giá nhất so với các phần khác của quả cà phê. Sử dụng các thức uống hay món ăn từ cà phê sẽ giúp chúng ta tiếp nạp thêm những nhóm vitamin thiết yếu như vitamin B5, vitamin B2, vitamin B3 cùng hoạt chất chống oxy hóa quinine, trigonelline và đặc biệt là caffeine.

Nhờ vậy mà cải thiện hiệu quả một số vấn đề sức khỏe dưới đây: 

2.1 Giúp tinh thần tỉnh táo

Cùng với trà xanh hay cacao, cà phê là thức uống phổ biến được lựa chọn khi bạn cảm thấy mệt mỏi và cần tìm lại sự tỉnh táo, hứng khởi để bắt đầu công việc.

Cà phê có công dụng đặc biệt này bởi lượng chất caffeine khi vào cơ thể sẽ ức chế khả năng gây buồn ngủ của hai hoạt chất adenosine và phosphodiesterase, từ đó tăng sản sinh dopamine duy trì tinh thần sảng khoái, phấn chấn. 

Xem thêm: 12 cách hết buồn ngủ giúp bạn lấy lại sự tỉnh táo suốt cả ngày

2.2 Kiểm soát đường huyết

Một số thống kê đã chỉ ra rằng tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường (nhất là tiểu đường tuýp 2) sẽ giảm xuống 7% ở nhóm người duy trì dùng từ 1 – 2 ly cà phê mỗi ngày.

Theo đó khoáng chất magie cùng crom được tìm thấy trong cà phê có đặc tính ngăn chặn tình trạng kháng insulin, từ đây giúp quá trình hấp thu và chuyển hóa glucose diễn ra bình thường, kiểm soát đường huyết ở mức an toàn. (1) 

7-tac-dung-cua-ca-phe-voi-suc-khoe-cach-dung-va-bao-quan-tot-voh-1
Khoáng chất có trong cà phê sẽ giúp kiểm soát đường huyết không tăng cao đột ngột (Nguồn: Internet)

2.3 Hỗ trợ giảm cân

Uống cà phê giảm cân được đánh giá là một trong những phương pháp khá hữu hiệu. Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng tiếp nạp caffeine và chlorogenic acid từ cà phê với lượng hợp lý góp phần đốt cháy chất béo, “đánh tan” lượng mỡ thừa tích tụ. 

Xem thêm: Cách uống cà phê giảm cân ‘nhàn tênh’, không cần cả ăn kiêng ‘kham khổ’ lẫn tập tành quá sức

2.4 Cải thiện trí nhớ

Lượng chất caffeine do cà phê cung cấp không chỉ giúp bạn sớm lấy lại tinh thần tỉnh táo mà còn hỗ trợ duy trì chức năng của não bộ, cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ, giảm tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer khi tuổi tác ngày càng tăng cao. (2) 

2.5 Phòng chống ung thư 

Bổ sung lượng caffeine an toàn từ cà phê luôn được khuyến khích bởi đây là cách giúp chúng ta cung cấp thêm cho cơ thể các nhóm chất chống oxy hóa quan trọng nhóm polyphenol. Những hoạt chất này có khả năng ngăn chặn tổn thương do gốc tự do gây ra, hạn chế nguy cơ phát triển tế bào ung thư. (3) 

2.6 Duy trì men gan ổn định

Men gan vốn được biết đến như một chất xúc tác giúp các tế bào gan thực hiện nhiệm vụ thanh lọc, bài tiết chất độc, khi chỉ số này tăng lên quá cao sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm và xơ gan.  

Song nếu bạn có thói quen dùng cà phê đen thường ngày thì điều này thật tốt, vì cà phê đen nguyên chất (không sử dụng thêm các chất tạo ngọt) là thức uống lành mạnh và đem lại tác động tích cực tới việc duy trì men gan ổn định, không tăng quá ngưỡng an toàn.   

Xem thêm: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết gan nhiễm độc

2.7 Giảm nhức mỏi cơ bắp

Sau khi thực hiện các bài tập thể dục thể thao hoặc phải vận động, bê vác nặng, cơ bắp của chúng ta thường rơi vào trạng thái nhức mỏi. Để chủ động khắc phục vấn đề này, trước hoặc sau khi tập luyện, hãy nhâm nhi một tách cà phê nhỏ bởi hoạt chất caffein từ cà phê có đặc tính giảm đau khá hiệu quả. (4) 

3. Bà bầu uống cà phê được không? 

Cà phê chứa hàm lượng caffein tương đối cao nên với nhiều mẹ bầu “trót nghiện” thức uống này thường khá lo lắng vì không biết có phải kiêng khem tuyệt đối trong thai kì hay không.

7-tac-dung-cua-ca-phe-voi-suc-khoe-cach-dung-va-bao-quan-tot-voh-2
Bà bầu có thể uống cà phê trong thai kì nhưng chỉ nên dùng 1 ly trong mỗi ngày (Nguồn: Internet)

Thực tế thì cho tới nay không có chỉ định mẹ phải “từ bỏ” hoàn toàn cà phê khi mang thai, song các bác sĩ sản khoa khuyến khích mẹ cắt giảm lượng cà phê mỗi ngày xuống mức thấp nhất có thể, dùng 1 ly cà phê trong ngày là hợp lý. 

Xem thêm: Bà bầu uống cà phê được không? Cách dùng an toàn cho thai kì

4. Gợi ý những món ngon từ cà phê

Pha chế cà phê thành các thức uống ấm nóng, thơm phức có lẽ là cách mà phần lớn chúng ta thường làm. Thế nhưng nếu muốn thưởng thức theo cách thú vị hơn, hãy tận dụng cà phê để chế biến những món ăn độc đáo như cà phê trứng, rau câu cà phê, bánh quy cà phê hay mứt dừa cà phê xem sao. Hương vị cũng không kém phần hấp dẫn đâu đấy. 

Xem thêm: Những món ngon từ phê dễ làm tại gia bạn nhất định phải biết 

5. Cách bảo quản cà phê giữ nguyên hương vị

Tự tay rang chín, xay nhuyễn hạt cà phê sẽ đem đến cho nhiều trải nghiệm thú vị, thành phẩm này có hàm lượng chất dinh dưỡng và hương vị tốt hơn so với các loại cà phê hòa tan. Tuy nhiên để có thể tận dụng tối đa dưỡng chất cũng như thưởng thức vị thơm ngon nhất, bạn cần thực hiện quy trình bảo quản cà phê thật kĩ càng. 

7-tac-dung-cua-ca-phe-voi-suc-khoe-cach-dung-va-bao-quan-tot-voh-3
Dù cà phê hạt hay cà phê bột cũng nên sử dụng trong thời gian sớm để hấp thu dưỡng chất tốt nhất (Nguồn: Internet)

Dưới đây xin mách bạn một số mẹo bảo quản cà phê hạt và cà phê bột: 

5.1 Bảo quản cà phê hạt 

Sau khi chọn mua được những hạt cà phê chất lượng, bạn hãy chú ý áp dụng phương pháp cất trữ sau: 

  • Với hạt cà phê tươi (chưa rang), hãy cất trữ trong các túi zip hoặc túi hút chân không, rồi đóng giấy bạc và bảo quản ở ngăn đông của tủ lạnh. 
  • Nếu mua hạt cà phê đã rang sẵn, nên bảo quản trong hũ thủy tinh sẫm màu, kín không khí và tiến hành xay sớm trong thời gian 2 tuần kể từ khi mua. 

5.2 Bảo quản cà phê bột 

Trường hợp bạn không có thời gian rang xay thì chọn mua cà phê bột là một gợi ý bạn có thể tham khảo. Với cà phê bột, hãy cất trữ bằng hũ thủy tinh màu đục, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Chú ý không nên bảo quản trong tủ lạnh, bạn chỉ cần để tại vị trí khô ráo, thông thoáng, ở điều kiện nhiệt độ phòng thông thường là được. 

6. Một số tác hại của cà phê khi dùng sai cách 

Cà phê vốn thuộc nhóm hạt bổ sung đa dạng nhóm chất dinh dưỡng và có công dụng cải thiện sức khỏe hữu hiệu. Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây đó là vẫn tiềm ẩn những tác dụng phụ nguy hại nếu chúng ta dùng thiếu khoa học và lạm dụng thường xuyên. 

Hãy đảm bảo rằng mỗi ngày bạn chỉ uống tối đa 2 ly cà phê (khoảng 200ml) nhằm hấp thu lượng caffein an toàn là 200mg. 

Xem thêm: 'Điểm mặt' 5 tác hại của cà phê dễ mắc phải nếu dùng sai cách

7. Thành phần dinh dưỡng của cà phê

Hàm lượng chất dinh dưỡng trong 1 tách cà phê (200ml) được tính toán như sau: 

  • Vitamin B2 (riboflavin): 11% giá trị hàng ngày 
  • Vitamin B5 (axit pantothenic): 6% giá trị hàng ngày 
  • Vitamin B1 (thiamine): 2% giá trị hàng ngày 
  • Vitamin B3 (niacin): 2% giá trị hàng ngày 
  • Folate: 1% giá trị hàng ngày 
  • Mangan: 3% giá trị hàng ngày 
  • Kali: 3% giá trị hàng ngày 
  • Magiê: 2% giá trị hàng ngày 
  • Phốt pho: 1% giá trị hàng ngày 

Nhờ có hương vị độc đáo cùng nguồn dưỡng chất phong phú, cà phê đã có một hành trình dài “chu du” khắp các quốc gia trên thế giới và được “tiếp đón” vô cùng nhiệt tình. Hy vọng rằng những chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn phần nào hiểu thêm về loại hạt kì diệu này, đồng thời biết cách sử dụng khoa học, đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhé. 

Bình luận