8 tác dụng của măng tre dành cho sức khỏe

(VOH) – Nhiều người cho rằng măng tre độc hại nên chúng thường không được ưa chuộng. Thế nhưng, ít ai ngờ măng tre ăn cực ngon và những tác dụng của măng tre đối với sức khỏe cũng rất tuyệt vời.

Măng tre khá phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam. Ngoài việc mang đến những bữa ăn ngon miệng, thì măng tre cũng có những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc sơ chế măng nếu bạn không muốn gặp phải những tác dụng phụ của nó.

1. Măng tre là gì?

Măng là cây non mọc lên khỏi mặt đất của các loài tre, có dạng hình nón, bên ngoài được phủ bởi những vòng nang cứng, đầu xẻ thành tua ngắn. Với vị ngọt, hơi đắng, tính mát bình, măng tre được sử dụng là thực phẩm dùng trong mâm cơm hàng ngày người Việt.

tac-dung-cua-mang-tre-voh-0
Măng tre khá phổ biến ở vùng quê Việt Nam (Nguồn: Internet)

Măng tre thường được bày bán với các hình thức là măng khô, măng tươi và măng đóng hộp. Không chỉ được sử dụng trong ẩm thực, măng tre còn là một loại dược liệu có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.

2. Tác dụng của măng tre gồm những gì?

Tuy khác với măng tây về kích thước những cả măng tây và măng tre đều mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một số tác dụng của măng tre có thể kể đến là:

2.1 Giảm cholesterol

Nhờ hàm lượng chất xơ và chất chống oxy hóa dồi dào nên ăn măng tre có thể giúp làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chất xơ chiết xuất từ ​​loại thực phẩm này có đặc tính làm giảm cholesterol mạnh mẽ (1). Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2009 cũng ghi nhận măng tre có thể làm giảm đáng kể mức cholesterol toàn phần và LDL (2).

2.2 Kiểm soát huyết áp

Hàm lượng kali trong măng tre tương đối cao, đây là một dưỡng chất đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Hơn thế, lượng chất xơ trong măng cũng giúp giảm huyết áp. Bổ sung chất xơ đầy đủ cho cơ thể có thể làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

2.3 Tăng cường sức khỏe đường ruột

Thực tế măng là một trong những thực phẩm giàu chất xơ, chính vì thế măng có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe đường ruột. Chất xơ có khả năng thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, giúp làm mềm phân, chữa trị táo bón.

Ngoài ra, chất xơ cũng giúp hỗ trợ phòng ngừa và điều trị một số vấn đề tiêu hóa, bao gồm trào ngược axit, bệnh trĩ, viêm túi thừa và loét dạ dày. (3)

2.4 Hỗ trợ giảm cân

Măng tre có hàm lượng calo thấp nhưng lại chứa nhiều chất xơ, nên một trong những tác dụng của măng là hỗ trợ giảm cân. Thành phần chất xơ trong măng tre có thể giúp làm chậm quá trình trống rỗng của dạ dày, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn giữa các bữa ăn.

2.5 Chống viêm

Nhờ có đặc tính chống viêm nên ăn măng tre có thể giúp làm giảm đau, viêm cũng như chữa lành vết loét.

2.6 Tăng cường hệ miễn dịch

tac-dung-cua-mang-tre-voh-1
Ăn măng tre giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể (Nguồn: Internet)

Một trong những công dụng của măng là giúp tăng cường hệ miễn dịch. Măng chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho các hoạt động trong cơ thể như vitamin A, C, E, vitamin nhóm B... giúp nâng cao khả năng miễn dịch.

2.7 Duy trì mức hemoglobin

Măng rất giàu chất sắt, vì thế ăn măng có thể giúp phục hồi mức độ hemoglobin trong máu, rất có lợi cho người thiếu máu, phụ nữ có thai, trẻ em đang lớn và phụ nữ đang bước vào giai đoạn mãn kinh.

2.8 Giàu chất chống oxy hóa

Măng tre cũng là thực phẩm giàu chất flavonoid, tannin và các khoáng chất khác như selen. Do đó, ăn măng tre sẽ giúp kiểm tra các gốc tự do của cơ thể và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Ngoài ra, thành phần selen trong măng tre còn giúp duy trì sức khỏe tinh thần và tuyến giáp thích hợp của cơ thể. Do đó, ăn măng tre sẽ tốt cho sự hoạt động bình thường của cơ thể và trí óc.

Xem thêm: Chất chống oxy hóa trong thực phẩm cùng tác dụng chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa mà ít ai biết đến

3. Bà bầu ăn măng được không?

Đối với bà bầu, các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn quá nhiều măng trong giai đoạn thai kỳ, nhất là trong 3 tháng đầu tiên. Vì măng tre chứa nhiều chất xơ nên ăn nhiều có thể dẫn đến no lâu, đầy hơi. Hơn nữa, nếu chế biến măng không đảm bảo dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc, gây sảy thai.

Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ bầu ăn măng trong giới hạn cho phép thì măng vẫn là thực phẩm lành mạnh và tốt cho thai kỳ như giúp tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho hệ tiêu hóa, tim mạch....cùng nhiều lợi ích khác.

Xem thêm: Những lợi ích bất ngờ khi bà bầu ăn măng

4. Ăn măng tre nhiều có tốt không?

Măng tre là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tuy nhiên, trong măng tre lại có chứa độc tố, vì thế, với măng tre ngoài việc ăn trong giới hạn cho phép thì bạn cần đảm bảo các bước sơ chế ban đầu để có thể loại bỏ độc tố trong măng.

tac-dung-cua-mang-tre-voh-2
Măng tre cần được sơ chế kỹ trước khi chế biến (Nguồn: Internet)

Luộc măng hoặc ngâm măng thật kỹ chính là cách có thể giúp bạn làm giảm lương độc tố có trong thực phẩm này. Để có thể luộc măng tre đúng cách và an toàn thì bạn nên tìm hiểu thêm 7 cách luộc măng tươi, măng khô không đắng và khử độc

Ngoài ra, những người đang bị đau dạ dày, sỏi thận, bệnh gout, dùng aspirin thường xuyên... tốt nhất không nên ăn măng, bởi có thể khiến bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Xem thêm: Tác hại của măng tre là gì, những người nào không nên ăn măng?

5. Măng làm món gì ngon?

Mặc dù quá trình sơ chế măng tốn nhiều thời gian và công sức, tuy nhiên, sau đó thành quả bạn nhận được sẽ vô cùng bất ngờ, bởi măng tre có thể làm ra được rất nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng.

Bún măng vịt là món ăn cực kỳ nổi tiếng từ măng. Ngoài ra, bạn còn có thể chế biến một số món ngon khác với măng, chẳng hạn như: ếch xào măng, thịt kho măng, canh măng nấu xương, hay nộm măng vịt....

Xem thêm: Gợi ý 9 món ngon từ măng giúp bữa cơm gia đình thêm 'tròn vị'

6. Một số lưu ý khi ăn măng tre

Ăn măng tre mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, khi ăn măng bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tuyệt đối phải ngâm hoặc luộc măng thật kỹ trước khi chế biến để loại bỏ độc tố.
  • Nếu có các biểu hiện như phát ban, ngứa hoặc sưng tấy sau khi ăn măng phải ngưng sử dụng ngay lập tức và đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp điều trị kịp thời.
  • Các sản phẩm măng đóng hộp thường chứa nhiều natri, do đó, nếu bạn đang thực hiện một chế độ ăn ít natri thì nên cân nhắc khi ăn thực phẩm này.

7. Hàm lượng dinh dưỡng có trong măng tre

Măng tre chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như carbohydrate, protein, chất béo, chất xơ, kali, vitamin, sắt, phosphore,… Dưới đây là hàm lượng dinh dưỡng được ghi nhận có trong 100g măng tre (phần ăn được):

  • Nước: 92.0g
  • Năng lượng: 15 Kcal
  • Chất đạm: 1.7g
  • Chất béo: 0.3g
  • Chất xơ: 4.1g
  • Canxi: 22mg
  • Sắt: 1.00mg
  • Magie: 3mg
  • Photpho: 58mg
  • Kali: 533mg
  • Natri: 4mg
  • Selen: 0.8μg
  • Vitamin C: 1mg
  • Vitamin B1: 0.08mg
  • Vitamin B2: 0.08mg
  • Vitamin PP: 0.6mg
  • Vitamin B5: 0.161mg
  • Vitamin B6: 0.24mg
  • Folate: 7μg
  • Vitamin E: 1mg

Có thể thấy, tác dụng của măng tre vừa tốt cho sức khỏe vừa là một món ăn rất ngon, giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, để có thể nhận được các lợi ích từ măng tre bạn phải nấu chúng đúng cách để giảm lượng hợp chất độc hại và thưởng thức chúng một cách điều độ như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ.

Bình luận