Tác dụng của củ riềng trong chữa bệnh và ẩm thực

(VOH) – Là một loại gia vị vô cùng quen thuộc trong ẩm thực Việt thế nhưng nếu nói về những tác dụng của củ riềng thì không phải ai cũng biết.

Riềng (hay còn gọi là riềng thuốc, cao lương khương...) có tên khoa học là Alpinia galangal (L.) Sw. Synonym, là thân cây thảo thuộc họ Zingiberaceae. Đây là một loại gia vị có nguồn gốc từ Nam Á, có liên quan mật thiết với củ gừngcủ nghệ.

Ở nước ta, cây riềng mọc hoang và được trồng khắp nơi. Từ lâu đã được người dân sử dụng như một loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn, nhất là trong những ngày trời lạnh.

Thế nhưng, ngoài làm gia vị, bản thân củ riềng cũng là một vị thuốc cực kỳ tốt cho sức khỏe vì có thể chữa được rất nhiều bệnh tật.

1. Tác dụng của củ riềng trong y học cổ truyền

Trong Y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm vào hai kinh tỳ và vị, có nhiều tác dụng ôn trung, tán hàn, tiêu thực, chữa đầy bụng, nôn mửa, ợ hơi, ợ chua, tiêu hóa kém... Bộ phận dùng làm thuốc của riềng là thân và củ.

Dưới đây là một số bài thuốc bạn có thể tham khảo từ củ riềng:

1.1 Chữa cảm sốt, sốt rét, ăn kém

Riềng 40g tẩm dầu vừng sao, gừng khô 40g nướng cháy sém, hai vị thuốc trên tán thành bột mịn quyện với mật lợn làm viên hoàn, mỗi viên bằng hạt ngô. Ngày uống hai lần mỗi lần uống 15 - 20 viên với nước đun sôi để ấm, uống liên tục 15 ngày.

tac-dung-cua-cu-rieng-trong-chua-benh-va-am-thuc-voh-0
Củ riềng được sử dụng nhiều trong Đông y (Nguồn: Internet)

1.2 Chữa đau bụng nôn mửa

Riềng 6g, đại táo 3 quả, sắc với 200ml nước đun lấy 100ml, chia hai lần uống trong ngày, uống trước khi ăn, uống liên tục 10 ngày. Nếu không có đại táo có thể thay bằng gạo rang vàng 12g và vài khúc mía.

1.3 Chữa ho nhiều đờm trắng do cảm phong hàn

Riềng mọc hoang trên rừng thu hái về rửa sạch, thái lát, trộn với vỏ quýt để lâu năm (trần bì) với lượng bằng nhau, sao với mật mía, ngậm ngày 3 - 4 lần, mỗi lần ngậm 3 - 4 lát. Ngậm liên tục 7 ngày sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ.

1.4 Chữa tiêu chảy và xoa bóp chỗ đau

Riềng khô 100g, quế nhục 20g, gừng khô 100g, rượu trắng 40 độ C 1 lít. Tất cả tán nhỏ, ngâm trong rượu khoảng 3 tuần, uống dần. Mỗi lần thấy đau bụng, đau trướng thì uống 1 ly nhỏ (5 – 10ml). Đối với trẻ nhỏ dùng nước củ riềng ngâm rượu xoa quanh vùng rốn.

Khi cơ thể bị đau nhức, tẩm một ít rượu củ riềng vào bông y tế đắp vào nơi đau và xoa bóp nhẹ.

1.5 Chữa lang ben

Gọt bỏ vỏ ngoài củ riềng đập dập cho vào nồi, đổ thêm ít giấm vào đun sôi. Khi đang sôi, gắp một miếng bông gòn nhúng vào, đợi đến khi hơi âm ấm thì xoa vào tất cả những chỗ có lang beng. Xoa khoảng 3 ngày sẽ hết ngứa. Từ ngày thứ 4 trở đi thì da sẽ không còn những mảng trắng lang beng.

Chú ý: Không dùng riềng làm thuốc trong các trường hợp cảm phong nhiệt, thương thử, nôn mửa hoắc loạn.

2. Công dụng của củ riềng theo y học hiện đại

Không chỉ có Y học cổ truyền mà y học hiện đại cũng đã có nhiều nghiên cứu ghi nhận những tác dụng tốt của củ riềng dành cho sức khỏe.

2.1 Giàu chất chống oxy hóa

Củ riềng là một nguồn giàu chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do gây hại. Đặc biệt, trong củ riềng chứa rất nhiều polyphenol – một nhóm chất chống oxy hóa có thể giúp cải thiện trí nhớ, giảm lượng đường trong máu và mức cholesterol xấu.

tac-dung-cua-cu-rieng-trong-chua-benh-va-am-thuc-voh-1
Củ riềng có thể giúp làm giảm suy giảm trí (Nguồn: Internet)

2.2 Bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh ung thư

Sử dụng củ riềng thường xuyên có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại một số loại ung thư.

Các nghiên cứu trên ống nghiệm đã cho thấy, hợp chất hoạt tính trong củ riềng có thể tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự lây lan. Một số nghiên cứu khác cho thấy, củ riềng có thể giúp chống lại tế bào ung thư ruột kết, ung thư vú, ống mật, da và gan.

Tuy nhiên, đây chỉ là các nghiên cứu trên ống nghiệm, vẫn cần nhiều nghiên cứu thực tiễn trên người để có thể chứng minh công dụng này của củ riềng.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.3 Tăng cường khả năng sinh sản nam giới

Có một vài bằng chứng cho rằng, củ riềng có thể tăng cường khả năng sinh sản của nam giới.

Một nghiên cứu kéo dài 3 tháng ở 66 người đàn ông có chất lượng tinh trùng thấp, khi được cho dùng chất bổ sung hàng ngày có chứa chiết xuất từ củ riềng và quả lựu đã làm tăng khả năng di chuyển tinh trùng 62%, so với mức tăng 20% ở những người sử dụng giả dược.

Đây là một phát hiện rất thú vị, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ hiệu quả này là do chiết xuất từ củ riềng hay do quả lựu. Cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để có thể xác định tác dụng của củ riềng đối với khả năng sinh sản nam giới.

2.4 Chống viêm và giảm đau

Củ riềng có thể giúp giảm viêm do có chứa HMP – một chất phytochemical tự nhiên có đặc tính chống viêm mạnh khi được nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm.

Trên thực tế, tất cả các loại cây thuộc họ Zingiberaceae, bao gồm củ riềng, đều có tác dụng giảm đau (một triệu chứng phổ biến của viêm). Tuy vậy, vẫn cần nhiều nghiên cứu khác về tác dụng giảm đau, chống viêm của củ riềng trên người trước khi đưa ra kết luận chính xác.

2.5 Chống lại nhiễm trùng

Củ riềng có chứa tinh dầu, loại tinh dầu này có thể chống lại vi sinh vật. Do đó, củ riềng có thể giúp kéo dài thời gian bảo quản của một số loại thực phẩm.

Bên cạnh đó, khi thêm củ riềng tươi vào món ăn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh vibriosis – một bệnh nhiễm trùng do ăn động vật có vỏ chưa được nấu chín.

2.6 Củng cố hệ miễn dịch

Nhiều nghiên cứu cho thấy chiết xuất polysaccharide trong củ riềng có tác động kích thích hệ lưới nội mô và làm tăng số lượng tế bào lá lách cũng như tế bào rỉ viêm phúc mạc, đây là những tế bào đóng vai trò then chốt trong hệ miễn dịch.

tac-dung-cua-cu-rieng-trong-chua-benh-va-am-thuc-voh-2
Thểm củ riềng vào món ăn giúp tăng cường hệ miễn dịch (Nguồn: Internet)

2.7 Tăng cường tuần hoàn máu

Vì có nhiều chất chống oxy hóa nên củ riềng có khả năng loại bỏ chất độc và cải thiện sự tuần hoàn máu. Ngoài ra, đặc tính chống oxy hóa của củ riềng cũng giúp ngăn ngừa các gốc tự do gây tổn thương cho da, qua đó giúp duy trì độ mềm cho da.

Xem thêm: Các loại thực phẩm tốt nhất để tăng lưu lượng và tuần hoàn máu, phòng ngừa các bệnh lý tim mạch

2.8 Hỗ trợ tiêu hóa

Nhiều người nhắc đến củ riềng với công dụng chữa đau bụng. Ngoài ra, nó còn giúp hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm các vấn đề như nôn ói, tiêu chảy...

2.9 Đối phó với trầm cảm

Củ riềng chứa một loại dưỡng chất có tên là TNF-alpha, đây là một loại dưỡng chất thực vật có thể đối phó với bệnh trầm cảm.

3. Ăn củ riềng nhiều có tốt không?

Củ riềng có nhiều tác dụng dược lý được ghi nhận ở cả Đông y lẫn Tây y, thế nhưng để phát huyết được những công dụng của củ riềng bạn cần dùng chúng đúng cách và cần có sự kết hợp với các dược liệu khác.

Nếu sử dụng củ riềng quá nhiều hoặc sử dụng sai có thể sẽ khiến bệnh tình càng thêm nghiêm trọng, gây ra rối loạn dạ dày, hay bị dị ứng,...

Xem thêm: Những tác dụng phụ của củ riềng có thể bạn chưa biết

4. Củ riềng – gia vị đặc trưng trong ẩm thực

Ngoài tác dụng tốt trong y học, riềng còn được sử dụng nhiều trong ẩm thực Việt Nam. Đầu tiên là phải kể đến tác dụng cản mùi hôi, mùi tanh và làm tăng thêm hương vị ở một số loại thực phẩm như cá, thịt vịt, tôm, sò, ốc...

Vào dịp Tết người ta thường nấu riềng với mật mía như một món ăn ngày Tết để giúp cho tỳ vị tiêu hóa chất mỡ, đồng thời Tết thường vào dịp đại hàn rét nhiều nên món riềng còn giúp khử hàn làm ấm cơ thể. Một số vùng nông thôn ngày Tết các cụ thường làm món chả riềng.

Một số món ăn ngon có sử dụng riềng làm gia vị chủ chốt như:

  • Lưỡi heo xào riềng sả
  • Vịt rang riềng
  • Cá kho riềng thịt ba chỉ
  • Giò heo giả cầy
  • Cá cơm kho riềng
  • Nghêu - sò - ốc hấp riềng sả
  • Tôm hấp riềng sả

Xem thêm: Xuýt xoa với 6 món ăn ngon từ củ riềng, giúp bạn giải tỏa băn khoăn ‘củ riềng nấu món gì ngon?’

Ngoài ra, củ riềng tươi, rửa sạch thái lát luộc sơ, sau đó xào với mỡ để nhắm rượu, sẽ có tác dụng tiêu thực và cũng là vị thuốc giúp giải rượu hiệu quả.

Như vậy, giờ đây bạn không chỉ sử dụng riềng như một loại gia vị làm đậm đà món ăn mà bạn còn có thể dùng riềng để phòng ngừa hoặc điều trị một số bệnh như trên nhằm giúp bảo vệ cơ thể luôn được khỏe mạnh.

Bình luận