7 tác dụng của cây đinh lăng trong chữa bệnh

(VOH) - Đinh lăng được gọi là ‘nhân sâm của người nghèo’ bởi những tác dụng của cây đinh lăng đều rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý sử dụng đúng cách dược liệu này để đạt hiệu quả cao.

Đinh lăng là loại cây từng được danh y Hải Thượng Lãn Ông gọi là ‘nhân sâm’ với những tác dụng chữa bệnh tuy đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả.

1. Cây đinh lăng là gì ?

Cây đinh lăng (cây gỏi cá, nam dương sâm), có tên khoa học là Polyscias fruticosa, là một loại cây nhỏ thuộc chi Đinh Lăng, họ Cuồng Cuồng.

Cây đinh là loại cây nhỏ cao từ 1 – 2m. Lá lông chim 2 – 3 lần, mọc so le, lá chét có răng cưa nhọn. Hoa có màu lục nhạt hoặc trắng xám. Quả dẹt màu trắng bạc.

Đinh lăng được trồng nhiều ở nước ta, có thể dùng làm cảnh hoặc làm thuốc. Nhiều người còn sử dụng lá cây đinh lăng như một loại rau sống hoặc ăn kèm trong món gỏi cá.

2. Những tác dụng của cây đinh lăng

Trong Y học cổ truyền, toàn cây đinh lăng đều có thể sử dụng để làm dược liệu chữa bệnh.

  • Lá cây đinh lăng có tác dụng giải độc, kháng dị ứng được sử dụng để giải độc thức ăn, chữa ho ra máu, kiết lỵ, mụn nhọt sưng tấy
  • Thân và cành đinh lăng được sử dụng để chữa đau lưng và phong tê thấp
  • Rễ có tác dụng bồi bổ khí huyết, thông huyết mạch được sử dụng để lợi tiểu, làm thuốc bổ và trị cơ thể gầy yếu, suy nhược, tăng cường sinh lực, sự dẻo dai và tăng cường sức chịu đựng. Phụ nữ sau sinh dùng rễ đinh lăng sắc uống để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa.

Trong y học hiện đại, trong đinh lăng có chứa các chất bao gồm: alkaloid, glycoside, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, các axit amin (bao gồm lysin, cystein và methionin) và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Trong lá đinh lăng còn có saponin triterpen, một genin đã xác định được là axit oleanolic...

Nhờ vậy, cây đinh lăng có tác dụng tăng thể lực, chống stress, kích thích các hoạt động của não bộ, giải tỏa lo âu, mệt mỏi, chống oxy hóa, bảo vệ gan, kích thích miễn dịch. Lá đinh lăng có thể nghiền nhỏ và đặt trên vết thương để ngăn chặn sưng và viêm.

Đặc biệt, rễ (củ) đinh lăng có tác dụng tăng sức dẻo dai của cơ thể, kích thích đi tiểu, làm dịu thần kinh, giảm đau khớp, giải độc, bổ huyết, tăng sức đề kháng, tăng sữa mẹ.

Ngoài ra, dịch chiết cồn của cây đinh lăng có tác dụng chống hen, chống histamin và ức chế tế bào mast giúp nó hữu ích trong việc điều trị hen suyễn.

Xem thêm: Hen suyễn và những điều cần biết

3. Các bài thuốc dân gian có sử dụng cây đinh lăng

Đinh lăng thường được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền và dân gian. Một số tác dụng của cây đinh lăng có thể kể đến trong việc phòng và chữa bệnh là:

3.1 Giúp vết thương mau lành

Với những vết thương ngoài da bị chảy máu, bạn chỉ cần giã nát một ít lá đinh lăng đã rửa sạch rồi đắp trực tiếp lên vết thương sẽ giúp cầm máu và giúp vết thương mau lành hơn.

3.2 Giúp lợi sữa

Một trong những tác dụng của cây đinh lăng với bà bầu là giúp lợi sữa. Chỉ cần rửa sạch một nắm lá đinh lăng đem đun sôi, sau đó lấy nước và uống khi nước còn ấm sẽ giúp tăng tiết sữa mẹ. Nước đinh lăng nên được uống nóng để phát huy công dụng, tránh uống nước đã bị lạnh.

3.3 Giúp an thần, dễ ngủ

Trong lá đinh lăng có chứa saponin và rất nhiều thành phần quan trọng khác, những chất này đều có tác động rất tốt lên hệ thần kinh. Bên cạnh đó lá đinh lăng cũng có công dụng an thần và thông kinh lạc… Sử dụng lá đinh lăng giúp bạn ngủ ngon giấc và sâu giấc hơn.

Đối với người bệnh có triệu chứng đau đầu lá đinh lăng có thể phát huy công dụng giảm đau, cải thiện tình trạng căng thẳng.

Xem thêm: Đặc điểm nhận diện cơn đau đầu là triệu chứng của bệnh nguy hiểm

3.4 Chữa bệnh tiêu hóa

Lá cây đinh lăng sắc lấy nước uống có thể giúp chữa các bệnh về đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, bệnh tiêu chảy. Một số người còn sử dụng phương pháp chữa bệnh trĩ bằng cách sắc lá cây đinh lăng làm thành bột mịn, cho vào một khối dài để xoa bóp trên trực tràng trước khi đi ngủ.

Củ và cành đinh lăng được sử dụng để làm sạch nướu, răng và giúp làm giảm tình trạng viêm loét miệng.

3.5 Bệnh thận

Tác dụng của cây đinh lăng giúp lợi tiểu và hỗ trợ điều trị bệnh thận, đặc biệt là sỏi thận. Những người mắc bệnh thận có thể uống nước ép lá đinh lăng mỗi ngày để giúp lọc thận hiệu quả.

3.6 Chữa chứng mồ hôi trộm

Trẻ nhỏ nếu thường xuyên bị ra nhiều mồ hôi ở vùng đầu thì mẹ hãy dùng lá đinh lăng phơi khô rồi lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm. Sau một thời gian sẽ thấy tình trạng bé đổ mồ hôi trộm được cải thiện rõ rệt.

Xem thêm: Nguyên nhân và cách chữa trị khi trẻ bị mồ hôi trộm

3.7 Chữa sưng đau cơ khớp

Lấy khoảng 40gr lá đinh lăng tươi giã nhuyễn, sau đó đắp trực tiếp lên chỗ sưng đau. Khi lá khô đi lại thay lá mới, đắp liên tục như vậy sẽ giúp vết sưng đau nhanh chóng dịu đi và nhanh lành.

4. Một số tác hại của cây đinh lăng bạn cần chú ý khi chữa bệnh

Khi nghiên cứu về loại cây này, các nhà khoa học cho biết, rễ (củ) cây đinh lăng từ 6 tuổi trở lên đều rất quý. Tuy nhiên, trong cây đinh lăng có chứa chất saponin nếu dùng quá liều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…

Do vậy, sử dụng đinh lăng làm thuốc chỉ nên dùng đúng liều lượng (Ví dụ: Rễ đinh lăng mỗi lần dùng chỉ từ 10 -20g rễ đã sao khô, sấy khô là đủ). Đặc biệt, với rễ cây đinh lăng khi sử dụng nên dùng những cây từ 3 – 5 tuổi trở lên.

Xem thêm: Những mối nguy hại của cây đinh lăng khi dùng quá nhiều và không hợp lý

Ngoài ra, trên cơ sở nghiên cứu dược lý, Viện y học quân sự Việt Nam nhận thấy nếu sử dụng bột đinh lăng dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu nhẹ (30 độ) thì có thể dùng với liều 0.23–0.50g một ngày sẽ giúp tăng sức dẻo dai của cơ thể.

Trên đây là tác dụng của cây đinh lăng khi chữa bệnh cũng như một vài lưu ý khi sử dụng, hi vọng với những thông tin trên bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích về cây thuốc quý xung quanh mình.

Bình luận