9 tác dụng của sầu riêng dành cho sức khỏe

(VOH) - Sầu riêng được xem là 'vua của các loại trái cây' không chỉ bởi hương vị mà tác dụng của sầu riêng còn rất tốt trong việc phòng ngừa và chữa bệnh rất hiệu quả.

Sầu riêng được nhiều người yêu thích bởi vị bùi béo và hương thơm đặc trưng. Tuy nhiên, mùi vị này cũng có một số người không ưa thích. Dẫu vậy, sầu riêng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, có thể mang đến một số lợi ích nhất định cho sức khỏe.

1. Tìm hiểu về quả sầu riêng

Sầu riêng là loại trái cây nhiệt đới, có tên khoa học là Durio (Duria), họ Cẩm quỳ (Malvaceae), phổ biến ở vùng Đông Nam Á.

Quả sầu riêng được nhiều người ở Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia..., xem như là “vua của các loại trái cây”. Quả có dạng hình bầu dục đến tròn, với đường kính khoảng 15 - 30cm, nặng từ 1 - 5 kg.

Bên ngoài quả sầu riêng có lớp vỏ cứng bao quanh là gai nhọn, có màu xanh khi còn sống và chuyển màu nâu khi đã chín sau 3 tháng thụ phấn. Tuy nhiên, một số giống sầu riêng không chuyển màu nâu khi chín, mà thay vào đó là có hiện tượng nứt vỏ và tỏa hương nồng. 

9-tac-dung-cua-sau-rieng-danh-cho-suc-khoe-voh-0
Sầu riêng là loại quả ở miền nhiệt đới (Nguồn: Internet)

Quả sầu riêng có nhiều múi, phần thịt sầu riêng bên trong có màu vàng nhạt hoặc đỏ, mỗi múi có 1 đến 3 hạt. Phần ăn được là phần thịt (cơm) bao quanh hạt cứng. Hạt có kích cỡ như hạt mít, có thể ăn được nếu được nướng, chiên hay luộc.

Mặc dù nhiều người không thích mùi vị của sầu riêng, nhưng thực tế đây là một loại quả rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều hơn hầu hết các loại trái cây khác. 

Xem thêm: Sầu riêng trăm ngàn loại, nhưng đây là những loại sầu riêng ngon nhất

2. Sầu riêng – một trong những loại trái cây bổ dưỡng

Sầu riêng là một loại trái cây có hương vị độc đáo. Ngoài vị ngon khó cưỡng, loại quả này còn cung cấp rất nhiều các chất dinh dưỡng sau (hàm lượng dinh dưỡng trong một cốc 243gr sầu riêng):

  • Calo: 357
  • Chất béo: 13gr
  • Carbs: 66gr
  • Chất xơ: 9gr
  • Chất đạm: 4gr
  • Vitamin C: 80% giá trị hàng ngày (DV)
  • Thiamine: 61% DV
  • Mangan: 39% DV
  • Vitamin B6: 38% DV
  • Kali: 30% DV
  • Riboflavin: 29% DV
  • Đồng: 25% DV
  • Folate: 22% DV
  • Magie: 18% DV
  • Niacin: 13% DV

Ngoài ra, sầu riêng giàu các hợp chất thực vật lành mạnh như: anthocyanins, carotenoid, polyphenol và flavonoid.

Nhờ có thành phần dinh dưỡng đa dạng nên sầu riêng trở thành một loại trong những loại trái cây bổ dưỡng nhất thế giới, mang đến tác dụng tốt cho sức khỏe mà ít người biết đến.

3. Tác dụng của sầu riêng dành cho sức khỏe 

Tất cả các bộ phận của cây sầu riêng – lá, vỏ, rễ và quả đều đã được sử dụng trong y học cổ truyền Malaysia để điều trị các bệnh khác nhau.

Các nghiên cứu y học hiện đại cũng cho thấy, sầu riêng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe chẳng hạn như:

3.1 Cung cấp năng lượng cho cơ thể

Khi tiêu thụ khoảng 234gr sầu riêng, cơ thể bạn sẽ nhận được khoảng 20% DV lượng carbs cần trong một ngày. Do đó, đây là loại trái cây lý tưởng cho những ai muốn bổ sung nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể.

3.2 Tốt cho hệ tiêu hóa

9-tac-dung-cua-sau-rieng-danh-cho-suc-khoe-voh-1
Sầu riêng giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa (Nguồn: Internet)

Một trong những công dụng của sầu riêng là giúp cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa. Sầu riêng chứa nhiều chất xơ, giúp các hoạt động của đường ruột diễn ra được “vận hành” một cách trơn tru và hiệu quả hơn.

3.3 Tăng cường hệ miễn dịch

Vì có nhiều vitamin C nên ăn sầu riêng sẽ giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật. Vỏ sầu riêng có chứa các thành phần có đặc tính kháng khuẩn và chống nấm men hiệu quả.

3.4 Giảm lượng đường trong máu

Sầu riêng là một trong số những thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn nhiều loại trái cây khác. Do đó, tác dụng của sầu riêng có thể giúp làm giảm lượng đường trong máu, từ đó ngăn ngừa nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường.

3.5 Ngăn ngừa bệnh tim

Các hợp chất thực vật có trong quả sầu riêng chính là thành phần quan trọng trong việc ngăn ngừa và làm giảm mức cholesterol trong máu, nguy cơ xơ vữa động mạch hoặc chứng xơ cứng động mạch.

Xem thêm: Xơ vữa động mạch máu và những hệ lụy sức khỏe không thể xem nhẹ

Bên cạnh đó, kali là một chất có rất nhiều trong quả sầu riêng, có tác dụng kiểm soát huyết áp, giữ cho nồng độ natri ở mức độ cho phép và giúp điều hòa nhịp tim.

3.6 Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Chất tryptophan trong quả sầu riêng được xem như một loại thuốc ngủ tự nhiên. Do đó, nếu tiêu thụ sầu riêng hợp lý sẽ giúp bạn có được giấc ngủ ngon và sâu hơn.

3.7 Phòng ngừa thiếu máu, chắc khỏe xương

Sầu riêng giàu đồng, sắt và folate (vitamin B9) đây là những chất cần thiết cho sự hình thành và tái tạo các tế bào hồng cầu khỏe khỏe mạnh. Ngoài ra, hàm lượng mangan có trong quả sầu riêng cũng giúp hỗ trợ cho xương chắc khỏe.

3.8 Chống trầm cảm

9-tac-dung-cua-sau-rieng-danh-cho-suc-khoe-voh-2
Ăn sầu riêng giúp tinh thần bạn vui vẻ, thoải mái (Nguồn: Internet)

Sầu riêng rất giàu vitamin B6, một dưỡng chất thiết yếu trong việc sản xuất serotonin (người có nồng độ serotonin thấp có nguy cơ trầm cảm cao). Do vậy, ăn sầu riêng sẽ giúp bạn vượt qua được căng thẳng, phiền muộn, từ đó chống lại được bệnh trầm cảm.

3.9 Giảm nguy cơ ung thư

Sầu riêng chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, cho nên, ăn sầu riêng có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư vú do nó có thể vô hiệu hóa các gốc tự do gây ung thư – nguyên nhân dẫn đến sự hình thành và phát triển các tế bào ác tính trong cơ thể.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm cũng chỉ ra rằng, chiết xuất từ quả sầu riêng đã ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư vú.

Xem thêm: Hạt sầu riêng: 4 lợi ích sức khỏe to đùng và cách ăn siêu dễ

4. Ăn sầu riêng có béo không?

Nhiều người thường chọn ăn trái cây cho các thực phẩm khác khi muốn giảm cân, tuy nhiên không phải loại trái nào cũng đều chứa ít calo, chẳng hạn như sầu riêng.

Ăn sầu riêng có thể khiến bạn bị tăng cân và béo phì vì chúng chứa rất nhiều chất béo và calo. Trong 243gr sầu riêng chứa đến 357 calo và 13gr chất béo. May thay, chất béo trong sầu riêng không phải là chất có hại nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu chọn sầu riêng để giảm cân thì đây chắc chắn là một lựa chọn tồi.

Xem thêm: Ăn sầu riêng có béo không? Câu trả lời khiến bạn bất ngờ

5. Bà bầu ăn sầu riêng – lợi hay hại?

Thực tế, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy bà bầu ăn sầu riêng sẽ mang lại những tác động tiêu cực cho sự phát triển của thai nhi.

Sầu riêng chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể nên bà bầu ăn sầu riêng có thể giúp giảm táo bón, ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi, bổ sung thêm nhiều khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể.

9-tac-dung-cua-sau-rieng-danh-cho-suc-khoe-voh-3
Bà bầu ăn sầu riêng với lượng vừa phải sẽ có lợi cho bà bầu (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, nếu bà bầu ăn sầu riêng quá nhiều có thể sẽ gặp phải nhiều tác dụng phụ không tốt, bởi loại quả này chứa khá nhiều đường và carbs. Nếu hàm lượng đường và carbs trong cơ thể tăng đột biến có thể gây hại cho phụ nữ mang thai.

Xem thêm : Bà bầu ăn sầu riêng và 7 lợi ích sức khỏe không thể chối cãi

6. Tác hại của sầu riêng như thế nào?

Sầu riêng là loại quả có mùi rất đặc trưng và được nhiều người ưa thích. Mặc dù ăn ngon và bổ, nhưng ăn nhiều sầu riêng cũng có những tác hại nhất định như:

  • Gây đầy hơi
  • Khó tiêu
  • Làm tăng lượng đường trong máu
  • Có thể ảnh hưởng đến thai kỳ nếu bà bầu ăn quá nhiều

Xem thêm: 'Điểm mặt' 5 tác hại của sầu riêng khiến bạn phải dè chừng

7. Một số lưu ý khi ăn sầu riêng

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi ăn sầu riêng bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không nên ăn quá nhiều, một ngày nên ăn tối đa 2 múi sầu riêng. Ngoài ra, bạn nên kết hợp ăn thêm măng cụt để ngăn ngừa đau bao tử sau khi ăn sầu riêng. 
  • Với những người bị bệnh suy thận, huyết áp, tiểu đường, phụ nữ mang thai, cần hạn chế ăn loại quả này.
  • Đối với trẻ nhỏ đang bị rôm sảy do nóng sốt, có đường tiêu hóa kém... mẹ không nên cho bé ăn sầu riêng, bởi sẽ gây cho bé chứng đầy bụng và khó tiêu.
  • Trong chế biến món ăn, bạn nên tránh sử dụng chung sầu riêng với các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng, tỏi…

8. Cách chọn sầu riêng chuẩn từng trái

Khi tới mùa bạn sẽ thấy sầu riêng ở khắp các “mặt trận” từ siêu thị, cửa hàng trái cây cho đến ven đường. Tuy nhiên, để chọn được những quả sầu riêng "chuẩn chỉnh" bạn cần biết cách chọn sầu riêng nhằm tránh việc mua nhầm quả kém chất lượng.

9-tac-dung-cua-sau-rieng-danh-cho-suc-khoe-voh-4
Cần biết cách chọn sầu riêng nhằm tránh việc mua nhầm quả kém chất lượng (Nguồn: Internet)

Tốt nhất nên chọn những quả vỏ hơi nâu vàng là quả chín cây. Quả tròn đều, cuống tươi nhỏ, lõi giữa vàng là múi trong ruột sẽ vàng ánh, các gai nhọn, nở hết, bóp nhẹ 2 gai giáp nhau là quả không sượng.

Ngoài ra, bạn nên biết thêm 6 mẹo chọn sầu riêng chín ngon, chất lượng để không bị “tiền mất tật mang”.

Xem thêm: Bật mí bạn cách chọn sầu riêng 'nhanh-gọn-lẹ' để mua trái nào là chuẩn ngay trái đó

9. Học ngay cách tách và ăn sầu riêng 

Sầu riêng có vỏ khá cứng và nhiều gai nhọn xung quanh, vì thế bạn nên sử dụng găng tay khi tách vỏ để tránh da tay bị tổn thương. Tiếp đến, bạn dùng dao tách bỏ lớp vỏ bên ngoài, sau đó, gỡ lấy phần thịt bên trong sầu riêng.

Sầu riêng có thể ăn trực tiếp hoặc được chế biến thành nhiều món ăn, thức uống ngon lành như: kẹo sầu riêng, kem sầu riêng, sinh tố sầu riêng...

Xem thêm: 8 món ngon từ sầu riêng đủ khiến bạn mê mệt!

Như vậy, sầu riêng là loại trái cây chứa rất nhiều dinh dưỡng lành mạnh bao gồm các vitamin, khoáng chất và cả chất chống oxy hóa.... Mặc dù có mùi khá nặng khiến nhiều người không thích, nhưng chúng thật sự là thực phẩm tốt cho sức khỏe mà bạn không nên bỏ qua!

Bình luận