Bong gân và những điều cần biết để xử lý đúng cách

(VOH) - Bong gân là chấn thương thường gặp do chúng ta thường xuyên chạy nhảy, chơi thể thao hoặc thình lình té ngã. Nếu xử lý đúng cách khi bị bong gân, bạn sẽ nhanh chóng khắc phục chấn thương này.

1. Bong gân là gì?

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, bong gân là loại chấn thương đủ mạnh để làm tổn thương dây chằng ngoài khớp (dây chằng có thể bị căng, đứt một phần hoặc toàn bộ dây chằng). Các dây chằng có thể bị bong ra khỏi chỗ bám bị tổn thương nhưng không làm sai khớp.

Nhiều người thường nhầm tưởng bong gân là trật khớp, tuy nhiên, đây là 2 trường hợp khác nhau. Trật khớp là tình trạng các khớp rời và sai lệch vị trí, còn bong gân thì chỉ tổn thương dây chằng, không làm sai lệch khớp. Trật khớp thường là chấn thương nặng hơn bong gân. 

bong-gan-va-nhung-dieu-can-biet-de-xu-ly-dung-cach-voh-1

Bong gân là loại chấn thương thường gặp (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây bong gân

Bong gân thường gặp trong những trường hợp sau đây:

  • Té ngã hoặc trượt chân;
  • Sức nặng cơ thể chuyển hướng đột ngột khiến khớp bị xoắn vặn, dây chằng khớp bị kéo căng quá mức;
  • Chơi thể thao bất ngờ gặp chấn thương;
  • Bước hụt chân khi đi cầu thang;
  • Mang giày cao gót bị trẹo chân;

Những khớp xương thường bị bong gân là cổ chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tai, vai,…

3. Nhận biết tình trạng bong gân bằng cách nào?

Bong gân thường có những biểu hiện sau đây:

  • Đau tại khớp bị bong gân (tùy mức độ chấn thương nặng hay nhẹ mà mức độ đau có thể ít hay dữ dội).
  • Sưng nề tại khớp bị chấn thương.
  • vết bầm tím trên da.

Theo bác sĩ Bay, bong gân thường có 3 cấp độ là:

  • Cấp độ 1: Bong gân nhẹ, dây chằng căng đau tại chỗ, có thể sưng nề.
  • Cấp độ 2: Bong gân vừa, đứt bán phần dây chằng, đau nhiều và sưng nề, chưa có vết bầm tím trên da.
  • Cấp độ 3: Bong gân nặng, đứt toàn phần dây chằng, đau nhiều và có vết bầm tím trên da.

4. Bị bong gân nên làm gì?

Bong gân là tình trạng chấn thương bất ngờ không ai có thể biết trước được, vì vậy, bạn hãy lưu nhớ những cách dưới đây để xử lý đúng cách nếu chẳng may bị bong gân.

4.1 Trường hợp nhẹ:

  • Đầu tiên, bạn chườm lạnh tại vị trí bị bong gân bằng các túi chườm hoặc túi nước đá.
  • Sau đó, bạn cố định lại khớp bị bong gân bằng cách dùng băng thun quấn nhẹ (nếu không có băng thun thì dùng khăn hoặc vải cũng được). Việc cố định lại khớp ngay sẽ giúp giảm chảy máu của mạch máu nhỏ, đồng thời việc bất động khớp cũng sẽ giúp giảm đau.

4.2 Trường hợp nặng:

  • Bạn bất động khớp bằng băng thun hoặc khăn, vải.
  • Sau đó, nhờ những người xung quanh đưa bạn đến bệnh viện để được xử lý đúng cách.

5. Một số lưu ý khi xử lý tình trạng bong gân

bong-gan-va-nhung-dieu-can-biet-de-xu-ly-dung-cach-voh-2

Bong gân chỉ chườm lạnh, không chườm nóng (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Bay, khi xử lý tình trạng bong gân bạn cần phải lưu ý một số điều sau đây:

  • Chườm đá ít nhất trong 24 giờ đầu để cầm máu, chườm mỗi lần khoảng 20 – 30 phút.
  • Tuyệt đối không chườm nóng ngay khi bị bong gân.
  • Trong 24 giờ đầu không xoa dầu nóng, rượu nóng để tránh gây chảy máu. Nếu muốn xoa dầu nóng để giảm đau thì phải thực hiện sau 48 giờ kể từ khi bị bong gân.
  • Có thể sử dụng miếng dán có chứa aspirin, thành phần nóng để làm dịu đau nhưng phải thực hiện sau 48 giờ. Bên canh đó, bạn không nên dán quá nhiều để tránh bị phỏng da.
  • Nếu bị bong gân nhẹ có thể sử dụng thêm các thuốc giảm đau không cần kê đơn.
  • Nếu sau 3 – 5 ngày, vị trí bị bong gân vẫn sưng, đau thì phải đến bệnh viện để kiểm tra xem có phải bên trong bị đứt dây chằng hoặc có những tổn thương khác hay không. 
  • Tuyệt đối không đắp lá hay đắp gì lên vị trí bị bong gân. Nếu muốn bó thuốc giảm đau thì phải đến gặp thầy thuốc y học cổ truyền để được hỗ trợ. 

6. Biện pháp phòng tránh bị bong gân

Bong gân có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu bạn chạy, nhảy, đi, đứng không cẩn thận. Vì vậy, hãy lưu ý những điều sau đây khi sinh hoạt và tập luyện để tránh bị bong gân:

  • Đi đứng, chạy nhảy, tập luyện thể dục, thể thao phải đúng tư thế.
  • Khi tập luyện hãy mang giày chuyên dụng, phù hợp với bộ môn thể thao đang chơi và vừa khớp với chân.
  • Kiểm tra nơi tập luyện và các phương tiện lao động trước khi tập và làm việc.
  • Cẩn thận với những con đường núi dốc, đất đá lổn nhổn,…
  • Mỗi ngày, hãy tập luyện bằng cách đạp xe, đi bộ, xoa bóp, massage,…để giúp hệ thống dây chằng dẻo dai, tránh bị căng đứt khi có chấn thương bất ngờ.

Như vậy, bong gân là một chấn thương thường gặp trong đời sống, có thể nhẹ hoặc nặng tùy vào mức độ tai nạn gặp phải. Với những trường hợp nhẹ, bạn có thể xử lý tại nhà theo những hướng dẫn trên, trường hợp nặng bị đứt dây chằng, không cử động được khớp thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám và được xử lý đúng cách.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

Bình luận