‘Khám phá’ tác dụng của nha đam với sức khỏe và làm đẹp

(VOH) – Nhiều người trong chúng ta thường xuyên sử dụng nha đam, thế nhưng ít ai hiểu hết tác dụng của nha đam với sức khỏe và làm đẹp. Vậy thì cùng tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.

Nha đam vừa được trồng như cây kiểng trang trí nhà cửa, vừa được tận dụng làm nguyên liệu thực phẩm và dược liệu hỗ trợ cải thiện sức khỏe. Cùng lắng nghe những chia sẻ của PGS. TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) về loài cây đặc biệt này ngay sau đây nhé. 

1. Tìm hiểu về nha đam

Nha đam (tên tiếng Anh: Aloe vera), còn có tên gọi khác là lô hội bởi đây được đánh giá là loài phổ biến nhất thuộc chi Lô hội. 

1.1 Nguồn gốc

Theo các ghi chép thì từ hàng nghìn năm trước, nha đam – “cây bất tử” vốn được người dân Ai Cập cổ đại rất nâng niu và trân trọng, vì thế mà nhiều ý kiến cho rằng nha đam có khởi nguồn từ đất nước này. (1) Cho tới ngày nay thì nha đam đã “du nhập” rồi được canh trồng ở rất nhiều đất nước khác nhau trên thế giới. 

1.2 Đặc điểm

Nha đam thuộc nhóm cây trồng lâu năm, có lá màu xanh lục, mọc từ gốc thành cụm liền sát nhau, hình mũi mác dày, dài khoảng từ 30 – 60cm. Cây có thể chịu được khô hạn tốt, nhưng không thích hợp phát triển trong điều kiện đất bị ngập úng nước. 

kham-pha-tac-dung-cua-nha-dam-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-0
Nha đam hay còn được gọi là lô hội, gồm nhiều nhánh lá mọc thành cụm liền sát nhau, phát triển tốt ở điều kiện đất thông thoáng, khô ráo và không bị úng nước (Nguồn: Internet)

Sau khi gọt bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, bạn sẽ thấy một lớp nhựa vàng, kế đến là phần gel mỏng bám trên phần thịt nha đam trong suốt. Bên cạnh đó, điều thú vị khi trồng cây nha đam đó là chỉ những cây trồng lâu năm (từ 5 - 10 năm) thì mới trổ hoa. Khi đó vào độ mùa hè hoa sẽ nở rộ màu vàng xen lẫn hồng ở giữa cụm lá rất độc đáo. 

2. Tác dụng của nha đam với sức khỏe

Thực tế chúng ta chỉ sử dụng gel cùng thịt nha đam bởi chúng được đánh giá là bộ phận chứa hàm lượng chất dinh dưỡng lớn nhất và an toàn nhất trong toàn bộ cây nha đam. 

Gel và thịt nha đam quyết định phần lớn tác dụng của nha đam, cung cấp các dưỡng chất quan trọng như axit folic, vitamin B1, vitamin B5, vitamin B12, vitamin E, vitamin A, vitamin C cùng chất kháng viêm monosaccharid hay prostaglandin,…Chính vì thế nếu sử dụng nha đam hợp lý, đúng khoa học có thể tận dụng được những lợi ích sức khỏe quý giá sau: 

2.1 Ngăn ngừa táo bón

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gel nha đam góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng hệ thống vi sinh của ruột. Các hoạt chất trong gel cùng với lượng chất xơ từ phần thịt nha đam khi vào cơ thể sẽ góp phần tăng lợi khuẩn cho đường ruột, đồng thời làm sạch ruột và kích thích nhu động ruột, từ đó ngăn ngừa xảy ra tình trạng táo bón hiệu quả. (2). Việc uống nha đam mỗi ngày sẽ phần nào ngăn ngừa bệnh táo bón.

Xem thêm: Phương pháp giúp bạn thoát khỏi nỗi ám ảnh 'táo bón' mà không cần dùng thuốc nhuận trường

2.2 Thanh nhiệt cơ thể 

Dựa trên phân tích dinh dưỡng, hàm lượng nước ở phần thịt nha đam khá dồi dào, chiếm tới hơn 90% tổng thành phần. Nhờ vậy mà việc bổ sung nha đam vào những ngày thời tiết oi nóng luôn được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích, nhằm phòng ngừa tình trạng mất nước xảy ra, tăng cường hỗ trợ hoạt động thải độc của gan và giúp thanh nhiệt cơ thể tốt hơn. (3) 

kham-pha-tac-dung-cua-nha-dam-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-1
Hàm lượng nước trong nha đam vô cùng lớn, nhờ đó mà sử dụng nha đam trong những ngày thời tiết nắng nóng sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc vô cùng hiệu quả (Nguồn: Internet)

2.3 Tăng cường hệ miễn dịch

Trong gel nha đam có chứa hoạt chất carbohydrate đặc biệt có tên gọi là acemannan với đặc tính không hòa tan trong nước. Lượng chất này sẽ kích thích sản sinh tế bào thực bào cùng cytokine để thực hiện các phản ứng miễn dịch cho cơ thể, giúp phòng chống các bệnh truyền nhiễm. (4) 

Đặc biệt, chất chống oxy hóa anthraquinone aloin được tìm thấy trong nha đam có khả năng ức chế các virus nguy hiểm như Herpes - gây mụn rộp và lở loét ở môi hay varicella – tác nhân gây ra bệnh thủy đậu. (5)

Xem thêm: Danh sách 10 bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải nếu phòng tránh không đúng cách

2.4 Làm lành vết thương

Tác dụng của nha đam không chỉ đảm nhiệm vai trò cải thiện sức đề kháng của cơ thể, chất acemannan trong nha đam còn kết hợp với axit salicylic làm tăng tốc độ lành vết thương, giảm tình trạng sưng viêm và ngứa ngáy ở các vết bỏng, vết chàm hay những vết thương hở. (6) 

2.5 Hỗ trợ giảm đường huyết

Nếu sử dụng với lượng vừa đủ và an toàn, nha đam có thể trở thành thực phẩm khá lành mạnh với người đang điều trị bệnh tiểu đường. Theo đó hoạt chất polysacharide do nha đam đem lại sẽ đảm nhiệm vai trò hạ nồng độ đường trong máu, giảm nguy cơ mắc biến chứng tiểu đường tuýp 2

Xem thêm: Chỉ số đường huyết bao nhiêu là an toàn? Cách giúp bạn kiểm tra đường huyết tại nhà

2.6 Làm giảm mảng bám trên răng

Sâu răng là căn bệnh phổ biến ở nhiều người, các nguyên nhân thường xuyên làm cho răng miệng dễ bị sâu như tích tụ các mảng bám trên răng, sự sinh sôi phát triển của vi khuẩn. Sử dụng nha đam sẽ phần nào giảm các mảng bám trên răng miệng, tiêu diệt các vi khuẩn tạo mảng bám trong miệng và ngăn ngừa nấm men.

2.7 Điều trị vết loét miệng

Tác dụng của nha đam không chỉ giúp chữa lành vết thương nhanh chóng mà còn giúp giảm kích thước vết loét, đẩy nhanh quá trình chữa lành vết loét trong miệng và giảm cơn đau liên quan đến vết loét.

2.7 Cải thiện làn da và ngăn ngừa nếp nhăn

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng gel lô hội có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa da, tăng sản lượng sản xuất collagen và cải thiện độ đàn hồi của da một cách nhanh chóng. Ngoài ra nha đam còn có thể giúp da giữ ẩm, thích hợp dành cho người da khô.( 7 )

3. Tác dụng của nha đam trong làm đẹp

Tuy là một loại cây chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá song nha đam có đặc tính sinh trưởng khá dễ nên giá thành của dược liệu này tương đối rẻ. Có lẽ cũng chính vì lý do đó mà các chị em thường mách nhau lựa chọn làm đẹp bằng nha đam. 

kham-pha-tac-dung-cua-nha-dam-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-2
Nha đam được rất nhiều chị em phụ nữ tin dùng để làm đẹp vì vừa có giá thành rẻ lại cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu (Nguồn: Internet)

Phương pháp dưỡng nhan tự nhiên với nha đam giúp phái đẹp chủ động bảo vệ làn da cũng như khắc phục khá nhiều vấn đề như da thâm sạm, nứt nẻ hay lão hóa sớm. 

Ngoài ra, sức khỏe của mái tóc cũng được cải thiện đáng kể khi bạn sử dụng nha đam trong liệu trình chăm sóc và dưỡng tóc, tình trạng tóc xơ rối, gãy rụng sẽ giảm đi đấy. 

Xem thêm: 15 cách làm đẹp bằng nha đam vừa rẻ vừa hiệu quả mà cô nàng sành skincare nào cùng nên biết

4. Bà bầu ăn nha đam được không?

Xây dựng thực đơn cũng như lựa chọn thêm nhóm thực phẩm nào để bồi bổ cho mẹ bầu luôn là việc cần phải thực hiện cẩn thận và tìm hiểu kĩ lưỡng.

Đối với nha đam, mẹ bầu có thể tận dụng để dưỡng ẩm làn da nhưng đây lại không phải là loại thực phẩm thích hợp trong giai đoạn mang thai. Các mẹ nên hạn chế bổ sung nha đam vào khẩu phần ăn, trong trường hợp mẹ cảm thấy thèm các món ăn từ nguyên liệu này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa trước khi dùng để tránh gây nguy hại cho sức khỏe thai kì. 

Xem thêm: Bà bầu ăn nha đam được không? Đây là lời khuyên mẹ nên biết

5. Gợi ý các món ăn từ nha đam

Như đã chia sẻ nha đam vốn là một nguyên liệu vô cùng “đa năng”, bạn có thể sử dụng để làm nước ép nha đam, sinh tố nha đam hoặc đem chế biến thành rất nhiều món ăn độc đáo và bổ dưỡng. 

kham-pha-tac-dung-cua-nha-dam-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-3
Nha đam có thể dùng để làm nước ép, sinh tố hoặc đem chế biến nhiều món ăn độc đáo, bổ dưỡng (Nguồn: Internet)

Các món ăn từ nha đam khá đa dạng, bao gồm cả món mặn và món ngọt với công đoạn đơn giản cùng thành phần dễ tìm kiếm, có thể kể đến như: 

  • Sữa chua nha đam 
  • Chè nha đam đậu xanh
  • Chè nha đam hạt sen 
  • Gỏi nha đam 
  • Canh sườn nha đam 
  • Súp nha đam 

Xem thêm: Các món ăn từ nha đam thanh mát, lạ vị lại bổ sung nhiều chất dinh dưỡng nhất định nên thử một lần!

6. Cách sử dụng đúng để phòng tránh tác hại của nha đam

Những tác dụng của nha đam giúp cải thiện sức khỏe và làm đẹp nhưng để phát huy hiệu quả nhất khi chúng ta áp dụng đúng quá trình sơ chế và sử dụng đúng cách.

Ngoài dùng trong nấu ăn thì cách sử dụng nha đam tươi trong làm đẹp cũng được nhiều người ưa chuộng như: tẩy tế bào chết, tẩy trang, trị mụn, trị gàu, làm sáng da, trị rạn da, chữa cháy nắng,.....

Hãy nhớ chỉ tận dụng phần gel cùng phần thịt nha đam, chú ý làm sạch lớp nhựa vàng bám bên ngoài để tránh bị ngộ độc hoặc dị ứng. Cùng với đó, không nên lạm dụng dùng quá nhiều để hạn chế mắc phải một số tác hại của nha đam. Lời khuyên là chỉ sử dụng tối đa 5 - 10g gel nha đam và khoảng 100g thịt nha đam một lần, trong tuần tốt nhất dùng từ 1 -2 lần. 

Xem thêm: 5 tác hại của nha đam dễ mắc phải bạn đừng chủ quan!

7. Những lưu ý khi sử dụng nha đam

7.1 Chú ý nhựa vàng của nha đam

Lớp vỏ của nha đam có một lớp nhựa, thường màu vàng, dễ gây độc hại cho cơ thể, nên khi sử dụng nha đam thì cần chú ý đến phần nhựa vàng để làm sạch tránh tác hại mang lại.

7.2 Hạn chế sử dụng nha đam không nguyên chất

Việc uống nha đam không nguyên chất, nước nha đam pha có màu sẽ gây các tác dụng phụ không mong muốn như tiêu chảy, ung thư ruột kết nếu uống thường xuyên, dễ bị chuột rút và u tuyến ruột kết.

7.3 Không sử dụng nha đam khi uống thuốc nhuận tràng

Vì nha đam giúp ngăn ngừa táo bón, nên ai đang có sử dụng thuốc nhuận tràng thì hạn chế dùng nha đam. Việc vừa dùng nha đam và thuốc nhuận tràng sẽ gây tổn hại cho thận và gan.

8. Cách làm nha đam không bị đắng

Nha đam là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng nếu làm sai cách thì sẽ mất các chất dinh dưỡng, mất đi hương vị ngon của nha đam. Để làm nha đam không bị đắng thì bạn cần làm theo cách sau:

  • Nha đam khi mua về thì gọt vỏ xong rửa qua 1 lần nước rồi cắt thành hạt lựu, tiếp rửa qua 1 lần nước nữa để làm sạch nhớt của nha đam.
  • Chuẩn bị một thau nước muối loãng, thêm 1 ít nước cốt chanh và cho nha đam vào để ngâm khoảng 10 - 15 phút. Khi ngâm thì bạn nên bóp nhẹ miếng nha đam để loại bỏ nhanh các chất nhớt bên trong và vị đắng.
  • Sau khi ngâm xong thì rửa lại qua nước sạch, rồi bắc một nước sôi để trụng nha đam. Sau khi trụng xong thì vớt nha đam ra để ráo. Bây giờ bạn có thể sử dụng nha đam để làm các món ăn và thức uống tùy thích mà không sợ bị đắng.
kham-pha-tac-dung-cua-nha-dam-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-4
Cách làm nha đam không bị đắng

9. Giá trị dinh dưỡng của nha đam

Hàm lượng một số chất dinh dưỡng trong 100g thịt nha đam được phân tích như sau: 

  • Calo: 36 
  • Nước: 96.23g
  • Chất xơ: 0.2g
  • Chất béo: 0.12g
  • Protein: 0.36g
  • Natri: 19mg
  • Canxi: 19mg
  • Vitamin C: 9.1mg
  • Sắt: 0.15mg

Cũng giống như các thực phẩm khác, tác dụng của nha đam tốt cho cơ thể song cũng tiềm ẩn các tác dụng phụ nguy hại nếu chúng ta sử dụng thiếu khoa học. Do vậy hy vọng rằng với những thông tin về nha đam được chia sẻ trong bài viết trên đây, bạn sẽ biết cách tận dụng dược liệu thiên nhiên này thật an toàn và hợp lý để bảo vệ sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp thật hiệu quả nhé. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 
Bình luận