Chờ...

Ý nghĩa câu tục ngữ 'Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư'

VOH - Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam chính là những kinh nghiệm, bài học được đúc kết sau nhiều thế hệ. Thế nhưng liệu "cá không ăn muối cá ươn" còn phù hợp với cuộc sống hiện tại?

Một trong những đạo lý mà bất cứ bậc cha mẹ cũng như con cái nào cũng biết là đạo hiếu của con với cha mẹ. Cha mẹ có nhiệm vụ nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái, còn những người con có bổn phận là phải lễ phép và vâng lời cha mẹ. Bài học về đạo làm người được rút ra qua câu tục ngữ quen thuộc “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”

“Cá không ăn muối cá ươn” nghĩa là gì?

ca-khong-an-muoi-ca-uon-voh-0

"Cá không ăn muối cá ươn" và đạo lý làm người - Ảnh: Internet

Một lý do quan trọng khiến câu tục ngữ “Cá không ăn muối cá ươn” gần gũi và tự nhiên là bởi ông cha ta đã vận dụng hình ảnh “con cá” và “muối” rất quen thuộc hàng ngày. 

Về nghĩa đen, con cá mua về cần được chế biến, làm sạch để đem ướp muối. Sau khi ướp thì thịt cá sẽ ngấm muối, săn chắc và được khử bớt mùi tanh. Cách làm này sẽ giúp cá ngon hơn khi chế biến. Nếu cá mua về để lâu mà không được ướp muối thì chúng sẽ bị ươn, bị hỏng, bốc mùi khó chịu và ăn không còn ngon nữa. 

Nhưng xét về nghĩa bóng của câu tục ngữ “Cá không ăn muối cá ươn” thì đây chính là hình ảnh ẩn dụ về việc con cái cần phải nghe lời, hướng theo những chỉ dẫn và lời khuyên của cha mẹ

Cha mẹ là người từng trải trong xã hội nên sẽ có nhiều kinh nghiệm sống. Những kinh nghiệm mà phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và những lầm lỡ hối hận trong quá khứ chính là ẩn dụ bởi từ “muối”. Bởi vậy, những kinh nghiệm ấy trở thành bài học lớn quý báu mà các bậc làm cha mẹ luôn muốn truyền lại cho con mình.

Từ “ăn” trong “cá không ăn muối cá ươn” được hiểu như lời nhắc nếu con cái nếu không nghe lời dạy bảo, nhắc nhở của cha mẹ khác nào như giống như những chú cá không ăn muối, sẽ bị hỏng, không thể trở thành người tốt được. 

“Cá không ăn muối cá ươn” và quan niệm ngày xưa

ca-khong-an-muoi-ca-uon-voh-1

Mỗi một thời đại thì những quan điểm, lối sống đều có những thay đổi để thích nghi với cuộc sống lúc bấy giờ. Nếu theo quan niệm của bậc cha ông ngày xưa là con cái phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ bất kể dù đúng hay sai. 

Ở thời điểm đó, câu tục ngữ “Cá không ăn muối cá ươn” luôn trọn vẹn lời khuyên răn, nhắc nhở của thế hệ cha ông đến lớp người trẻ chúng ta. Mỗi gia đình người Việt đều là một cá thể của xã hội, mọi hành động, việc làm của chúng ta đều tạo nên những ảnh hưởng đến toàn xã hội. Và chỉ một hành động không tốt của con cái, bố mẹ sẽ luôn là người chịu điều tiếng. 

Ngay từ thuở nhỏ, con cái luôn cần sự dạy dỗ, chỉ bảo của cha mẹ. Những bài học về “muối” ở đây không nhất thiết phải là những đạo lý lớn lao mà đôi khi chỉ là cách cầm đũa, cách ăn uống, đi đứng và lời chào. 

Phận làm con nên hiểu rằng trên bước đường đời, người thầy đầu tiên của con cái chính là cha là mẹ. Cha mẹ chính là người dìu dắt con những bước chập chững đầu tiên, là người dạy con những bài học đầu đời, đến những trang lớn hơn của bài học kinh nghiệm là cách sống, cách ứng xử, cách làm người…

Đôi khi, con cái không nhận ra những mong muốn ẩn sau các bài học của cha mẹ cho đến khi họ có mái ấm gia đình riêng, có những đứa con của riêng mình. Lúc này, họ mới càng hiểu rõ những điều cha mẹ khuyên răn, dạy dỗ đều là điều hay, lẽ phải, cần biết nghe, biết vâng lời cha mẹ chính là cách hiếu thảo, báo hiếu với cha mẹ.

Xem thêm: 
‘Ở hiền gặp lành’ rốt cuộc câu tục ngữ này còn ẩn chứa điều gì mà ta chưa biết?
‘Chim khôn kêu tiếng rảnh rang’, câu ca dao dạy con người cách ứng xử khéo léo bằng lời nói
65 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà cha mẹ

Cuộc sống hiện đại và cách giáo dục con trẻ qua câu “cá không ăn muối cá ươn”

ca-khong-an-muoi-ca-uon-voh-2

Giáo dục con trẻ qua câu tục ngữ "Cá không ăn muối cá ươn" - Ảnh: Internet

Ngày nay,  ý nghĩa câu “cá không ăn muối cá ươn” vẫn còn nguyên vẹn, song cũng có những thay đổi để phù hợp với quan điểm sống thời đại. Theo quan niệm ngày nay, con cái cần phải nghe lời cha mẹ, tuy nhiên không cần nhất nhất theo lời cha mẹ bất kể đúng sai mà con cái cũng nên được bày tỏ quan điểm, góc nhìn của mình với cha mẹ. 

Khi có sự dung hòa của cả 2 phía, con cái hiếu thảo, ngoan ngoãn có định hướng đúng đắn, còn cha mẹ thấu hiểu và biết lắng nghe con mình thì những bất đồng trong gia đình gần như hiếm khi tồn tại. Tuy nhiên, việc bộc bạch những quan điểm cần phải trong khuôn khổ lễ nghĩa và thái độ đúng đắn. Đừng vì những tranh cãi mà có thái độ không đúng với các bậc sinh thành. 

Thực tế trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra do bất đồng quan điểm giữa cha mẹ và con cái. Các bậc làm cha làm mẹ mong muốn con làm theo định hướng của mình, phải nghe lời và không được làm theo sở thích của con. Con lại cảm thấy gia đình quá áp đặt, khô khan và dẫn đến cãi vã và xảy ra những vụ việc đau lòng. 

Những việc như vậy khiến người ta đặt câu hỏi liệu ý nghĩa của “cá không ăn muối cá ươn” có thực sự phù hợp, liệu quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã đúng, hay “cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ chắc gì con hư”. 

Thế nên, thành ngữ, tục ngữ hay ca dao mang những giá trị thời đại song cũng cần linh hoạt thay đổi trong ứng dụng cuộc sống hàng ngày. Có như vậy, quan hệ giữa cha mẹ và con cái mới thực sự gắn bó đầm ấm, thuận hòa, tôn trọng lẫn nhau. Đó là yếu tố để tạo nên hạnh phúc gia đình.

Bài học đạo đức mà câu tục ngữ “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” vẫn là một bài học là một kinh nghiệm quý báu nhắc nhở chúng ta phải giữ đạo làm con, cần có hiếu, có lòng với cha mẹ. Câu tục ngữ có liên quan đến chữ hiếu, và chữ hiếu ngày nay dù có mang nét mới, tiến bộ của thời đại nhưng vẫn là đạo hiếu lớn trong đạo làm người của dân tộc Việt Nam .

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận